Trẻ sơ sinh đại tiện dưới 2 lần/ngày, dưới 3 lần đại tiện/tuần (trên 2 ngày/lần) với trẻ đang bú mẹ, dưới 2 lần đại tiện/tuần (trên 3 ngày/lần) với trẻ lớn thì được xem là bị táo bón.
Nếu không điều trị kịp thời, chứng táo bón gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chứng táo bón gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, trướng bụng, đầy hơi, nôn trớ… Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ đối diện với tình trạng sa trực tràng do rặn và ngồi lâu, chảy máu trực tràng nứt hậu môn do phân quá rắn.
Sai lầm trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ, ăn nhiều chất đạm, ít chất xơ, uống ít nước… là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sơ sinh bị táo bón. Thế nên, việc cần làm đầu tiên là mẹ hãy xem lại chế độ ăn uống của mình, bổ sung đầy đủ chất xơ và đừng quên áp dụng song song một số biện pháp sau đây:
Uống nước ép trái cây pha loãng
Nếu bé đã biết ăn dặm, mẹ cho bé uống thêm nước ép trái cây pha loãng để giúp bé thoát khỏi nỗi khó chịu mang tên “táo bón”. Hòa nước trái cây và nước lọc, mỗi thứ khoảng 15ml, cho bé uống 3-4 lần xen kẽ giữa các cữ bú sữa mẹ. Lưu ý, mẹ tuyệt đối không pha thêm đường vì dễ làm tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn.
Một số loại trái cây tốt cho hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ phải kể đến như mận, táo, lê, nho, việt quất. Tuy nhiên, mẹ cũng nên ghi nhớ một số trái cây có thể gây dị ứng đường ruột của bé như cam, bưởi, dứa, kiwi…
Uống nước bạc hà pha loãng
Tương tự như uống nước ép trái cây pha loãng, cách này mẹ cũng chỉ được phép áp dụng khi con đã biết ăn dặm. Mẹ biết không, bạc hà có khả năng làm dịu dạ dày của bé và hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đại tiện. Để pha chế trà bạc hà, trước tiên mẹ lấy một cốc nước ấm rồi nhúng túi trà bạc hà vào khoảng 5 lần. Đổ 30ml nước trong cốc vào bình rồi cho bé uống sau các bữa ăn.
Mách nhỏ: Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, nếu trong nhà không có sẵn trà bạc hà, mẹ có thể thay thế bằng trà Cúc La mã. Loại trà này có tác dụng xoa dịu các mô và hệ thần kinh, giúp bé khắc phục chứng táo bón hiệu quả.
Massage bụng cho bé
Mát xa cho bé theo kiểu “đạp xe đạp” cũng là cách chữa táo bón hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ hay áp dụng bài mát xa kiểu… “đạp xe đạp” cũng là một gợi ý lý tưởng giúp bé giảm bớt sự khó chịu khi bị táo bón. Cùng bé tập bài “đạp xe đạp” vô hình, mẹ đã sẵn sàng chưa?
Đầu tiên, mẹ cầm hai chân của con trong tay rồi từ từ đẩy đầu gối bên phải về phía vai phải. Khi đầu gối của bé đã lên cao hết cỡ, nhẹ nhàng nâng chân bé lên và kéo về phía mẹ để chân bé từ từ duỗi thẳng ra. Khi mẹ duỗi chân phải, hãy bắt đầu đẩy đầu gối trái của bé về phía vai trái. Mẹ nhớ cắt móng tay trước khi thực hiện mát xa cho bé yêu nhé.
Lưu ý:
- Nếu bé đang bú mẹ hoàn toàn: Mẹ nên cho bé bú nhiều hơn để cơ thể bé không bị thiếu nước, giúp bé dễ đi đại tiện.
- Bên cạnh đó, việc tắm nước ấm cũng sẽ giúp bé cưng giảm bớt sự khó chịu do đầy bụng, táo bón.
- Trẻ sơ sinh uống sữa ngoài có nguy cơ táo bón cao hơn so với bé bú mẹ, do sữa công thức khó tiêu hóa hơn. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên ưu tiên chọn sữa có bổ sung chất xơ hòa tan góp phần làm cho phân của bé mềm hơn, dễ đi ngoài hơn.
Các bà mẹ cần lưu ý, khi thấy trẻ sơ sinh bị táo bón kéo dài trên 1 tuần, cần lập tức đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn và thăm khám kịp thời.