Vào mùa hè, thời tiết thay đổi đột ngột, từ nóng bất ngờ chuyển sang lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát sinh và lây lan, trong đó có bệnh cúm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai với hệ miễn dịch suy yếu là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Cảm cúm khi mang thai có thể vô hại đối với một số người mẹ, nhưng trong nhiều trường hợp chúng có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi, nhất là trong trường hợp người mẹ kèm theo sốt cao. Nếu mẹ bị sốt cao khi mang thai, tùy theo mức độ và tuổi thai mà có thể dẫn đến những hậu quả khác nhau.
Theo các chuyên gia sức khỏe, sốt nhẹ dưới 38 độ C thông thường đều do sự thay đổi thời tiết, thay đổi nhiệt độ đột ngột, viêm mũi họng… không ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, sốt cao kéo dài thì hết sức nguy hiểm và có thể là một dấu hiệu báo trước mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây dị dạng, dị tật ở con.
Sốt có nhiều nguyên nhân, có thể là sốt do bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn, virus cúm, rubella, sởi… Tùy vào mỗi bệnh, mà sốt có những triệu chứng khác nhau cùng mức độ nguy hiểm khác nhau.
Nếu bà bầu bị cảm cúm, virus của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị hình, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virus có thể gây kích thích co bóp tử cung dẫn đến hiện tượng dọa sảy thai hoặc sinh non.
Thế nhưng, việc dùng thuốc để trị cảm cúm khi mang thai lại không được khuyến khích, bởi hầu hết các loại thuốc này đều có thể gây hại cho cả mẹ và thai nhi như dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén…
Mẹ bầu nên cẩn thận với cảm cúm. (Ảnh minh họa)
Mẹ cần làm gì khi bị cảm cúm?
Khi bà bầu bị cảm cúm, việc đầu tiên là đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, tuyệt đối không tự ý dùng bất kì loại thuốc nào, đặc biệt là các loại thuốc Tamiflu, Flumadine, Relenza, Symmetrel, Aspirin, Ibuprofen, Guaifenesin, Dextromethorphan…
Ngoài ra, bà bầu bị cảm cúm cũng nên:
– Tăng cường ăn tỏi hoặc giã nhỏ tỏi cho vào ly nước uống. Các hợp chất chống nấm, vi khuẩn và vius có trong tỏi sẽ hỗ trợ bạn đẩy lùi cảm cúm nhanh hơn. Tỏi là thực phẩm an toàn trong thai kỳ, nên mẹ bầu hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nhé!
– Xông mũi bằng cách dùng một chiếc khăn trùm kín đầu và ghé mặt vào một chậu nước nóng pha thêm tinh dầu trà xanh hoặc vài nhánh tỏi đập dập. Việc xông hơi khi bị cảm cúm sẽ giúp mẹ bầu thông mũi, giảm nghẹt mũi hiệu quả.
– Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lí 0,9% (được bán tại các hiệu thuốc) cũng giúp loại bỏ chất bẩn, vi khuẩn và virus trú ẩn ở đây. Bà bầu cũng có thể dùng nước muối sinh lí ấm để súc miệng vào buổi sáng hoặc trước lúc đi ngủ để giảm đau họng.
– Sử dụng chanh và mật ong trộn lẫn hoặc hòa tan chanh với mật ong vào ly nước ấm để trị ho, viêm họng khi bị cảm cúm. Nếu không có chanh, mẹ cũng có thể dùng quất trộn mật ong và đem hấp lên để ăn cũng giúp trị ho hiệu quả đấy.
– Ăn cháo trứng nóng có trộn thêm hành, lá tía tô không chỉ giúp cơ thể mẹ bầu toát mồ hôi, chữa khỏi cảm cúm mà còn rất bổ dưỡng.
Chúc các mẹ bầu luôn khỏe và con yêu phát triển tốt!