Ho là cơ chế tự vệ để tống các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể làm tắc nghẽn đường thở. Một số triệu chứng ho còn xuất phát từ sự rối loạn bên trong cơ thể.
Các bé với hệ miễn dịch non yếu là đối tượng rất dễ mắc nhiều chứng ho khác nhau như ho khan, ho có đờm, ho dị ứng thời tiết hoặc ho thành cơn. Nếu phân loại theo thời gian thì bé thường mắc hai chứng ho chính là ho cấp tính và ho dai dẳng. Nguyên nhân là gì?
Thông thường bé ho trên 3 tuần được coi là ho dai dẳng (Ảnh minh họa)
1. Điều trị chưa đúng cách
Đây có thể coi là nguyên nhân chính gây ra triệu chứng ho lâu ngày không khỏi ở trẻ nhỏ. Do không biết chính xác căn nguyên của ho nên nhiều mẹ áp dụng các phương pháp điều trị chưa phù hợp.
Nếu bé ho do vi-rút, mẹ chỉ nên hỗ trợ cơ thể bé loại bỏ triệu chứng bằng các bài thuốc dân gian và mẹo trị ho như cho dùng trà cam thảo; hỗn hợp đường nâu, tỏi, gừng… mà không cần phải “động chạm” đến các loại thuốc kháng sinh. Thông thường, ho do vi-rút bé sẽ có các biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, khàn giọng… kèm theo.
Đối với trường hợp bé ho do vi khuẩn thì cần phải dùng đến các loại thuốc kháng sinh mới chữa khỏi. Ho do vi khuẩn thường xuất hiện sốt cao, cổ họng sưng đau, đau bụng, nôn mửa… đi kèm.
Bên cạnh đó, ho dai dẳng đôi khi còn xảy ra do mẹ cho bé lạm dụng thuốc trong một thời gian dài.
2. Thói quen sinh hoạt và ăn uống sai cách
Tiết trời ngày hè nóng bức, thói quen uống nước đá, ăn đồ lạnh thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến các bé ho lâu ngày không dứt. Đôi khi từ những cơn ho nhẹ có thể dẫn đến viêm họng, thậm chí là viêm amidan nếu mẹ vẫn cho bé giữ thói quen không tốt này. Khi bé bị ho, tốt nhất mẹ nên cho bé uống nhiều nước lọc ấm và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức đề kháng hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, việc vệ sinh răng miệng kém tạo môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn trú ngụ làm viêm nhiễm đường hô hấp, cũng là nguyên nhân mẹ nên quan tâm, chú ý ở các bé.
3. Thời tiết luôn thay đổi thất thường
Như mẹ đã biết, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa thực sự hoàn thiện. Nếu thời tiết thay đổi thất thường, bé sẽ rất dễ bị ho; thêm vào đó, việc mẹ thiếu kiến thức chăm sóc con vào thời điểm này cũng chính là những nguyên nhân khiến các cơn ho của bé yêu không thể chữa trị. Ngoài ra, một lưu ý cho mẹ nữa là không nên để nhiệt độ máy điều hòa trong nhà quá lạnh khiến chứng ho của bé thêm trầm trọng.
4. Xịt mũi thường xuyên cho bé
Lạm dụng thuốc xịt mũi khiến bé ho không dứt (Ảnh minh họa)
Một số bé ho sẽ kèm theo nghẹt mũi nên nhiều mẹ thường lạm dụng thuốc xịt thông mũi mà không hề biết tác dụng phụ của chúng. Đặc biệt các loại thuốc xịt mũi chứa thành phần corticosteroid với chức năng chống viêm, chống dị ứng, khi sử dụng lâu ngày sẽ sản sinh ra nấm họng gây ho dai dẳng cho bé.
Để hạn chế việc sử dụng thuốc, mẹ hãy thay thế bằng cách cho bé xông hơi với nước nóng, dùng dụng cụ hút mũi, ăn súp gà nấu hành hay nhỏ nước muối sinh lý.
5. Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ
Nghe thì có vẻ hơi lạ và không liên quan, nhưng trên thực tế thì đây cũng là nguyên góp phần gây ra triệu chứng ho lâu ngày ở các bé. Dịch dạ dày trào ngược có thể làm cổ họng bị kích ứng khiến bé ho khan, đặc biệt là vào buổi tối khi bé đang ngủ say. Vì vậy, khi bé ngủ mẹ nên kê gối cao hơn một chút và cố gắng chia nhỏ bữa ăn hằng ngày của bé, hạn chế để bé ăn khuya.