Chứng xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Mới đây nhất là trường hợp của bé trai 12 tuổi (Gia Lai) nhập viện sau 10 ngày bé kêu đau ở tinh hoàn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định tinh hoàn bên phải của bé đã bị hoại tử, buộc phải cắt bỏ. Nguyên nhân là do cuống tinh hoàn bị xoắn, làm tắc đường máu nuôi.
Theo gia đình, trước đó bé có kêu đau ở vùng kín nhưng mọi người chỉ nghĩ chắc do bé chơi đùa, va chạm… nên không để ý nhiều. Chỉ đến khi bé kêu đau dữ dội, bố mẹ mới kiểm tra xem thì thấy một bên tinh hoàn đã có dấu hiệu thâm tím. Các bác sĩ cũng cho biết thêm, đây không phải là trường hợp duy nhất phải cắt bỏ tinh hoàn do sự chủ quan của phụ huynh mà trước đó đã từng có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra.
Một trường hợp khác, cậu học sinh lớp 8 (Long An) bỗng dưng thấy đau ở tinh hoàn, sau đó gia đình tự mua thuốc uống nhưng 5 ngày sau cơn đau vẫn tiếp tục “hành hạ”. Khi tới bệnh viện khám, bố mẹ mới tá hỏa khi bác sĩ thông báo một bên tinh hoàn của cậu bé đã bị hoại tử do chứng xoắn tinh hoàn.
Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em
Phần lớn trường hợp chỉ bị xoắn tinh hoàn một bên. (Ảnh minh họa)
Thực tế có rất nhiều trường hợp bỗng dưng thấy đau vùng kín nhưng vì tâm lý ngại đi khám, đến khi nhập viện thì tình trạng bệnh đã trở nên tồi tệ. May mắn là phần lớn trường hợp chỉ bị xoắn một bên.
Bệnh xoắn tinh hoàn là hiện tượng xoắn các cấu trúc ở dây thừng tinh, ngăn cản luồng máu cung cấp tới tinh hoàn và mào tinh làm cho tinh hoàn thiếu chất dinh dưỡng dẫn tới hoại tử. Điều đáng lưu ý là bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng đa phần bố mẹ ít khi để ý, dẫn tới nguy cơ hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn rất cao.
Hiện nay y học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứ cũng khẳng định rằng, một trong những yếu tố dẫn đến bệnh là sự chuyển đổi nột tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì. Chưa có bằng chứng cho thấy vận động quá mức như chạy nhảy là nguyên nhân khiến xoắn tinh hoàn.
Các bác sĩ cho biết, thời gian chữa trị thành công là sau 6 giờ phát bệnh. Sau nửa ngày, khả năng chữa lành chỉ còn 75%, sau một ngày tỷ lệ thành công chỉ còn 20% và chậm hơn nữa thì thường phải tháo bỏ tinh hoàn. Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa Nam học khuyên phụ huynh và nam giới trong độ tuổi dậy thì phải đặc biệt chú ý, khi có dấu hiệu đau tinh hoàn phải đến bệnh viện khám ngay.
Chứng xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, tuổi thiếu niên, trẻ ở tuổi dậy thì và cả người trưởng thành. Khoảng 65% nằm trong độ tuổi 12-18 bị chứng xoắn tinh hoàn.