Chính bạn “tập” cho bé… ghét ăn rau!
Nhiều bà mẹ nhăn mặt phản đối khi đọc được câu này. “Tôi năn nỉ ăn rau còn không hết, chứ sao lại tập cho nó… ghét ăn rau???”. Thế mà có đấy! Một trong những lý do thường gặp nhất khiến trẻ sợ hoặc ghét ăn rau là do suốt quá trình ấu thơ, khi vừa bắt đầu ăn dặm, trẻ đã được mẹ “chăm” quá kỹ, đến mức “không quen” với việc ăn rau.
Sợ con bị hóc, nuốt mắc cổ nên nhiều bà mẹ thường chỉ cho bé ăn nước hầm từ xương và rau chứ không cho ăn “xác”. Nhiều bà mẹ khác lại cho tất cả mọi thứ (thịt, rau) vào máy xay sinh tố làm chén bột “tả pí lù”, khiến bé hoàn toàn không biết đến động tác nhai hay mùi vị cụ thể của các món rau.
Tâm lý của mẹ thường thích ép bé ăn đủ thịt cá để “chóng lớn”, chứ chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc cho con rau. Có người còn cho rằng đợi vài tuổi bé lớn rồi tập ăn rau cũng chưa muộn. Thế nhưng, cái cột mốc “đợi” này cứ vậy kéo dài. Càng lớn, bé càng nhát ăn rau. Đến lúc này mẹ mới nài nỉ ỉ ôi, dọa nạt, ép buộc ăn rau thì sẽ rất mất công sức để “tập” cho trẻ thích ăn rau trở lại.
Làm cách nào tập cho bé thích ăn rau từ sớm?
Ảnh minh họa.
Hãy chú ý những mẹo nhỏ hữu ích này!
Nên |
Không nên |
Bằm nhuyễn thức ăn bằng dao thớt. |
Xay nhuyễn thức ăn bằng máy xay sinh tố. |
Cho bé ăn cả bã thức ăn. |
Chỉ hầm lấy nước cho bé ăn. |
Luôn đủ 4 nhóm thức ăn trong bữa. |
Không đủ 4 nhóm thức ăn trong bữa. |
Thay đổi món mỗi ngày. |
Món ăn không thay đổi, thiếu đa dạng. |
Nạo trái cây bằng muỗng cho bé ăn. |
Xay đủ thứ loại trái cây thành sinh tố. |
Tập cho bé ăn các loại rau mềm. |
Sợ bé ăn rau ở tuổi này dễ mắc cổ. |
Chú ý món rau nào bé thích. |
Ép bé ăn loại rau… mẹ thích ăn! |
Khuyến khích bé ăn rau bằng những câu chuyện kể hấp dẫn: “Ăn cà rốt sẽ sáng mắt và nhanh nhẹn như thỏ”… |
Nạt khi bé không chịu ăn rau. |
Cho bé ăn những món rau, trái cây trình bày hấp dẫn. |
Cho bé ăn một tô trộn lẫn đủ các loại thực phẩm. |
Rau mang lại lợi ích gì cho trẻ?
Rau là nhóm thực phẩm quan trọng và là phần chủ yếu trong Tháp dinh dưỡng (khẩu phần ăn cân đối trong ngày dành cho trẻ nhỏ). Vì thế, sẽ rất tốt nếu con bạn ăn đều đặn một lượng rau thích hợp mỗi ngày.
Theo Tháp dinh dưỡng, khẩu phần rau hàng ngày của trẻ như sau:
- Trẻ 2 – 3 tuổi ăn một chén rau/một ngày.
- Trẻ 4 – 6 tuổi ăn 1 chén rưỡi rau/một ngày.
- Trẻ 9 – 13 tuổi ăn hai chén rau/một ngày.
Càng lớn trẻ càng ăn nhiều rau hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Cũng cần chú ý là không nên ép trẻ ăn lượng rau này trong duy nhất một bữa mà nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa bổ sung một ít.
Nên chọn cho trẻ các loại rau củ nào thì tốt?
Bạn có thể cho trẻ thử đủ mọi loại rau củ. Trong đó, có thể ưu tiên một số loại như: cà rốt, bông cải xanh, rau diếp, cần tây, đậu Hà Lan, đậu hạt và khoai tây…
Để giúp trẻ có cảm giác háo hức khi nếm những món rau củ, bạn nên học cách trình bày càng đẹp mắt càng tốt và chỉ nên sắp xếp trong những chén, đĩa nhỏ giúp trẻ không “hoảng” trước những tô hay đĩa rau củ quá lớn.
Ngoài ra, bạn có thể hỏi trẻ thích món rau gì, cho trẻ tự chọn, thậm chí tham gia chế biến cùng với mẹ (dạy trẻ lặt rau chẳng hạn ). Những điều này giúp trẻ trở nên thích thú, tò mò và mong muốn được nếm thử nhiều hơn.