Lần đầu đi vệ sinh sau sinh
Sau sinh vùng kín của mẹ sẽ bị tổn thương nên rất đau rát. (Ảnh minh họa)
Sau cuộc “vượt cạn”, lúc này vùng kín đang bị tổn thương rất nặng. Nếu đây là lần sinh đầu tiên, chắc chắn mẹ sẽ không thể tưởng tượng nổi cơn đau nó hành hạ đến mức không thốt nên lời. Mẹ sẽ có cảm giác buốt, xót và đau khi lần đầu đi vệ sinh sau khi sinh thường. Tuy nhiên, mẹ có thể giảm bớt cơn đau bằng cách dùng vòi hoa sen với nước ấm xịt nhẹ vào vùng kín cùng với lúc đi tiểu. Thời gian này chính là quá trình phục hồi tự nhiên sau sinh, khoảng 5-7 ngày vùng kín sẽ trở lại bình thường. Mẹ yên tâm và đừng lo lắng quá nhé.
Bụng chảy nhão như vẫn mang bầu
Một điều được cảnh báo với tất cả phụ nữ mang thai, không nên có tâm lý sinh xong là thân hình sẽ trở nên thon gọn ngay và “đâu lại vào đấy”. Mẹ đã “mang nặng” bé yêu trong bụng suốt 9 tháng 10 ngày để rồi “đẻ đau” thì ít nhất cũng phải mất 3 hoặc 6 tháng, thậm chí lâu hơn cơ thể mới dần lấy lại vóc dáng cân đối. Đặc biệt trong 3 vòng thì vòng 2 sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, vùng da bụng có thể bị chảy xệ, ngấn mỡ, rạn da…
Để sớm phục hồi vòng eo sau sinh, mẹ nên tích cực tập luyện thể thao nhẹ nhàng. Nên ưu tiên những bài tập vùng bụng sau sinh, và đừng quên tăng cường đi bộ, bơi lội, tập yoga, duy trì chế độ ăn uống hợp lý…
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng mẹ thường phải đối mặt sau khi sinh. (Ảnh minh họa)
Mệt mỏi cũng là một trong những điều mà mẹ không thể tránh khỏi sau khi sinh. Chứng mệt mỏi sẽ “hành hạ” mẹ từng giờ, từng ngày, từng tháng… Bình thường một ngày mẹ sẽ có 6-8 tiếng để nghỉ ngơi nhưng giờ đây, thời gian này rút ngắn chỉ còn 3-4 giờ. Điều tất nhiên là mẹ cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng stress, thậm chí là trầm cảm. Thay vì cố chịu đựng tất cả, mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của người thân trong gia đình như ông xã, bố mẹ, anh chị cùng chăm sóc bé. Tốt nhất là mẹ hãy tranh thủ thời gian bé đang ngủ để mẹ cũng chợp mắt chút xíu để giảm bớt mệt mỏi.
Trầm cảm sau sinh
Mẹ biết không, chứng trầm cảm hay còn gọi là hội chứng “Baby Blues” có thể xuất hiện khoảng 80% ở những bà mẹ sau sinh. Nguyên nhân là do mẹ thường xuyên mệt mỏi, thiếu ngủ sẽ khiến tâm trạng luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, từ đó dẫn đến triệu chứng của bệnh trầm cảm. Trường hợp nhẹ, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, cáu gắt… nặng hơn, mẹ có thể chán ghét con, đôi lúc còn tự thấy mình không xứng làm mẹ. Nguy hiểm hơn là nhiều mẹ còn có suy nghĩ tự sát. Thông thường chứng trầm cảm nhẹ sẽ giảm dần sau sinh 2 tuần.
Đừng tự mình gánh vác tất cả, hãy chia sẻ với chồng và những người thân bất cứ triệu chứng gì lạ mà mẹ đang trải qua như cảm giác không yêu quý con hay chán ăn, quá mệt mỏi… Mẹ cũng nên đến gặp bác sĩ tâm lý nếu thấy những dấu hiệu bất thường.
Tắc sữa
Một hiện tượng sau sinh nữa khiến người mẹ không khỏi đau đớn là tắc tia sữa. Tắc tia sữa thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến 10 ngày sau sinh khi đầu tia sữa đang bị bít lại bởi cặn bẩn và những cục sữa khô. Lúc đầu mẹ sẽ cảm thấy ngực căng sữa dần và nếu không được tiết ra đều đặn, thường xuyên sẽ gây tắc, khiến mẹ có cảm giác đau đớn thậm chí bị áp xe vú.
Ngay từ khi mang bầu, mẹ nên dùng khăn sạch vệ sinh sạch sẽ đầu ti và cho con bú ngay sau sinh để kích thích sữa về và phòng ngừa tắc tia sữa.