Trong bài viết này, Mẹ&Con sẽ giải đáp thắc mắc về việc liệu bà bầu có nên ăn măng không, thông qua những mặt tiêu cực cũng như tích cực của măng nhé.
Măng có mặt ở hầu hết các bữa cỗ mỗi dịp lễ quan trọng trong gia đình. Đây là loại thực phẩm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, tuy nhiên với đối tượng là phụ nữ đang mang thai, măng có thực sự tốt cho sức khỏe của mẹ và em bé trong bụng?
Các chất dinh dưỡng có trong măng
1. Chất xơ
Hàm lượng chất xơ trong măng tươi có thể cao gấp 3 – 4 lần so với các loại rau khác. Cụ thể là 2,56% trong khi hàm lượng chất xơ ở dưa leo chỉ là 0,61%, ở rau mầm là 1,27% và bắp cải là 1,58%. Với hàm lượng chất xơ “siêu khủng” này, tiêu thụ măng tươi sẽ khiến chúng ta giảm nguy cơ táo bón, ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa.
2. Chất Phytosterol
Phytosterol là tên gọi của một chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, nó còn kiêm thêm chức năng giảm viêm, cải thiện sức khỏe của các tế bào trong cơ thể.
3. Kali
Cứ 100g măng thì có tới 533g kali, đây là một con số quá cao. Theo nghiên cứu, những thực phẩm chứa tối thiểu 400 mg kali có tác dụng làm giảm nguy cơ đột quỵ hiệu quả.
Ngoài ra, măng còn có chứa các chất dinh dưỡng khác như canxi, sắt, protein cùng một chút chất béo và đường nhưng không đáng kể. Do vậy, bạn hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo sẽ bị dư cân hoặc tiểu đường thai kỳ khi ăn măng trong thời gian bầu bí nhé!
Măng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng liệu bà bầu có nên ăn măng không? (Ảnh minh họa)
Bà bầu có nên ăn măng không?
1. Gây đầy hơi
Trong những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn măng bởi lúc này cơ thể mẹ chưa thích nghi được với sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai, bị ốm nghén, mẹ bầu hầu như không ăn được gì nhiều. Nếu ăn măng, trong măng chứa nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi, no lâu khiến mẹ chán ăn vì lúc nào cũng cảm thấy no bụng.
2. Gây ngộ độc
Mặc dù măng có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng kéo theo đó cũng là không ít độc tố. Một trong số đó là cyanide. Dưới tác dụng của các enzyms tiêu hóa, cyanide chuyển hóa thành axit cyanhydric gây ngộ độc cao.
Các triệu chứng ngộ độc măng phổ biến bao gồm: Đau đầu, nôn ói, khó thở, tụt huyết áp… thậm chí có thể gây tử vong.
3. Gây thiếu máu
Bên cạnh đó, độc tố cyanide trong măng tươi còn tác động lên chuỗi hô hấp làm bất hoạt các enzym sắt, khiến bạn bị thiếu oxy, gây tình trạng thiếu máu. Điều này xảy ra ở người thường đã không tốt, đối với mẹ bầu và thai nhi nó còn nguy hiểm gấp bội.
Ăn măng đúng cách
Bất cứ việc gì cũng có hai mặt tốt – xấu, măng cũng vậy. Nếu muốn ăn măng trong thời gian này, bạn nên tuân thủ những quy tắc sau:
– Măng khi mua về cần được rửa, ngâm với nước muối và luộc kỹ. Khi luộc, mở vung thường xuyên để độc tố bay đi
– Luộc măng ít nhất 3 lần trước khi đem vào chế biến.
– Không sử dụng lại nước luộc măng chế biến các món ăn khác, vì đa số các chất độc thường đọng lại trong nước.
– Không được ăn thường xuyên, chỉ khoảng 1 tuần/ lần. Mỗi lần ăn chỉ khoảng 200 – 300g.
Thực ra, việc bà bầu có nên ăn măng hay không, và ăn măng lợi hay hại còn tùy thuộc vào các chế biến của mỗi người. Hy vọng các mẹ luôn tỉnh táo để nhận biết, cũng như tiêu thụ những loại thực phẩm tốt nhất, nuôi dưỡng cơ thể và thai nhi.