Bé nhà tôi được 5 tuổi. Không hiểu sao bé rất hay bị loét miệng. Những vết loét có khi chỉ nhỏ xíu, nhưng cũng có khi lan rộng ra khá to. Những vết loét như thế thường kéo dài, rất lâu lành. Tôi rất lo, vì mỗi khi bị loét miệng, bé ăn uống rất khó khăn, thường bỏ bữa. Xin hỏi bác sĩ tình trạng này có nguy hiểm không? Tôi cần làm gì để bé ít loét miệng hơn?
Lê Nguyễn Tùng Uyên
(Quận 3)
Thông thường, loét miệng không phải chỉ do “nóng trong người” như nhiều người tưởng, mà do cơ thể thiếu một số chất cần thiết như vitamin PP, vitamin C, vitamin B12, acid folic, chất sắt… do chế độ ăn uống chưa phù hợp. Ngoài ra, loét miệng còn là dấu hiệu của nhiều rối loạn khác của cơ thể, ví dụ như khi bị căng thẳng quá mức, lo lắng sợ hãi điều gì đó kéo dài, hệ miễn dịch yếu… Trong dân gian, người ta hay gọi loét miệng là do “nhiệt” và cần giải nhiệt bằng các món ăn mát. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh rằng loét miệng chính là do virus Herpes gây ra.
Nếu cháu bị ở mức độ quá thường xuyên, chị nên đưa bé đến bệnh viện, thực hiện việc khám tổng quát với một số xét nghiệm cần thiết, để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó mới có hướng điều trị tốt cho cháu được. Trước mắt, những việc chị có thể làm ngay là giúp cháu tăng cường vệ sinh răng miệng, đánh răng và súc miệng nhiều lần trong ngày. Có thể bổ sung cho cháu vitamin C theo đúng liều quy định. Nên xoay chuyển thực đơn, cố gắng nấu những món mềm, dễ ăn, không nóng, không cay, không chua để cháu ít bị đau đớn, sẽ ăn được nhiều hơn. Nhớ đừng quên rau quả tươi. Chị có thể ép nước ép, xay sinh tố trái cây cho cháu ăn thêm.