Đối với trẻ sinh non, các hệ cơ quan của trẻ chưa được hình thành đầy đủ nên cơ thể còn rất yếu, dễ mắc bệnh và dẫn tới tình trạng bệnh nặng nếu mẹ không biết cách chăm sóc trẻ sinh non đúng cách.
Khi chăm sóc trẻ sinh non, mọi vấn đề về việc bú mẹ, chế độ thuốc, giấc ngủ hay môi trường sống đều cần được quan tâm đặc biệt.
1. Cho trẻ sinh non bú sữa mẹ đúng cách
Sữa mẹ luôn là nguồn dưỡng chất thiết yếu và quan trọng với mọi trẻ sơ sinh. Đặc biệt, với trẻ sinh non thì đây lại là nguồn dưỡng chất vô cùng quan trọng để “bù đắp” cho việc “nhẹ cân thiếu tháng”. Đối với trẻ sinh non, lượng sữa cần thiết đảm bảo cho trẻ theo từng ngày sau sinh như sau:
Ngày thứ nhất sau sinh: 60 ml/kg/ngày
Ngày thứ hai sau sinh: 90 ml/kg/ngày
Ngày thứ ba sau sinh: 120 ml/kg/ngày
Ngày thứ tư sau sinh: 150 ml/kg/ngày.
Hãy lưu ý cho trẻ sinh non uống sữa đúng các và đủ lượng cần thiết mỗi ngày (Ảnh minh họa).
Để tránh bị mất nước, khoảng thời gian giữa các lần cho bú không quá 4 tiếng. Để hạn chế trẻ bị nôn trớ mẹ nên cho trẻ bú từng bữa nhỏ. Mẹ chia nhỏ số lần bú trong ngày từ 8 – 12 lần/ngày sao cho đủ lượng sữa trẻ cần theo từng cân nặng. Nếu trẻ không bú được mẹ phải đổ sữa ra thìa hay ống thông dạ dày để trẻ uống.
Cũng trong 5 ngày này, với những trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 1500g, lượng ăn ít, có thể truyền thêm Glucoza 5 – 10% 80-100 ml/kg.
2. Bổ sung chế độ thuốc cho trẻ sinh non
Nếu trẻ sinh non, dựa vào thể trạng và cân nặng của trẻ mà bác sĩ sẽ kê toa và chỉ định cho trẻ bổ sung chế độ thuốc tùy theo từng trẻ cụ thể như: Vitamin K 1-2mg/ngày tiêm bắp, Vitamin C 50mg/ngày x 1 tháng, Vitamin B1 1mg/ngày x 1 tháng, Vitamin D 400 đv/ngày từ tuần thứ 3, Vitamin E 20mg/kg/ngày, từ tuần thứ 2×3 – 4 tuần, Sắt Sunfat 2mg/ngày từ tuần 4 – 6, Axit folic 50mcrogam/ngày.
Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ được cho uống dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và mẹ phải nhớ cho trẻ uống đủ liều, đủ lượng để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ về sau.
3. Đảm bảo ngủ đủ giấc cho trẻ sinh non
Ở các trẻ sinh non, do não chưa phát triển hoàn thiện nên tổng thời gian ngủ sẽ nhiều hơn so với trẻ bình thường. Việc ngủ của trẻ thường kéo dài đến khi trẻ đủ tháng giống như khi trẻ vẫn đang trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, mặc dù vấn đề đảm bảo cho trẻ sinh non ngủ đủ giấc là cần thiết nhưng mẹ phải chú ý đánh thức trẻ dậy để bú sữa. Tránh trường hợp để trẻ ngủ quá lâu, giấc ngủ kéo dài.
4. Thật dịu dàng khi trẻ sinh non quấy khóc
Tổng số giờ quấy khóc của trẻ sơ sinh bình thường trong những tuần đầu tiên sau sinh có thể lên đến 3 tiếng/ngày và con số này có thể kéo dài hơn đối với những trẻ sinh non. Do đó, nếu trẻ lọt lòng và quấy khóc, mẹ hãy kiên nhẫn và chờ đợi để trẻ thích nghi dần trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non. Mẹ nên quấn trẻ trong một chiếc khắn mềm để trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn. Hoặc nếu trẻ quấy khóc, mẹ có thể áp dụng phương pháp kangaroo với trẻ để trẻ cảm thấy ấm áp và chìm vào giấc ngủ sâu.
Mẹ phải thật dịu dàng khi chăm sóc trẻ sinh non (Ảnh minh họa).
5. Cho trẻ sinh non sinh hoạt trong môi trường an toàn
Phổi của trẻ sinh non chưa hoàn thiện cũng như hệ miễn dịch còn rất yếu nên phải cho trẻ sống trong môi trường cực kì trong lành. Tránh cho trẻ ở những người đông người, cấm tuyệt đối khói thuốc lá trong nhà, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người mắc các bệnh cảm, ho, sốt… thông thường.
6. Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ sinh non
Dù sinh non, trẻ vẫn phải đảm bảo được tiêm vắc xin như bình thường. Tuy nhiên, khi tiêm vắc xin cho trẻ cần lưu ý phải tính theo tuổi sơ sinh, không tính theo tuổi thai.
Nếu bạn sinh non và lo lắng về sự phát triển của trẻ sinh non thì bạn có thể hoàn toàn yêu tâm rằng trẻ sinh non nếu được chăm sóc ngay từ khi mới sinh ra sẽ có thể phát triển khỏe mạnh, bình thường như những đứa trẻ khác. Do đó, bạn không cần quá lo lắng mà nên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc trẻ sinh non và tìm đến bác sĩ khi cần thiết để có lời khuyên hữu ích.