Mẹ&Con - Cùng với sự phổ biến của phương pháp mổ đẻ, tình trạng thai bám sẹo vết mổ cũ đang ngày một gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của sản phụ…. Làm thế nào để biết mình có bị thai bám sẹo vết mổ cũ hay không, cách xử lý thế nào? Nguy hiểm khôn lường khi thai bám ở vết sẹo sinh mổ Thai bám vào sẹo tử cung Cô bé sinh ra từ vết sẹo mổ

Một dạng thai ngoài tử cung

Mẹ biết gì về thai bám sẹo vết mổ cũ? 5

Thai bám sẹo vết mổ cũ là một bệnh lý hiếm gặp của thai ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)

Đây chính là một dạng bệnh lý hiếm gặp nhất của thai ngoài tử cung. Bởi theo lẽ thông thường, trứng sau khi được thụ tinh ở 1/3 ngoài của vòi tử cung sẽ mất khoảng 4-6 ngày để di chuyển vào trong tử cung của người mẹ. Tuy nhiên với trường hợp thai bám sẹo vết mổ, trứng “đi lạc”, bám vào vị trí vết mổ lấy thai ở lần sinh trước nên không thể vào đúng đáy của tử cung phát triển như một bào thai bình thường. Tuổi thai dễ gặp tình trạng này là từ 5-12 tuần.

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị ưu việt nào cho bệnh lý này, nên chỉ có thể điều trị theo dõi và chấm dứt thai kỳ sớm để ngăn ngừa biến chứng cho khả năng sinh sản cũng như tính mạng của người phụ nữ.

Biểu hiện của thai bám sẹo vết mổ cũ

Thông thường, biểu hiện của thai bám sẹo vết mổ cũ rất giống với những người mang thai như trễ kinh, xuất huyết âm đạo, dọa sẩy thai với tỷ lệ khoảng 39%. Rất ít người có biểu hiện đau bụng nên khó phân biệt hoặc dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác.

Bên cạnh đó, ở một số người hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào. Vì thế, thai bám sẹo vết mổ cũ rất khó phát hiện trong những giai đoạn đầu, gây nguy hiểm với những biến chứng vỡ tử cung, xuất huyết nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh khi khối thai đã lớn.

Yếu tố nguy cơ của thai bám sẹo vết mổ cũ

Các chuyên gia về sức khỏe sinh sản cho rằng, những trường hợp sau đây sẽ dễ bị thai bám sẹo vết mổ cũ khi mang thai ở lần tiếp theo:

Mổ lấy thai lần đầu

Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao cho bệnh lý thai bám sẹo vết mổ cũ. Bởi lẽ, từ những “vết sẹo” trên thân tử cung, khối thai sẽ dễ gặp trở ngại trên đường di chuyển để làm tổ ở lớp nội mạc êm ái, nên mọc rễ và bám vào đúng vết sẹo mổ trước đó. Tỷ lệ ca bị thai bám sẹo vết mổ cũ chiếm đến 6,1% người có ít nhất một lần mổ lấy thai và tăng dần lên theo số lần mổ lấy thai trước đó.  

Tiền căn thủ thuật trên buồng trứng

Bóc tách u xơ tử cung, nạo phá thai nhiều lần, đặt dụng cụ tử cung… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thai bám vết sẹo mổ cũ.

Một số trường hợp khác

Thai ngoài tử cung, tiền sử nhau bám chặt, nhau cài răng lược một phần. Ngoài ra, những phụ nữ được hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp bơm tinh trùng IUI và thụ tinh ống nghiệm IVF cũng dễ mắc bệnh lý này. 

Hiện nay, thai bám vết mổ cũ được chia làm 2 dạng:

+ Dạng thai phát triển chủ yếu trong buồng tử cung

Thai sống trong buồng tử cung có cơ hội phát triển lâu hơn so với dạng còn lại, đến tam cá nguyệt thứ hai và thứ 3, nhưng vẫn rất khó để bảo tồn cho đến ngày sinh nở.

