Ebola lây nhiễm qua con đường nào?
- Ebola là bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch.
- Virus có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm.
- Ngoài ra, có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của bệnh nhân bị nhiễm như quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng.
- Virus Ebola còn có thể truyền qua sữa mẹ. Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú.
Ảnh minh họa
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Thợ săn, người sống trong rừng có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết (tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…)
- Thành viên gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Nhân viên lễ tang, người có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân.
- Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Triệu chứng và thời gian ủ bệnh là bao lâu?
Bệnh có thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày, với các triệu chứng:
- Sốt cấp tính
- Đau đầu, đau mỏi cơ
- Nôn/buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Viêm kết mạc
- Phát ban: Ban đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh.
Ngoài ra, bệnh còn có triệu chứng xuất huyết như:
- Đi ngoài phân đen
- Chảy máu nơi tiêm truyền
- Ho máu, chảy máu chân răng
- Đi tiểu ra máu
- Chảy máu âm đạo
Các triệu chứng lâm sàng trên cũng là những triệu chứng thường gặp của một số căn bệnh khác. Bạn không nên quá lo lắng và tự chẩn đoán, dẫn đến những hoang mang không đáng có. Nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và tiếp nhận tư vấn chuyên môn từ các bác sĩ cho trường hợp cụ thể của bản thân.
Cách đề phòng lây nhiễm như thế nào?
- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng.
- Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo công bố của tổ chức WHO, tính đến ngày 6/8/2014 đã ghi nhận hơn 960 người tử vong do dịch Ebola trong tổng số 1.779 trường hợp mắc bệnh tại 4 quốc gia Tây Phi.
Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.