Theo báo cáo tại hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam bộ” vừa diễn ra ở Cần Thơ, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao phổi mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức cao, đứng thứ 2 toàn quốc.
Đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân lao đa kháng thuốc được phát hiện hằng năm lên đến khoảng 1.300 bệnh nhân, trong khi tỉ lệ điều trị thành công lao đa kháng thuốc khá thấp.
Nguyên nhân là do nhiều người mắc lao phát hiện muộn, điều trị không kịp thời, tỉ lệ bỏ điều trị cao… Trong 13 tỉnh thành của khu vực Tây Nam bộ, nhiều bệnh viện phổi tuyến tỉnh chưa hoạt động, thiếu bác sĩ chuyên khoa, thiếu kinh phí…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khu vực Tây Nam bộ là nơi có nguy cơ diễn biến của bệnh lao ở mức cao. Và vấn đề nguy hiểm ở đây là việc phát hiện, quản lý bệnh lao chưa tốt sẽ tạo điều kiện dịch tễ không tốt, khiến lây lan bệnh trong cộng đồng cao.
Cũng theo ông Tiến, số người chết do bệnh lao còn cao hơn tai nạn giao thông nhưng hiện chưa được cộng đồng quan tâm.
Để tiến tới quản lý tốt, giảm tỉ lệ bệnh lao tại khu vực Tây Nam bộ thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai lấy ý kiến đề án “Can thiệp tích cực lao của khu vực” (giai đoạn 2017-2020).
Trong đó sẽ xây dựng Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ thành trung tâm chuyên khoa đầu ngành của khu vực; giúp các tỉnh sàng lọc và chủ động phát hiện lao, tăng tỉ lệ điều trị thành công đồng thời giảm bỏ điều trị lao kháng thuốc…