Tiền sản giật là một rối loạn phức tạp xảy ra ở những thai phụ được chẩn đoán huyết áp cao hoặc nồng độ protein trong nước tiểu quá cao. Tiền sản giật thai kì rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến chấm dứt thai kì hoặc tử vong.
Hiểu đúng về tiền sản giật thai kì
Thai nhi phát triển trong tử cung của người mẹ nhờ sự nuôi dưỡng bởi bánh nhau. Vai trò chính của bánh nhau là trao đổi các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ sang thai nhi bằng các gai nhau cắm sâu vào niêm mạc tử cung của người mẹ để lấy nguồn cung cấp máu có oxy đến, đồng thời cũng trả lại máu có CO2. Tuy nhiên, khi gai nhau tiếp xúc với người mẹ kèm các vấn đề bệnh lý về mạch máu, yếu tố di truyền sẽ gây ra hiện tượng giảm sự tưới máu từ tử cung đến nhau làm xuất hiện hàng loạt các yếu tố bất lợi như rối loạn các chất vận mạch đi kèm các chất độc hại cũng xuất hiện. Hậu quả sau cùng gây ra tăng huyết áp, thấm mao mạch gây phù và tiểu đạm gọi là tiền sản giật thai kì. Tiền sản giật thai kỳ cũng có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận và chảy máu không cầm được.
Theo y học, nếu ở tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, huyết áp người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg. Biểu hiện toàn thân phù, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có đạm niệu > 0,3g/l thì được chẩn đoán là tiền sản giật.
Tiền sản giật thai kì thường xảy ra ở tuần thứ 20 của thai kì và tỉ lệ thai pụ mắc phải là từ 5 – 8 % (Ảnh minh họa).
Phụ nữ có thai được chẩn đoán là tiền sản giật nặng khi huyết áp tối thiểu >110mmHg, đạm niệu > 3g/l, thiểu niệu < 100ml/4 giờ, kèm theo nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy tim. Siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong tử cung, xét nghiệm chức năng gan giảm, biểu hiện men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.
Sản giật là tình trạng khởi phát cơn co giật hay hôn mê ở những phụ nữ mang thai. Đây là một biến chứng nặng của tiền sản giật. Cơn co giật được mô tả: bắt đầu rung rung ở mặt, một vài giây sau đó co cứng toàn thân do co cơ, kéo dài trong 15 – 20 giây, hàm và mí mắt mở ra và khép lại rất mạnh. Các cơ mặt và tất cả các cơ khác thay phiên nhau giãn rất nhanh. Người mẹ có thể té xuống giường, có thể cắn lưỡi do cử động của hàm, giai đoạn co giãn cơ có thể kéo dài trong 1 phút. Dần dần các cử động cơ yếu dần và cuối cùng người mẹ bất động. Có thể ngưng thở trong vài giây sau đó thở sâu và hôn mê. Người mẹ sẽ không nhớ đến cơn co giật và các sự kiện trước và sau cơn giật.
Tiền sản giật và sản giật xảy ra có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Em bé khi sinh ra nhẹ cân hơn bình thường hay kèm theo một vài vấn đề sức khỏe khác. Phụ nữ mang thai có vấn đề về nhau thai thường buộc phải sinh non nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho con. Trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn tới tình trạng thai chết lưu.
Dấu hiệu sớm của bệnh tiền sản giật thai kì
Tiền sản giật có thể đến đột ngột. Tuy nhiên, nó cũng có một số triệu chứng sớm để thai phụ phát hiện và can thiệp như sau:
Chân sưng phù quá mức: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Khi có dấu hiệu tiền sản giật, bàn chân, ngón chân, tay và mặt sẽ bị phù nề quá mức và dễ bị nhầm tưởng với chứng phù nề thông thường trong mang thai.
Đau đầu: Thai phụ bị tiền sản giật thai kì thường bị đau đầu liên tục, chủ yếu là đau nửa đầu, cơn đau thường kéo dài kèm cảm giác đau đớn nghiêm trọng. Nếu đã dùng thuốc giảm đau mà cơn đau vẫn dai dẳng, không dứt thì có thể đó là triệu chứng sớm cảnh báo tiền sản giật.
Đau đầu nghiêm trọng, kèo dài khi mang thai có thể là dấu hiệu sớm của tiền sản giật (Ảnh minh họa).
Tăng cân đột ngột: Tăng cân là chuyện bình thường trong thai kỳ tuy nhiên nếu mẹ tăng cân đột ngột từ 1-2 kg/tuần thì đó có thể là dấu hiệu mẹ bị tiền sản giật.
Đau bụng: Phụ nữ mang thai thường bị ợ nóng và khó tiêu. Tuy nhiên, chỉ ợ nóng và khó tiêu thì không phải là triệu chứng tiền sản giật nếu không kèm theo đau bụng dữ dội, đau lưng, đau vai một cách nghiêm trọng.
Buồn nôn, nôn ói: Buồn nôn và nôn ói là triệu chứng của ốm nghén. Nhưng nếu sau tuần 20 thai kỳ, các thai phụ vẫn bị nôn ói với mức độ nặng nề hay đột nhiên nôn ói đi kèm với các triệu chứng khác thì rất có thể mẹ bị tiền sản giật.
Lo lắng nhiều: Phụ nữ mắc chứng tiền sản giật thường có cảm giác lo lắng nhiều hơn bình thường, họ thường cảm thấy sợ hãi, khó thở hoặc tâm trạng buồn chán.
Rối loạn thị giác: Trong thai kỳ, nếu thai phụ bỗng dưng bị giảm tầm nhìn, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, rối loạn thị giác thì cần phải thận trọng vì đây là những dấu hiệu có thể báo trước mẹ bị tiền sản giật. Hãy đến bệnh viện ngay.
Nguyên nhân của tiền sản giật thai kỳ
Nhiều nguyên nhân chuẩn đoán gây ra tiền sản giật thai kì đã bị bác bỏ. Do đó, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra biến chứng này. Chỉ có thể chẩn đoán bằng một số dấu hiệu sau:
Quá trình lưu thông máu trong kém dẫn đến máu chảu vào tử cung kém gây nên những cơn co thắt và đau đớn cho thai phụ.
Mạch máu của thai phụ bị tổn thương hoặc gặp các vấn đề với hệ thống miễn dịch.
Do chế độ dinh dưỡng khi mang thai nghèo nàn, dẫn đến thiếu chất gây ra tiền sản giật.
Mang thai đầu lòng, mang thai ở tuổi sau 40 hay mang đa thai đều có thể là nguyên nhân của tiền sản giật.
Có tiền sự bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc di truyền.
Các bệnh lý về răng miệng hay thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân gây tiền sản giật.
Các bệnh lí về răng miệng khi mang thai có thể là nguyên nhân gây tiền sản giật thai kì (Ảnh minh họa).
Thiếu vitamin D và hoặc thừa protein khi mang thai đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ tiền sản giật. Những protein này gây trở ngại cho sự tăng trưởng và chức năng của mạch máu.
Vì thế, thai phụ nên biết các dấu hiệu sớm của tiền sản giật thai kì để có cách phòng ngừa và xử lý phù hợp.