Mẹ&Con - Cho con ăn dặm sai cách không chỉ khiến bé biếng ăn mà còn gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc tăng cân và sức khỏe của bé. Mẹ đã biết cách cho ăn dặm đúng cách chưa? 3 giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên biết Tâm sự của các bà mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật 5 nguyên tắc chế biến, bảo quản thức ăn dặm

Nỗi lòng của mẹ

Chị Hạnh (Q.12) than phiền: “Dù chưa có kinh nghiệm nuôi con, nhưng mình cũng đọc nhiều tài liệu sách, báo về kiến thức ăn dặm. Ngoài ra, cũng hỏi qua ý kiến nhiều người rồi áp dụng theo, nhưng không hiểu sao con không tăng cân, lại hay bị rối loạn tiêu hóa. Mình lo lắng quá.”

Chung tâm trạng với chị Hạnh, chị Nguyệt (Hà Nội) buồn lòng khi cậu con trai đầu lòng thường xuyên bị táo bón, chị tâm sự: “Mình tự xay bột và nấu cho con ăn, cũng cho bé ăn thêm rau củ nhưng không hiểu sao cu cậu hay bị táo bón”.

Chị Huyền (Đà Nẵng) lại buồn khi con không chịu ăn, mỗi khi ăn phải làm đủ chiêu trò, chị bộc bạch: “Đành rằng nuôi con là phải vất vả, nhưng mỗi bữa ăn của cu Ben là một cực hình, vừa ăn vừa đi rong, mỗi bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ.”

Làm thế nào để con ăn ngon, tăng cân đều và khỏe mạnh? Để giải đáp cho câu hỏi này, bác sĩ sẽ giúp mẹ chỉ ra những sai lầm mà các mẹ thường gặp khi cho con ăn dặm.

Đúng và sai khi tập cho bé yêu ăn dặm 7

Cho con ăn dặm – “cuộc chiến” nhức đầu của các bậc phụ huynh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở mỗi giai đoạn khác nhau mẹ nên chế biến thức ăn và có chế độ ăn và thực đơn phù hợp với nhu cầu của bé. Cần đảm bảo cung cấp đủ và cân đối 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho bé gồm chất đạm (có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, các loại đậu,…); chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật); chất bột đường (bột ngũ cốc, gạo, khoai, bắp); rau và trái cây các loại.

Những sai lầm mẹ thường gặp phải khi tập cho bé ăn dặm:

Ăn dặm quá sớm bé dễ bị rối loạn tiêu hóa?
Đúng vậy mẹ nhé! Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bé được tròn 6 tháng tuổi thì mẹ mới bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Cho ăn dặm quá sớm làm bé dễ bị rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, thậm chí tiêu ra máu… Nguyên nhân do bé dưới 6 tháng tuổi có hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức 1, bé chưa thể tiêu hóa được thức ăn khác nên dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Có nên cho con ăn nhiều tối đa (với số lượng lớn) khi mới tập ăn dặm không?
Không nên mẹ ạ! Trong giai đoạn đầu mới tập ăn, trẻ được cung cấp dinh dưỡng chủ yếu từ sữa cũng đủ. Vì thế, mẹ không nên chìu bé hoặc ép bé ăn nhiều trong mỗi bữa hoặc ăn quá nhiều bữa trong ngày, vì khả năng tiêu hóa của trẻ có giới hạn. Nếu ăn quá nhiều có thể thấy bé đi tiêu nhiều lần phân sống, hoặc chỉ ăn mà bú sữa quá ít và chậm lên cân… thì cần giảm lượng ăn cho phù hợp khả năng tiêu hóa của bé.

Đúng và sai khi tập cho bé yêu ăn dặm 8

Không nên chìu bé hoặc ép bé ăn nhiều trong mỗi bữa hoặc ăn quá nhiều bữa trong ngày – Ảnh minh họa

Theo khuyến cáo trẻ từ 6-24 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức và bữa ăn phụ khác mỗi ngày mẹ nên cho bé ăn:
• Trẻ từ 6-7 tháng: 1 bữa bột lỏng khoảng 20-80 ml.
• Trẻ từ 8-9 tháng: 2 bữa bột, cháo sệt 100-160 ml.
• Trẻ từ 10-12 tháng tuổi: 3 bữa bột, cháo đặc 180-200 ml.
• Trẻ từ 12-24 tháng tuổi: 3-4 bữa bột, cháo hạt hoặc bún, mì, nui,…200-250 ml.
• Trẻ từ 24 tháng tuổi trở đi mẹ có thể tập cho bé ăn cơm với gia đình.

