Mẹ&Con – Chuyện ăn uống của con luôn là vấn đề khiến các bà mẹ đau đầu, đặc biệt là khi bé không chịu ăn, hay ngậm cơm. Vậy mẹ phải làm sao để bé ăn không ngậm và ăn ngon miệng hơn? Mời mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 3 món ngon đủ chất cho bé hay ăn chóng lớn Mẹo hay giúp bé ăn ngon miệng 8 cách hữu hiệu giúp con hết biếng ăn

Làm mẹ, cất công chuẩn bị bữa ăn cho con nhưng bé lại từ chối ngay từ muỗng đầu tiên là nỗi buồn phiền chung của các bà mẹ. Con biếng ăn, lười ăn, ngậm cơm trong miệng, phun cơm khiến bữa ăn kéo dài cả giờ đồng hồ làm mẹ vừa mệt mỏi, vừa lo lắng. Vậy làm sao để bé ăn không ngậm, bữa ăn trở nên dễ dàng, vui vẻ hơn và quan trọng là con yêu nhận được đủ dưỡng chất để phát triển tốt, áp dụng ngay những mẹo sau đây của Mẹ&Con nào: 

1. Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi và răng của bé: Cho bé ăn mãi thức ăn xay nhuyễn có thể là nguyên nhân khiến bé biếng ăn, ngậm thức ăn. Do vậy, mẹ cần tập cho bé ăn dần từ chén cháo loãng, nhuyễn đến cháo hạt với thịt, cá, rau lổn nhổn, cháo đặc, các loại bún, mì, phở… sau đó là cơm nát và nhai cơm hạt với thịt, cá, rau xé nhỏ, cắt nhuyễn.

2. Kết hợp cơm với một chút nước: Cơm khô làm bé khó nuốt nên nhiều bé có khi đã nhai nát cơm nhưng vẫn chưa chịu nuốt mà ngậm trong miệng. Vì vậy, khi cho bé ăn cơm, mẹ có thể cho bé nhấp một chút nước lọc hoặc nước canh để bé dễ nuốt hơn.

3. Tập cho bé thói quen tập trung khi ăn: Bé bị thu hút bởi những thứ xung quanh như tivi, máy tính, điện thoại, đồ chơi… trong khi ăn sẽ không còn hứng thú với việc ăn uống. Như vậy, việc bé ngậm thức ăn là điều dễ hiểu. Để tránh điều này, mẹ nên tắt hết những thiết bị khiến bé chán ăn, mất tập trung trong bữa ăn. Đồng thời, bố mẹ hay những người thân trong nhà cũng nên làm gương, cùng với bé thực hiện điều đó.

Làm sao để bé ăn không ngậm 

Tập trung khi ăn giúp bé ăn ngon miệng và không ngậm cơm. (Ảnh minh họa)

4. Tạo không khí bữa ăn gia đình vui vẻ: Trả lời câu hỏi làm sao để bé ăn không ngậm thì việc tạo không khí bữa ăn gia đình vui vẻ cũng là một điều cần thiết. Thay vì thúc giục hay quát nạt để bé ăn, mẹ hãy cho bé ngồi ăn cùng cả nhà. Vừa ăn vừa động viên khuyến khích bé làm tốt “nhiệm vụ cao cả”: “Nuốt cơm đi, cơm sẽ giúp con leo cao như siêu nhân; Thịt, cá sẽ giúp con cao lớn như bố/anh hai…”. Ngoài ra, mẹ còn có thể cảnh báo con về những tác hại của việc ngậm cơm: “Con mà cứ ngậm cơm hoài như vậy coi chừng con sâu sẽ ăn luôn răng của mình đấy!”.

5. Cho bé thoải mái, tự chủ trong bữa ăn của mình: Đôi khi bé ngậm thức ăn là để phản đối việc ăn. Do đó, mẹ hãy cho bé thoải mái hơn một chút trong bữa ăn, chẳng hạn như: cho bé lựa chọn món ăn, cái chén bé thích, cho bé tự xúc bằng thìa, đũa, thậm chí là cho bé bốc ăn và chỉ cần nhớ rửa tay bé thật kỹ trước khi ăn…

Các mẹ nên lưu ý là phải phòng tránh tật ngậm cơm ở bé ngay từ những ngày đầu khi bé mới tập ăn cháo, ăn cơm, vì nếu để bé ngậm cơm trong thời gian dài sẽ dễ thành tật khó sửa.

Ngoài ra, mẹ cũng cần để ý những lý do như mọc răng, đau họng hay thức ăn không hợp khẩu vị của bé… cũng sẽ khiến con lười ăn, ăn chậm và ngậm thức ăn. Bên cạnh đó, làm sao để bé ăn không ngậm thì việc áp dụng thực đơn đa dạng, thay đổi thường xuyên loại thức ăn kích thích bé ăn ngon miệng hơn cũng là gợi ý hay cho mẹ đấy.

Tags:

Bài viết liên quan