Trẻ sơ sinh bị kê sẽ xuất hiện những nốt nhỏ li ti màu trắng sữa nổi lên trên mặt, tay, chân, vùng trán, mũi, cằm, hai má, lưng… Những nốt mụn được bao bọc bởi một vùng da hơi tấy đỏ và sẽ càng đỏ tấy hơn khi cơ thể trẻ nóng lên hay da trẻ được kích thích khi tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ cũng như các chất tẩy rửa. Nốt mụn sẽ lan rộng theo thời gian, gây ngứa ngáy và làm cho da trẻ trở nên sần sùi.
Nguyên nhân gây ra mụn kê ở trẻ
Cho đến nay, vẫn chưa ai làm rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh kê ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị nổi kê có thể xuất phát từ một trong hai nguyên nhân sau:
Trẻ sơ sinh nhận hormone từ mẹ thông qua việc bú sữa mẹ, hormone này kích thích tuyến dầu phát triển. Khi đó, mụn kê là sự ứ đọng của chất bã nhờn, làm tăng tiết bã nhờn, gây tắc lỗ chân lông.
Lỗ chân lông của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện nên các tế bào da, bụi bẩn và bã nhờn dễ dàng ẩn nấp và cư trú. Lâu ngày thành phì đại phần tuyến bã khi đó mụn kê được hình thành do những mảnh da nhỏ xíu gọi là tế bào chết và bã nhờn bị mắc kẹt trong các lỗ chân lông trên bề mặt da.
Mụn kê có nguy hiểm không?
Bình thường thì mụn kê không nguy hiểm. Kê có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ sinh ra nhưng đa phần là khi trẻ được khoảng 4 tuần cho đến 6 tháng tuổi và sẽ tự lặn sau đó vài tuần hoặc vài tháng.
Bình thường, trẻ sơ sinh bị kê sẽ không gây nguy hiểm cho trẻ (Ảnh minh họa).
Khi nào thì mụn kê trở nên nguy hiểm?
Trẻ bị mụn kê không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bố mẹ áp dụng cách chữa kê cho trẻ sơ sinh sai cách dễ dẫn tới vùng da xuất hiện mụn kê bị kích ứng, gây khó chịu cho trẻ thậm chí có thể mắc các bệnh viêm nhiễm về da để lại di chứng suốt đời.
Trị mụn kê cho trẻ sơ sinh bằng cách nào?
Trẻ sơ sinh bị kê không đáng lo ngại, bố mẹ không thể ngăn cản mụn kê xuất hiện và cũng không cần phải điều trị y tế. Khi trẻ nổi mụn kê, mẹ nên chú ý nhiều hơn trong cách chăm sóc, vệ sinh tắm rửa cho trẻ như sau:
Trẻ sơ sinh bị kê một phần do thời tiết nóng bức, do đó, mẹ nên cho trẻ mặc các loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, hạ độ ẩm môi trường xung quanh và tránh cho trẻ mặc quần áo quá dày, nóng.
Không nên để quần áo của trẻ ẩm ướt, mẹ nên thường xuyên thay tã hoặc quần cho trẻ, hạn chế việc trẻ bị thấm nước tiểu quá lâu.
Da trẻ rất mỏng manh, và càng dễ tổn thương khi bị nổi kê, vì vậy, không nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tránh những tác hại của tia UV lên làn da trẻ. Nếu có việc cần ra ngoài trời, trẻ phải được che chắn cẩn thận.
Trong thời gian trẻ bị nổi mụn kê, mẹ tuyệt đối không cho trẻ tự uống thuốc hay không nên bôi bất kì loại kem hay thuốc gì lên mụn mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Khi mụn kê nổi đỏ, để tránh viêm nhiễm các bệnh về da, mẹ không nên chạm tay, nặn hay chà xát lên các nốt mụn vì như thế rất mất vệ sinh và càng làm tăng các kích thích lên da trẻ khiến trẻ sung tấy, khó chịu hơn.
Luôn giữ da mặt trẻ sạch sẽ mỗi ngày, cố gắng giữ da mặt trẻ khô thoáng, nếu trẻ ra mồ hôi thì dùng khăn vải bông nhẹ nhàng lau đi. Không nên thoa kem dưỡng da hoặc dầu lên da mặt trẻ sẽ làm lỗ chân lông của trẻ bị tắc nghẽn nhiều hơn.
Mẹ phải luôn rửa tay mình sạch sẽ khi chạm vào trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, những người đang bị nhiễm trùng ở da.
Mẹ nên lau tay trẻ thường xuyên cũng như giữ vệ sinh móng tay của trẻ để tránh trẻ cào lên mặt làm xước các vết mụn.
Khi trẻ bị kê, việc tắm cho trẻ là cách điều trị quan trọng nhất. Theo các chuyên gia, nên tắm rửa hàng ngày cho trẻ với nước sạch đun sôi để nguội và sữa tắm dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, sau khi tắm phải lau khô người bằng khăn bông mềm cho trẻ.
Khi trẻ sơ sinh bị kê, tắm rửa đúng cách cho trẻ là cách điều trị quan trọng nhất (Ảnh minh họa).
Khi nào nên đưa trẻ đến bác sĩ?
Nếu trẻ sơ sinh bị kê kéo dài hơn 3 tháng hoặc những nốt mụn có dấu hiệu trở nặng, ửng đỏ, bị vỡ và có mủ, nên đưa trẻ đến bác sĩ da liễu kịp thời để có phương hướng điều trị đúng đắn hơn. Tuy đây không phải là tình trạng đáng lo ngại, nhưng mẹ cũng không nên chủ quan, kéo dài thời gian nổi mụn gây nên bội nhiễm nguy hiểm.