Vì sao cần chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Khi còn trong bụng mẹ, dây rốn có vai trò rất quan trọng. Nó là bộ phận trung chuyển những chất dinh dưỡng từ mẹ để trẻ có thể phát triển từng ngày. Đến khi trẻ chào đời, dây rốn không còn thực hiện nhiệm vụ đó nữa thì sẽ được cắt bỏ dây rốn như là một “thủ tục” đánh dấu sự chào đời của trẻ.
Từ một dây rốn có độ dài từ 20 – 60 cm, dây rốn của trẻ sau khi chào đời chỉ còn khoảng 4 – 5 cm. Thông thường, thời gian chờ rốn khô và rụng hoàn toàn sẽ kéo dài từ 7 – 21 ngày. Trong thời gian đó, việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh cần được đặc biệt quan tâm, vì cuốn rốn là một vết thương hở nên nếu không được chăm sóc đúng cách, chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong quá trình vệ sinh rốn đều có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị viêm rốn, nhiễm trùng rốn.
Vòng đời trung bình của một chiếc dây rốn (Ảnh minh họa).
Trẻ bị nhiễm trùng rốn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Quy trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau khi trẻ được chào đời đến khi rốn hoàn toàn rụng và lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn.
Khi vệ sinh rốn cho trẻ, mẹ cần tiến hành 5 bước sau:
Bước 1: Trước khi vệ sinh rốn cho trẻ, mẹ nên rửa tay sạch bằng xà phòng, sau đó dùng cồn 90 độ sát trùng lại một lần nữa.
Bước 2: Tháo băng rốn cũ và quan sát xem có bất cứ điều gì bất thường ở rốn không. Chẳng hạn như rốn có mùi lạ, có dịch mủ, có dấu hiệu sưng đỏ hay chảy máu.
Bước 3: Dùng bông tăng thấm nước sôi để nguội nhẹ nhàng lau sạch vùng rốn cho trẻ theo trình tự từ chân rốn, thân cuống rốn rồi mới tới bề mặt cuống rốn. Tiếp tục lấy bông tắm thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn của trẻ. Thay bông tăm sau mỗi lần sát trùng cho trẻ.
Bước 4: Dùng cồn 70 độ sát trùng vùng da xung quanh rốn của trẻ.
Bước 5: Dùng miếng băng gạc mỏng lót lên rốn trẻ sau đó thực hiện thao tác băng rốn trẻ lại bằng băng rốn sạch.
Những lưu ý khi vệ sinh rốn cho trẻ:
Việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và cần thực hiện đúng quy trình như yêu cầu. Chỉ được sử dụng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định. Mẹ tuyệt đối không được rắc các loại bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn và phải đảm bảo rốn luôn khô, tránh các tác nhân như nước tiểu, nước tắm… dính vào rốn.
Rốn phải được cố định, băng lại bằng gạc sạch để không bị cọ sát khi trẻ cử động, nhưng phải bảo đảm thoáng khí và mát.
Rốn phải được tự rụng mà không được tác động bởi bất cứ tác nhân nào khác.
Nên quấn tã dưới rốn của trẻ, tránh để phân và nước tiểu của trẻ dính lên vùng rốn.
Khi nào cần được đưa đến cơ sở y tế
Trong quá trình mẹ vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh, thấy xuất hiện tình trạng lở loét quanh rốn, rốn có mùi hôi, quanh rốn nổi mẩn hay ẩm ướt, chậm rụng mẹ có thể dùng nước muối sinh lí, rửa sạch ngày 2 lần, băng bằng gạc thật mỏng, để thoáng. Nếu sau 1 ngày thấy vết loét giảm, tiến triển tốt lên, thì mẹ có thể tiếp tục rửa nhẹ bằng nước muối sinh lý tương tự như cách trên đến khi hết loét, rốn khô. Sau đó tiến hành chăm sóc rốn đúng với quy trình trên cho đến khi rốn rụng hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu sau 1 ngày đã áp dụng cách vệ sinh bằng nước muối sinh lý nhưng thấy vết loét không giảm hoặc lan rộng và sâu hơn, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.
Mọi sự bất thường ở rốn trẻ đều cần được đặc biệt quan tấm và đưa đén bác sĩ khi cần thiết (Ảnh minh họa).
Với những trường hợp rốn rỉ máu, chảy máu ngay cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng; rốn chảy nước màu vàng; rốn sưng đỏ, có mủ; rốn có u hạt to, ướt rốn; rốn không khô và trẻ bị sốt nhẹ, kéo dài thì cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế mà không được bôi bất cứ loại thuốc gì vào.
Hy vọng, với cách áp dụng quy trình chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đúng chuẩn trên đây, bé nhà bạn sẽ lớn nhanh và khỏe mạnh.