Hỏi: Con tôi 6 tháng tuổi, nhưng cháu lười ăn bột và không thích ăn hoa quả, mặc dù tôi chế biến rất kỹ, mịn nhuyễn? Như vậy có đáng lo ngại không?
Lời khuyên cho mẹ:
Trẻ 6 tháng tuổi nhu cầu dinh dưỡng chủ yếu vẫn dựa vào sữa mẹ (hoặc sữa công thức nếu không có sữa mẹ), thường vẫn đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển cho bé. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, trẻ tròn 6 tháng tuổi mẹ mới bắt đầu tập cho bé ăn dặm, nên chưa cần ăn nhiều. Nếu bé chưa háo hức với bột và trái cây, hãy thử cho nếm các thực phẩm mềm mịn khác như các hũ ăn dặm đóng lọ, miếng khoai tây – khoai lang chín tán nhuyễn pha chút sữa, miếng bí đỏ chín tán nhuyễn, phô mai, váng sữa… Nên cho tập ăn lúc trẻ đói, chỉ cho ăn một ít cho bé biết nếm, nhóp nhép nuốt, sau đó vẫn bú sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đủ no. Thế nên, khi tập cho bé ăn dặm mẹ nên kiên nhẫn, bắt đầu từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Và nhớ, không được ép bé ăn nếu bé không thích. Hãy bắt đầu lại vào tuần sau đó mẹ nhé. Duy trì cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đều đặn, bú theo nhu cầu của bé.
Còn bé không thích ăn trái cây là chuyện cũng thường, vì trái cây thường chua và có vị khác hẳn với sữa, mẹ không có gì phải lo lắng. Từ từ vài lần sau bé sẽ quen vị mới và thích ăn hơn. Sữa mẹ và sữa công thức đã cung cấp đầy đủ vitamin cho bé. Vì thế, không nhất thiết phải cho bé ăn trái cây nếu bé chưa thích mẹ nhé.
Số bữa ăn của trẻ từ 6-12 tháng tuổi:
• Trẻ 6 tháng tuổi: Ban đầu mỗi ngày ăn 1 bữa và chỉ ½ thìa. Sau đó tăng lên vài thìa. Duy trì cho bé bú theo nhu cầu.
• Trẻ từ 7-9 tháng: 2 bữa một ngày, mỗi lần 1/3- 1/2 bát có đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Bú theo nhu cầu hoặc bú đêm để cung cấp đủ năng lượng.
• 9-12 tháng tuổi: Ăn cháo hoặc bột đặc 3 bữa/ngày, mỗi bữa ăn 2/3-1 bát. Thêm trái cây tươi vào thực đơn của bé.
Bé ăn dặm – Ảnh minh họa
Hỏi: Khi nào thì nên thêm thịt và rau vào thực đơn ăn dặm của bé? Bao nhiêu tuổi trẻ được uống sữa tươi nguyên chất?
Lời khuyên cho mẹ:
Khi bắt đầu tập cho bé ăn dặm, mẹ nên cho bé làm quen với bột ăn dặm và các loại thực phẩm đơn chất khác trong vòng 1 tháng. Sang tháng thứ 7, bắt đầu cho bé làm quen dần với các loại bột pha trộn rau và thịt. Trong những tuần đầu tiên của tháng thứ 7, mỗi lần mẹ thêm vào bột của bé một vài lá rau non băm nhuyễn, cho bé làm quen từ 2-3 ngày, đồng thời theo dõi phản ứng của bé, rồi từ từ thêm ít thịt hoặc cá. Nếu có dấu hiệu bị dị ứng, tiêu chảy thì nên ngừng thực phẩm đó lại ngay. Bước sang tháng thứ 8, mẹ có thể cho bé ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn. Có thể bắt đầu bằng thịt gà, thịt bê hoặc thịt heo… Sau 1 tuổi, mẹ có thể thử cho bé làm quen với sữa tươi. Nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa tươi cần chú ý khả năng bị dị ứng sữa bò.
Hỏi: Bé 7 tháng tuổi nhưng vẫn không ăn được bột. Như vậy có đang lo không? Phải làm sao trong trường hợp này?
Lời khuyên cho mẹ:
Giai đoạn này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé. Nhưng từ 6 tháng tuổi, bé bắt đầu có những bước phát triển quan trọng, cần được bổ sung thực đơn ăn dặm để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt.
Nếu trẻ từ chối ăn dặm có thể thực đơn không hợp khẩu vị của bé hoặc cách chế biến chưa đúng. Nếu mẹ đã thử chọn bột sữa có vị ngọt mà trẻ không chịu, hãy thử chuyển sang bột có vị mặn. Hơn nữa, nếu bé không thích loại bột ăn dặm đó, mẹ không ép bé mà nên chuyển sang loại bột ăn dặm của hãng khác, pha loãng một chút cho bé dễ ăn… Khi đã thay đổi mà bé vẫn không chịu ăn, uống sữa ít và chậm lên cân, nên cho bé gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được hỗ trợ thêm.
Chiêu dụ bé ăn dặm:
• Trong mọi tình huống không được ép bé ăn, nếu bé chưa sẵn sàng.
• Tạo không khí vui vẻ mỗi khi cho bé ăn.
• Có thể chơi trò chơi nhẹ nhàng hoặc thỉnh thoảng cho bé xem hoạt hình, tivi khi cho bé ăn.
• Trình bày món ăn bắt mắt để kích thích sự tò mò của bé.
Hỏi: Khi nào thì nên bổ sung thực phẩm giàu sắt vào thực đơn của bé? Bé từ 6-12 tháng tuổi cần bao nhiêu lượng thực phẩm giàu sắt mỗi ngày?
Lời khuyên cho mẹ:
Bắt đầu từ 7 tháng tuổi mẹ phải cho bé ăn thực phẩm giàu đạm để cung cấp các chất cần thiết cho bé, đặc biệt là chất sắt. Tùy thuộc vào độ tuổi của bé mà lượng chất sắt cần sẽ khác nhau. Quan trọng là trẻ ăn được đủ lượng thực phẩm giàu đạm và ăn được cả phần cái (phần xác) của thực phẩm chứ không chỉ ăn nước hầm, nước luộc. Lượng ăn khoảng 15g (1 muỗng canh lúp) thực phẩm giàu đạm cho nửa chén bột hoặc cháo hoặc 30g (2 muỗng canh lúp) cho 1 chén bột hoặc cháo.
Nhóm thực phẩm giàu sắt:
• Thịt bò, thịt heo, đà điểu, thịt cừu…
• Cá thu, ngừ, hồi
• Gan gà, heo, gà…
• Huyết luộc
• Lòng đỏ trứng
Hỏi: Khi nào thì bắt đầu ngừng cho trẻ ăn thức ăn nghiền nhuyễn và chuyển sang thức ăn cắt nhỏ, nấu mềm?
Lời khuyên cho mẹ:
Thông thường trẻ ăn thức ăn nghiền nát, mềm nhuyễn trong giai đoạn đầu tập ăn dặm. Khi trẻ được 7-8 tháng thì cần băm nhỏ, cắt nhỏ rau, thịt, … nấu chín mềm rồi cho vào chén bột của bé.
Theo sự tư vấn của: BS. Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)