Mẹ&Con – Sau sự cố ba mẹ con ăn thịt cóc bị ngộ độ tử vong ở Vũng Tàu, điều chúng ta quan tâm là làm thế nào để sơ chế cho an toàn, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vũng Tàu: 3 mẹ con tử vong sau khi ăn cháo thịt cóc Có nên cho trẻ suy dinh dưỡng ăn thịt cóc? Nụ hôn nhiễm bệnh của người đến thăm khiến trẻ sơ sinh tử vong

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong do ăn thịt cóc chế biến sai cách. Gần đây nhất, vào ngày 7-11 vừa qua, chị B.T.T.H (31 tuổi, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cùng hai con là N.N.B.N (7 tuổi) và N.N.U.P (11 tháng tuổi) sau khi ăn cháo cóc đã có biểu hiện nôn ói, khó thở. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng 3 mẹ con đều không qua khỏi do nhập viện quá trễ, độc tố của cóc đã ngấm vào nội tạng.

Độc tố trong thịt cóc

thit-coc 

Ảnh minh họa.

Thịt cóc hay còn gọi là cơ cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao, cao hơn cả thịt bò và thịt lợn. Đây là thực phẩm được dùng nhiều trong việc tẩm bổ người già, trẻ em, người mới ốm dậy, người suy dinh dưỡng, chán ăn…

Tuy nhiên, trong cóc thường tồn tại loại độc tố có tên là bufalotoxin. Chúng chủ yếu có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh dọc hai sống lưng của cóc. Đây là một chất cực độc, chỉ một con cóc có thể gây tử vong cho 4-5 người khỏe mạnh trong một thời gian ngắn. Nếu không thận trọng trong các bước sơ chế, tính mạng của bạn và người thân có thể bị nguy hiểm.

Cách sơ chế thịt cóc đúng cách

– Đầu tiên, bạn nên rửa sơ cóc với nước, dùng kéo hoặc dao bỏ đầu (ngay vị trí 2 u mắt), tiếp tục chặt bỏ 4 bàn chân của cóc.

– Dùng dao sắc rạch một đường thẳng trên lưng, cẩn thận lột bỏ hoàn toàn phần da và toàn bộ phủ tạng (ruột, gan, trứng…), rồi xả sạch dưới vòi nước và kiểm tra lại một lần nữa xem còn sót trứng hay không. Trong khi bỏ phủ tạng đi, bạn chú ý không để gan, trứng của cóc bị dập, vỡ để tránh chất độc ngấm vào thịt. Nếu chẳng may một trong những bộ phận này bị vỡ, bạn nên bỏ phần thịt ấy đi.

– Tiếp tục rửa thật sạch thịt cóc dưới vòi nước và ngâm nước muối 1% trong vòng 10 phút.

– Sau khi ngâm nước muối, bạn rửa thịt cóc với nước sạch thêm một lần nữa và để ra rổ sạch cho ráo nước, rồi đem chế biến thành món ăn.

Triệu chứng khi bị ngộ độc cóc

Nếu bị ngộ độc thịt cóc, bạn sẽ có những biểu hiện dưới đây sau 1 – 2 giờ kể từ khi ăn:

Biểu hiện về tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau và trướng bụng.

Biểu hiện về tim mạch: Khi mới bắt đầu triệu chứng, bệnh nhân sẽ cảm thấy hồi hộp, huyết áp tăng cao, nhịp tim đập nhanh. Với những bệnh nhân nặng hơn còn dẫn đến tụt huyết áp, chân tay lạnh…

Biểu hiện về thần kinh: Bệnh nhân gặp ảo giác, rối loạn hành vi, chảy nước dãi, buồn ngủ, miệng và tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, trường hợp nghiêm trọng hơn là dẫn đến khó thở, ngừng thở và tử vong.

Xử lý và phòng ngừa khi bị ngộ độc thịt cóc

Nếu chẳng may bị ngộ độc thịt cóc, biện pháp đầu tiên là kích thích cho bệnh nhân ói ra bằng cách uống thật nhiều nước hoặc móc họng để loại bỏ tối đa độc tố ra khỏi cơ thể. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Để phòng tránh ngộ độc thịt cóc, tốt nhất là bạn không nên ăn thịt cóc hoặc các sản phẩm được làm từ cóc. Nếu muốn tẩm bổ, bạn có thể sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tương tự nhưng an toàn hơn như thịt gà, lươn hoặc ếch. 

Tags:

Bài viết liên quan