Chọn thời điểm thụ thai tiếp theo
“Một lần sẩy bằng bảy lần đẻ”, vì thế sau khi sẩy thai người phụ nữ phải có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khỏe và tử cung. Hơn nữa, sẩy thai là một cú sốc tinh thần rất lớn, đòi hỏi phải qua một thời gian mới bình phục trở lại được. Nếu có thai trở lại sớm sẽ tăng nguy cơ bị sẩy thai.
Thực tế cho thấy, khoảng 85% phụ nữ sảy thai một lần sẽ có một thai kì thành công tiếp theo, khoảng 75% phụ nữ từng sảy thai 2 hay 3 lần sẽ tiếp tục có một thai kỳ thành công ở lần kế tiếp. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng kẻo ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của mình.
Nên chọn thời điểm thích hợp để thụ thai thành công. (Ảnh minh họa).
Thông thường, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên có thai trở lại sau từ 2 – 3 tháng bị sẩy, hoặc sau 2 – 3 kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, thời điểm vàng được cho là an toàn nhất để bạn quyết định tiếp tục có em bé là khoảng 6 tháng sau, vì khoảng thời gian này giúp cho cổ tử cung có điều kiện phục hồi toàn vẹn ở lần sảy thai trước đó.
Bồi bổ cơ thể sau khi bị sẩy thai
Một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm tăng khả năng thụ thai. Ưu tiên những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin thiết yếu. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung thêm những thực phẩm giàu axit folic như: thịt bò, cải bó xôi, bông cải xanh, đậu nành, đậu xanh, xà lách, khoai tây, cam, sữa chua, bánh mì, trứng… Ngoài việc giúp sản xuất tế bào hồng cầu, cần thiết cho sự tăng trưởng của thai nhi, đặc biệt trong 12 tuần đầu tiên của thai kì, thì axit folic còn giúp phòng tránh khuyết tật ở hệ thần kinh của bé.
Ngoài duy trì chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, tránh xa rượu bia, thuốc lá, giảm cân một cách thái quá. Bạn cũng nên thường xuyên tập thể dục, yoga, chạy bộ, vận động nhẹ nhưng tránh vận động quá sức…sẽ giúp cơ thể bạn có đầy đủ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và dẻo dai cho cơ thể, tăng khả năng thụ thai và có một thai kì an toàn, khỏe mạnh trong tương lai.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Đa phần phụ nữ sau khi sẩy thai, đều cảm thấy lo lắng, bất an, ám ảnh, căng thẳng sợ rằng tình trạng tồi tệ này sẽ xảy ra tiếp trong tương lai. Việc ôm nỗi đau mất mát đứa con đầu lòng, bị tổn thương về tinh thần sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến việc thụ thai sau này. Vì khoa học đã chứng minh, các yếu tố về tâm lý cũng quyết định khả năng thụ thai cũng như sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi trong bụng mẹ.
Để vượt qua nỗi sợ hãi này, bạn không nên tự dằn vặt bản thân mình với lý do mình không tốt mới gây ra sẩy thai, hãy xem đây là chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Nên chia sẽ cảm xúc, tâm trạng của mình với anh xã, những người bạn hoặc người thân trong gia đình để tìm sự thoải mái, gạt bỏ đi những ý nghĩ tội tệ.
Để sớm thụ thai sau khi sẩy thai và có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn nên suy nghĩ lạc quan, tích cực, vui sống mỗi ngày và xây dựng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý. Đừng nên ở một mình mà hãy làm cho bản thân luôn bận rộn, rồi mọi nỗi đau, mất mát cũng sẽ tạm qua đi. Và một điều mà bạn tuyệt đối tránh là đừng bao giờ có ý nghĩ mình sẽ tiếp tục sẩy thai những lần sau đó.
Khám sức khỏe sinh sản tổng quát
Khi bạn đã ổn định tinh thần, sức khỏe đã phục hồi và mọi thứ đã sẵn sàng nên tìm đến bác sĩ để được tham khám sức khỏe sinh sản tổng quát trước khi quyết định thụ thai. Dựa vào tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích cho việc thụ thai lần này.
Canh ngày rụng trứng
Khi bạn đã chuẩn bị thời gian, sức khỏe, tinh thần cho lần đậu thai kế tiếp, thì cũng là lúc bạn cần theo dõi thời điểm rụng trứng để tăng cơ hội thụ thai. Cách nhận biết thời điểm rụng trứng bạn có thể dựa vào màu sắc và lượng chất nhầy ở âm đạo. Nếu chất nhầy màu trắng giống lòng trắng trứng, kết dính như keo, dày là dấu hiệu cho biết thời điểm rụng trứng.
Ngoài ra, có thể dựa vào các triệu chứng như các cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Vì vào thời kỳ trứng rụng, tử cung phải co bóp để đẩy trứng và chất dịch nhầy ra ngoài, nên bạn sẽ xuất hiện những cơn đau quặn thắt ở bụng dưới. Theo thống kê có khoảng 97% phụ nữ xuất hiện các cơn đau trong thời kỳ rụng trứng.
Đo thân nhiệt cũng là cách giúp bạn nhận biết được thời kỳ trứng rụng, theo đó 2 ngày trước khi trứng rụng thân nhiệt của người phụ nữ sẽ giảm xuống từ 0,1-0,2, nhưng vào ngày trứng rụng thân nhiệt thường tăng từ 0,3-0,5 độ C.
Hoặc bạn cũng có thể sử dụng que thử nước tiểu trước 2 ngày nghi mình sẽ rụng trứng, để đo sự biến đổi nồng độ LH trong chu kì kinh nguyệt.
Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để mang thai khỏe mạnh. (Ảnh minh họa).
Lưu ý:
Nếu phát hiện mình đậu thai, nên đi khám để có được những lời khuyên hữu ích nhằm phòng tránh sẩy thai nữa.
Với những mẹ bầu có tiền sử bị sẩy thai, khi mang thai trở lại nên hạn chế làm việc hoặc vận động mạnh. Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đặc biệt trong 3 tháng đầu nên nghỉ ngơi hoàn toàn cho thai đậu và ổn định, sau đó mới tiếp tục làm việc. Hơn nữa, sau khi đậu thai tránh các trạng thái cảm xúc xấu như căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, buồn chán cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Sau khi có thai trở lại bạn nên thường xuyên gặp bác sĩ theo chỉ định để được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, để có một thai kỳ khỏe mạnh.