+ Dạng thai cấy sâu vào lớp cơ và phần mô sợi tử cung 

Tình trạng này kéo dài sẽ gây nhiều nguy cơ bao gồm vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt, xâm lấn bánh nhau vào bàng quang khiến người bệnh có thể phải cắt bỏ tử cung hoặc tử vong.

Triệu chứng lâm sàng:

Mẹ biết gì về thai bám sẹo vết mổ cũ? 6

Ảnh minh họa

Rất nhiều trường hợp, thậm chí chiếm đến 50%, người bị thai bám sẹo vết mổ cũ không có bất kỳ dấu hiệu nào, chỉ khi tình cờ thăm khám mới phát hiện bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số người những triệu chứng cổ điển như: 

– Trễ kinh

– Ra máu âm đạo bất thường xuất hiện sớm. Máu ra từng ít một và sẫm màu  

– Đau lâm râm vùng hạ vị, cảm giác tức bụng và muốn đi ngoài 

Biện pháp can thiệp

Tương tự như bệnh lý thai ngoài tử cung, người có thai bám sẹo vết mổ cũ cũng sẽ không thể giữ được thai do vị trí thai bám không thuận lợi cho thai phát triển hoàn chỉnh về sau. Vì thế, các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe, nguyện vọng sinh nở, giai đoạn phát hiện bệnh, vị trí thai bám, tuổi thai, kích thước… để đưa ra 5 giải pháp sau đây:

– Hủy thai trong túi ối

Phương pháp này áp dụng đối với thai đã có hoạt động tim thai và được thực hiện qua cổ tử cung hoặc qua thành bụng, tại phòng phẫu thuật. Theo hướng dẫn của người siêu âm, bác sĩ sẽ dùng kim 16-17 G hoặc 20-22 G để bơm thuốc vào trong túi ối để hủy thai.

– Lấy khối nhau thai

Hai phương pháp trong thủ thuật lấy khối nhau thai là nong nạo và phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp nong nạo dễ để lại nguy cơ xuất huyết và dẫn đến nguy cơ đoạn tử cung.

Với phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy khối nhau thai để bảo tồn tử cung khi việc điều trị bằng thuốc không đạt hiệu quả hoặc khối thai xâm lấn nhiều. Ưu điểm của phương pháp này là giúp lấy hết mô nhau thai, nhưng sẽ để lại đường mổ rộng, khó khăn trong chăm sóc và tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.

Đôi khi, phương pháp phẫu thuật còn được dùng để cắt tử cung khi người bệnh bị xuất huyết không cầm được, thai lớn trên 12 tuần hoặc không còn nhu cầu sinh thêm con.

– Chèn

Mục đích của phương pháp chèn Tamponade là kiểm soát hiện tượng rỉ máu sau thủ thuật hút thai bằng cách chèn sonde folley 26F vào cổ trong tử cung. Sau đó, sonde sẽ được bơm căng bằng 30ml nước muối trong khoảng 12-24 tiếng the chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

– Hóa trị toàn thân

Thời điểm thực hiện phương pháp này thường là điều trị hỗ trợ, nhưng trong một số trường hợp sẽ là điều trị đầu tiên, tùy theo tình trạng của người bệnh. Khi hóa trị toàn thân, mục đích của các bác sĩ là giảm sự phân bổ của mạch máu ở khối thai và tiêu hủy tế bào nhau.

Tuy nhiên, do phương pháp này có thể để lại nhiều biến chứng như nhiều vùng mô bị hoại tử, rong kinh, nhiễm trùng, xuất huyết muộn ồ ạt nên cần phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn và cần phải phối hợp với các phương pháp điều trị khác.

– Tắc mạch máu nuôi

Đây là cách triệt tiêu nguồn dinh dưỡng của khối thai, để khối thai không còn có thể tiếp tục phát triển được nữa, mà chuyển sang giai đoạn thoái hóa. Thông thường, phương pháp tắc mạch máu nuôi sẽ dùng chuẩn bị cho thủ thuật, phẫu thuật hay kết hợp với hóa trị.

Cụ thể, các bác sĩ có thể thắt động mạch tử cung ngả âm đạo; thắt động mạch chậu trong; tắc mạch cổ tử cung, tử cung hoặc động mạch chậu trong. 

Tags:

Bài viết liên quan