Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiệt miệng
Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng trong miệng thường xuất hiện một vài đốm trắng có kích thước nhỏ, hơi mọng nước, to và loét dần nếu không được điều trị sớm. Vết loét hay vết tấy đỏ khiến trẻ khó chịu, không thể bú mẹ hay ăn uống, quấy khóc nhiều, miệng chảy nước dãi. Trường hợp nặng có thể bị nổi hạch hay sốt cao. Nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian thì trẻ dễ bị sụt cân nghiêm trọng do thiếu hụt dưỡng chất trong thời gian mắc bệnh.
Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh thường gây khó chịu, khiến trẻ quấy khóc (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng
Ở trẻ sơ sinh, chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng tuy nhiên sẽ có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiệt miệng như: do virus herpes tấn công; do rối loạn nội tiết; do suy giảm chức năng miễn dịch; do thiếu chất hoặc do ăn nhiều thức ăn gây nóng cơ thể; do uống nhiều thuốc hoặc dị ứng với thành phần nào đó của thuốc; do các nhân tố gây tổn thương vùng niêm mạc như bị vật nhọn đâm vào hay do cào xước; do trẻ bị căng thẳng, stress hoặc do trẻ chưa có cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
Làm gì khi trẻ bị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh nhiệt miệng dạng nhẹ không cần phải dùng thuốc điều trị và có thể tự khỏi sau vài ngày, thậm chí là vài tuần. Tuy nhiên, để chữa trị cho trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng trước tiên mẹ cần xác định nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ để từ đó có cách chữa trị hợp lí, hiệu quả.
Khi trẻ bị nhiệt miệng, mẹ nên cho trẻ ăn theo một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ như vitamin A, C, B2, kẽm, protein… vì thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân gây nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ sinh hoạt hợp lí, không cho trẻ thức khuya, không ăn các loại đồ mặn, cay, nóng… ăn đủ bữa đủ chất để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn các loại thực phẩm có tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc như cam, chanh, cà chua, cùi dừa giúp giải nhiệt và rút ngắn thời gian mắc bệnh của trẻ.
Ngoài chế độ ăn uống như bình thường, mẹ có thể pha thêm các loại nước mát để trẻ uống hoặc ngậm như nước khế chua, nước cỏ mực, nước lá rau ngót… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi cho trẻ uống các loại nước này không nên cho thêm đường để việc điều trị mang lại hiệu quả cao hơn.
Đối với những trẻ 2 tuổi trở lên bị nhiệt miệng, mẹ nên cho trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách, có thói quen đánh răng, súc miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Khi cho trẻ đánh răng, nên chọn loại bàn chải mềm, vừa với kích thước miệng của trẻ để không làm tổn thương miệng trẻ. Thay bàn chải thường xuyên theo quy định của các chuyên gia chăm sóc răng miệng.
Nên cho trẻ vệ sinh răng miệng bằng nước muối ấm mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng nhiệt miệng (Ảnh minh họa).
Đối với những trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ mà bị nhiệt miệng, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình nhiều hơn vì đây là lúc “mẹ ăn gì con bổ nấy”. Mẹ nên hạn chế những nguồn thực phẩm cay, nóng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sữa mẹ. Tăng cường việc uống nước và bổ sung các loại thực phẩm có tính mát vào thực đơn hằng ngày.
Tuyệt đối không để trẻ cho tay vào miệng, hay ngậm các vật sắc nhọn gây trầy xước miệng trẻ.
Việc chữa trị nhiệt miệng không khó, tuy nhiên nó tốn nhiều thời gian và dễ bị tái phát nhiều lần. Để chữa trị cho trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng và ngăn ngừa tình trạng nhiệt miệng tái phát, mẹ phải hết sức cẩn trọng trong vấn đề ăn uống sinh họat hằng ngày của cả mẹ và trẻ. Nếu việc tự chữa trị cho trẻ sơ sinh tại nhà sau thời gian 1 – 2 tuần mà vết loét hoặc tấy đỏ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm và có nguy cơ bị dính mủ, gây sốt cao ở trẻ thì mẹ nên đứa trẻ đến gặp bác sĩ để có lời khuyên cũng như công tác chữa trị kịp thời, hiệu quả.