“Trái rạ” khủng khiếp ra sao?
Thật ra, phụ huynh cần biết rằng hầu hết trẻ bị trái rạ sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên trong một số ít trường trẻ có thể bị viêm da, viêm phổi hay viêm não dẫn đến tử vong. Nếu đã từng lên trái rạ, trẻ sẽ được miễn dịch và sau này gần như không bị mắc lại nữa.
Có thể tiêm vắc xin thủy đậu cho bất cứ bé nào?
Vắc xin ngừa bệnh trái rạ sản xuất từ vi rút sống đã được làm cho “yếu” đi. Những vi rút “yếu” này, khi đưa vào cơ thể sẽ có tác dụng giúp cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại bệnh.
Vắc xin được sử dụng cho trẻ 12 tháng tuổi trở lên. Khi tiêm đủ liều trẻ sẽ đạt được miễn dịch kéo dài. Tất nhiên như đã nói, với những trẻ đã từng mắc bệnh thủy đậu thì không cần tiêm ngừa nữa vì bản thân trẻ đã có miễn dịch rồi.
Khi đưa trẻ đi tiêm ngừa, bạn cũng cần nói cho bác sĩ biết tất cả tiền sử dị ứng của con mình, để tránh trường hợp trẻ dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bé có bị phản ứng phụ sau khi tiêm?
Có thể có đấy! Không phải chỉ tiêm phòng trái rạ, mà bất cứ tiêm phòng nào vắc xin đều có thể gây ra phản ứng phụ. Tuy nhiên, bạn đừng hốt hoảng nghĩ rằng thế thì tiêm… làm gì? Khi được tiêm phòng đầy đủ, trẻ sẽ tránh được bệnh tật.
Tại sao con tôi tiêm phòng rồi mà… vẫn bị?
Có trường hợp này xảy ra không? Thật ra là có. Nhưng nguyên nhân là do trẻ đã tiếp xúc với người bị trái rạ trước đó. Thời gian tiếp xúc của trẻ trên 5 ngày, sau đấy mới được đi tiêm phòng. Trong trường hợp này, nhiều khả năng vắc xin sẽ không bảo vệ trẻ được khỏi bệnh.
Vắc xin ngừa bệnh trái rạ cần khoảng 2 tuần lễ để đạt được miễn dịch tốt nhất nên trong khoảng thời gian này, nếu trẻ có tiếp xúc với nguồn lây, vẫn có khả năng mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nếu trẻ phát hiện bệnh sau khi tiêm ngừa thì các triệu chứng bệnh cũng sẽ được giảm rất nhiều, và hầu như không xảy ra biến chứng.
Chăm thế nào khi trẻ lên trái rạ?
– Giữ gìn da của trẻ luôn sạch sẽ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, quần áo phải thay giặt hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch. Giữ tay trẻ sạch, cắt ngắn móng tay.
– Khi nốt rạ bị vỡ, nên chấm thuốc xanh metylen để sát khuẩn. Tắm rửa cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, không nên giữ quan niệm sai lần là ủ kín trẻ. Kiêng nước hoặc tắm bằng nước gốc rạ… Điều này không những làm bệnh thuyên giảm mà còn dễ làm nốt rạ bị nhiễm trùng, để lại sẹo trên da hoặc gây ra biến chứng nguy hiểm.
– Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
– Nếu trẻ sốt cao, các nốt trái rạ mọc dày, bị bội nhiễm vi khuẩn lên mủ hoặc có hiện tượng hoại tử da, phải đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ xử lý kịp thời.