Vì sao mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được?
Từ 2 – 5 ngày sau sinh, kích thước vòng 1 của mẹ sẽ lớn dần lên, nặng hơn và hơi đau bởi ngực đang trong giai đoạn sản xuất sữa. Tình trạng nặng nề và đau nhức sẽ chấm dứt sau 2 đến 3 tuần, khi tuyến sữa đi vào quá trình hoạt động, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, ngực trở nên mềm mại hơn dù sữa vẫn đầy.
Cũng có không ít trường hợp mẹ bị sưng ngực do căng sữa. Nếu nặng, sự sưng ngực có thể lan tới nách khiến mẹ cảm thấy đau nhói, sần, không thoải mái, vắt không ra sữa, sốt nhẹ.
Nguyên nhân của sự căng sữa đầu tiên có thể là do cơ địa của mỗi người. Có một số mẹ dù cho con bú thường xuyên nhưng vẫn bị căng tức ở ngực, vắt không ra sữa. Cũng có một số mẹ bị căng sữa do mẹ đã không cho bé bú thường xuyên trong vài ngày đầu sau khi sinh bé.
Một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được là do căng tức đầu vú (Ảnh minh họa).
Một nguyên nhân khác có thể do việc mẹ mặc áo ngực quá chật, do ống dẫn sữa của me bị tắc nghẽn. Hoặc với những mẹ đã từng tiến hành phẫu thuật ngực, các phần cấy ghép đã chiếm hết không gian để làm tăng lượng máu, bạch huyết và sữa làm ngực mẹ bị cương đau.
Phải làm sao khi mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được?
1. Cho con bú
Việc quan trọng đầu tiên để giảm thiểu tình trạng căng sữa khi cho con bú là trong vòng 2 giờ sau sinh, mẹ phải cho con bú ngay lập tức. Sau sinh 24 giờ, mẹ nên cho bú thường xuyên hơn, khoảng 8 – 12 lần/ngày. Mẹ nên cho bé bú thường xuyên và đủ cữ để giúp các mạch sữa dễ thông, giảm cảm giác căng tức.
Khi cho bú, mẹ nên cho bé bú đều cả 2 bên, mẹ để bé bú xong một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Nên cho bé bú đều đặn 2 – 3 giờ/lần, mỗi lần bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú kia. Thỉnh thoảng mẹ nên thay đổi tư thế cho bé bú để làm tăng sự tiết sữa.
2. Vắt sữa nếu bé không bú hết
Mẹ có quá nhiều sữa mà bé lại không có nhu cầu để bú hết cũng là nguyên nhân gây căng tức bầu sữa. Sữa quá tải nhưng không được vắt ra, khi sữa cũ đọng lại cùng sữa mới tái tạo sẽ khiến vú mẹ bị tắt. Những lúc này, mẹ có thể sử dụng các dụng cụ hút sữa để hỗ trợ loại bỏ bỏ sữa thừa. Nếu không có máy hút sữa, mẹ có thể sử dụng tay để vắt sữa thừa bỏ đi. Việc vắt hay hút sữa cần được thực hiện đúng thao tác và liều lượng vừa đủ.
Vắt sữa nếu bé không bú hết cũng là một cách giúp mẹ giảm bớt cảm giác căng tức nới bầu ngực (Ảnh minh họa).
3. Tắm nước ấm với vòi sen
Một cách để giúp mẹ bớt đau do căng sữa là sử dụng vòi hoa sen với nước ấm phun trực tiếp lên bầu ngực đặc biệt là đầu ti theo chiều từ trên xuống. Làm cách này sẽ giảm đáng kể tình trạng căng tức ngực, các u sữa cũng mềm ra làm ngực mẹ bớt đau. Khi tắm vòi sen, mẹ hãy dùng tay để xoa bóp núi đôi để sữa thừa chảy ra theo dòng nước.
4. Chườm bầu ngực bằng khăn
Mẹ có thể dùng khăn mát để chườm lạnh/ hay khăn ấm để chườm nóng hai vú giữa các cữ bú hoặc cữ hút sữa để làm bầu ngực giảm sưng và đau. Tốt nhất là mẹ nên dùng khăn sữa của con, nhúng trong nước lạnh/nóng và áp vào ngực trong khoảng 5 phút mỗi lần. Nên kết hợp massage, thữ giãn nhẹ nhàng 2 bầu vú để kích thích quá trình hoạt động của tuyến sữa.
5. Mặc áo ngực phù hợp
Áo ngực bó sát có thể làm bầu vú mẹ đau nhức, nhưng nếu không mặc áo ngực thì đầu ti dễ bị tổn thương. Do đó, mẹ nên chọn những loại áo ngực có kích cỡ phù hợp, rộng rãi, dành riêng cho sản phụ để ít gây áp lực lên các ống dẫn sữa và tại cảm giác thoải mái.
Hậu quả của việc mẹ bị căng sữa nhưng sữa không tiết ra được nếu không biết xử lý kịp thời có thể dẫn đến mất sữa do các mô tạo sữa không còn hoạt động. Ngoài ra, mẹ cũng có thể bị tắc các ống sữa và viêm nhiễm tuyến vú. Do đó, mẹ nên hết sức cẩn thận và đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào xảy ra trong suốt quá trình cho con bú.