Lưu ý: Tùy thuộc vào từng bé khác nhau về thể chất, năng lực tiêu hóa thích nghi của mỗi bé mà thời gian ăn và số bữa ăn có thể khác nhau một chút, điều quan trọng là bé phải lên đủ cân nặng và chiều cao theo tuổi.

Cho bé ăn nhiều chất đạm cho tốt có đúng không?
Không hề tốt chút nào đâu các mẹ ạ. Nhiều mẹ nghĩ rằng, cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng,… sẽ cung cấp nhiều chất cho sự phát triển của bé. Chất thực sự rất cần thiết cho sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ, nhưng ăn đạm quá nhiều thì lại hại cho cơ thể trẻ. Trẻ ăn quá nhiều đạm dễ bị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu dẫn đến chướng bụng, biếng ăn. Chất đạm cần được gan và thận chuyển hóa và thải sản phẩm chuyển hóa độc hại ra ngoài qua nước tiểu.

Bát bột, chén cháo của bé phải cân đối giữa 4 dưỡng chất cần thiết: 1 chén cháo đầy (200ml) nên có 30-50g thực phẩm giàu đạm là đủ mẹ nhé. Đừng quên thêm dầu ăn cung cấp năng lượng và hấp thu chất béo. Rau, củ, quả vừa tô màu cho chén bột hấp dẫn, vừa cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ có lợi cho hệ tiêu hóa, chống táo bón cho bé rất tốt đấy.

Đúng và sai khi tập cho bé yêu ăn dặm 9

Rau củ quả cũng là một trong những món “khoái khẩu” của bé khi ăn dặm – Ảnh minh họa.

Hầm xương hoặc luộc thịt cá, rau củ lấy nước nấu cháo, bột cho bé đúng hay sai?
Sai rồi mẹ ạ. Đa phần các mẹ đều có thói quen hầm xương, luộc thịt, luộc rau củ lấy phần nước, bỏ bã để nấu bột, cháo cho bé ăn dặm. Có lẽ do nghĩ rằng làm như vậy bé sẽ không bị hóc và được ăn lượng tinh chất. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không đúng khoa học, vì hầu hết các chất dinh dưỡng đều nằm ở phần xác (phần cái, bã) của thực phẩm, nước hầm chỉ có vị ngọt nhưng không chứa chất dinh dưỡng bao nhiêu.

Bỏ bã nghĩa là mẹ đã bỏ đi hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng, nên dù bé có ăn nhiều đạm, rau nhưng vẫn thiếu chất là vậy.

Cho dầu ăn vào chén bột của bé tốt cho tiêu hóa đúng hay sai?
Đúng mẹ nhé. Mẹ biết không, dầu ăn rất giàu năng lượng và chứa nhiều chất có lợi cho sự phát triển thể chất và hệ thần kinh của bé. Hơn nữa, dầu ăn còn giúp hòa tan các vitamin quan trọng như A, D, E, K để bé dễ hấp thu vào cơ thể.

Nghiền nhuyễn mọi thức ăn mới tốt cho bé đúng hay sai?
Sai rồi. Vì nếu bé thường xuyên ăn thức ăn xay nhuyễn, trẻ sẽ “lười” nhai. Hậu quả là cho đến 3 tuổi, bé vẫn ăn cơm xay nhuyễn. Chưa hết, khi ăn đồ xay nhuyễn bé dễ nuốt chửng, không cảm nhận được hương vị món ăn, trẻ nhanh chán, dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng đến việc tăng cân của bé.

Một số mẹ có thói quen nấu một nồi cháo cho bé ăn cả ngày. Điều này là không nên, vì cháo sẽ có mùi khó chịu, mất chất, bé sẽ chán ăn.

Bữa ăn kéo dài có tốt cho bé không?
Không mẹ ạ. Bữa ăn kéo dài từ 1-2 tiếng bột vữa khó ăn, làm bé chán ăn. Ép ăn làm bé sợ ăn và sợ cả thức ăn! Hơn nữa, khoảng cách giữa các bữa ăn quá ngắn, bé chưa thấy đói, khó lòng ăn ngon miệng được. Bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài tối đa trong 30-45 phút thôi mẹ nhé. Sau thời gian này, nếu bé không thích ăn nữa nên kết thúc bữa ăn.

Nếu bé có thói quen ăn lâu, mỗi lần mẹ chỉ nên lấy một ít bột hoặc cháo để bé không thấy quá nhiều và sợ ăn. Ngoài ra, khi ăn mẹ tránh cho bé đi rong, xem tivi hoặc chơi điện thoại để bé tập trung vào bữa ăn, sẽ ăn nhanh hơn.

Bài theo sự tư vấn của Bs. Đào Thị Yến Thủy (Cố vấn Dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc)

Tags:

Bài viết liên quan