Các bước cho bé sơ sinh bú
Khoảng thời gian đầu tiên khi bé vừa chào đời tại phòng sinh là lúc tuyệt vời để bạn bắt đầu cho con bú. Bởi lúc này, cơ thể bạn sẽ sản xuất ra một lượng nhỏ sữa đặc biệt hay còn gọi là sữa non, giúp bảo vệ bé khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho bé bú một lượng vừa phải vì thời điểm này dung tích dạ dày của bé vẫn còn hẹp.
Đặt bé nằm bên cạnh mẹ và cho bú. (Ảnh minh họa)
Bước đầu tiên khi bạn chuẩn bị cho con bú là hãy lau sạch đầu vú bằng khăn nhúng nước ấm. Đặt bé nằm bên cạnh, ngực bé áp vào ngực bạn. Nhẹ nhàng đưa môi trên của bé chạm vào núm vú để bé há to miệng. Khi bé đã há to miệng thì dùng tay đỡ lưng, vai của bé và nâng giữ ngực của bạn để hỗ trợ bé mút sâu hơn.
Nếu muốn bé ngừng bú, bạn hãy cẩn thận dùng ngón tay út chèn vào khóe miệng bé, vị trí ở giữa hai hàng nướu rồi tách miệng bé khỏi núm vú.
Trường hợp các bé sinh non có thể không có khả năng bú sữa mẹ ngay lập tức. Lúc này, bạn nên vắt sữa ra bình và đưa cho nhân viên y tế. Bé sẽ nhận được lượng sữa này thông qua ống thông dạ dày.
Thời gian cho bé sơ sinh bú
Theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), bạn nên cho bé bú bất cứ lúc nào bé có dấu hiệu đói mà không phải theo một quy tắc hay lịch trình cứng nhắc. Tốt nhất nên cho bé bú mỗi 3-4 giờ. Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể phải đánh thức bé dậy để bú và giữ cho bé tỉnh táo – tránh ngủ giữa chừng, ít nhất là 20 phút/lần bú.
Chế độ ăn uống khi đang cho con bú
Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho bạn trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Không nên kiêng khem gây ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa cho bé. Theo một hướng dẫn chung, thì các bà mẹ cho con bú nên hấp thụ calo cao hơn 200-500 lượng calo so với người bình thường.
Mẹ cho con bú cần ăn uống đầy đủ và lành mạnh (Ảnh minh họa)
Nhiều người cảm thấy đói thường xuyên hơn khi cho con bú. Điều này chứng tỏ cơ thể họ đang phải làm việc ngày đêm để sản xuất sữa cho bé. Để đối phó với cơn đói như vậy, bạn nên chia nhỏ bữa ăn với các thực phẩm lành mạnh và uống thật nhiều nước.
Tránh dùng cà phê, rượu, bia, thức ăn cay và một số chất kích thích khác. Bởi chúng có thể đi vào sữa mẹ khiến sức khỏe bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các vấn đề bạn có thể gặp phải khi cho con bú
Cho bé bú không phải dễ dàng, nhiều phụ nữ có thể phải đối mặt với những khó khăn bước đầu và phổ biến nhất là trong 6 tuần đầu tiên với các vấn đề như núm vú bị đau, ngực căng nặng, khó chịu, tắc sữa, ít sữa, viêm vú…
Để khắc phục những tình trạng này, bạn nên:
– Chọn tư thế thoải mái, phù hợp nhất khi cho bé bú giúp núm vú đỡ đau hơn.
– Thường xuyên cho bé bú hoặc hút bớt sữa giúp ngực đỡ căng nặng, khó chịu.
– Kéo ngắn khoảng cách cho bé bú, mặc áo ngực vừa size, mát-xa ngực giúp sữa không bị tắc.
– Ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem, kích thích tuyến sữa hoạt động bằng cách dùng máy hút sữa hay dùng tay vắt sữa giúp sữa ra nhiều hơn.
– Thỉnh thoảng dùng khăn nóng chườm lên ngực và lau nhẹ nhàng giúp bạn hạn chế bị viêm vú.