Mẹ&Con – Canh là món gần như không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình, nhất là vào những ngày hè nóng bức.

Canh bổ sung cho cơ thể nhiều nước, giúp những lúc mệt mỏi, bé kém ăn cũng có thể ăn được dễ dàng hơn. Canh mang đến cho thiên thần bé bỏng vừa chất đạm, vừa chất béo, chất xơ… Tuyệt như thế, nhưng không phải mẹ nào cũng biết cho con ăn canh “đúng cách”!

Mon canh cho be

(Ảnh minh hoạ)

“Măm” canh nào, bé yêu ơi!

Điểm lại trong các món ăn, có lẽ canh là sự sáng tạo “độc chiêu” nhất của ông bà: Vừa có cái, vừa có nước, ăn với cơm cũng được, húp không cũng được, lúc đau bệnh là món dễ ăn, lúc khỏe mạnh cũng là thức không thể thiếu. Canh kết hợp đầy đủ vừa chất xơ, rau củ quả, vừa chất đạm, chất béo thông qua các món thịt, cá, tôm, cua… nấu cùng.  

Ngày hè nóng bức, trẻ vận động nhiều, chén cơm khô khan có khi trẻ không nuốt nổi. Thế mà trên mâm có thêm chút canh, con lại ăn “vèo vèo” hết ngay như mẹ muốn! Vì là sự kết hợp của rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất đạm, chất béo… nên canh lại giúp tăng sức đề kháng, chống bệnh dịch mùa hè.

Tất nhiên nói chừng ấy cũng biết bác sĩ khuyến khích mẹ tập cho bé ăn canh như thế nào rồi. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Canh cũng là món mà mẹ dễ “làm sai”, cho bé ăn “sai cách” nhất, dẫn đến ảnh hưởng cho hệ tiêu hóa của thiên thần bé bỏng. Bạn cần để ý một điều rất quan trọng và được xem là “lỗi sơ đẳng” với món canh: Canh tạo cho mẹ cảm giác bé ăn nhanh hơn, nhiều hơn nhưng lại rất dễ khiến bé… nuốt trôi mà không nhai, lâu dần hình thành thói quen ăn uống phản khoa học, khiến hệ tiêu hóa “căng” lên để cố nghiền hết những hạt cơm “nuốt trọng”.

Rất nhiều bé biếng ăn gặp phải cảnh này. Thấy bé lười ăn cơm hạt, lười nhai, mẹ cứ thế chan đầy nước canh vào. Nhờ có nước “đưa cơm” nên bé ăn nhanh, đút cả chén cơm cũng chỉ mất chừng 15 phút. Thấy thế, mừng quá, hôm nào mẹ cũng nấu canh và chan vào cho con… dễ nuốt! Chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ nhận ra ngay hậu quả: Bé dễ đi ngoài phân sống, dễ đau dạ dày dù còn bé xíu, cơ thể hấp thu không đủ chất vì bé không chịu thử món gì khác cả, chỉ nuốt mỗi canh thôi. Từ chỗ bé chỉ hơi hơi biếng ăn, hơi hơi ốm hơn bạn bè đồng lứa thì chỉ sau một thời gian dùng canh “đưa cơm”, mẹ nhận ra con đã bị xếp hẳn vào nhóm… suy dinh dưỡng!

Ăn canh sao mới… đúng?

Mẹ cần ghi nhớ điều đầu tiên và quan trọng nhất liên quan đến món canh: Chỉ cho bé ăn canh “một mình”, húp chén canh vào cuối buổi sau khi đã ăn các món khác. Không nên chan canh vào cơm, không nên cho bé bắt đầu bữa ăn bằng canh (trừ trường hợp bé bị béo phì, bác sĩ sẽ nhắc đến riêng).

Phản xạ tự nhiên của cơ thể, canh chứa nhiều nước nên bé sẽ nuốt chứ rất ít nhai. Chính vì thế, nếu trộn lẫn cơm canh, gần như toàn bộ cơm sẽ được đẩy xuống dạ dày trong tình trạng còn nguyên hạt. Dạ dày phải co bóp, hoạt động nhiều hơn. Nhai ít, nên bé cũng giảm tiết nước bọt, làm thiếu enzyme tiêu hóa. Nên biết, khi nhai thức ăn, nước bọt không ngừng được tiết ra để làm ẩm thức ăn giúp việc nhai thức ăn diễn ra nhanh hơn, enzyme trong nước bọt cũng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe. Nếu vừa ăn cơm vừa chan canh khiến cơm được ngâm mềm đi ảnh hưởng đến việc nuốt thức ăn. Do thức ăn được nuốt không hấp thụ nước bọt đã tiêu hóa xuống dạ dày dẫn đến tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, lâu ngày gây ra các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa.

Ngoài ra, vì nuốt nhanh nên bé sẽ quen và mất cả thói quen nhai kỹ các thức ăn rắn khác như thịt, rau trong những món kho, chiên, xào, hấp, luộc…, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cơ hàm. Nước canh còn khiến dạ dày nhanh căng giãn, cảm giác nhanh no nhưng thực chất thức ăn lại ít, dễ khiến bé thiếu dinh dưỡng.

Một sai lầm khác cũng thường gặp là mẹ… bỏ cái, chỉ hầm canh thật kỹ với các loại xương, thịt, cho ra món canh thật mềm, thật ngọt ngon và mẹ cứ nghĩ rằng chúng thật bổ dưỡng biết bao! Thật ra, bạn cần biết rằng với nhiệt độ cao như vậy khi đun sôi canh thì chỉ cần mở nắp và nấu lâu một chút, thì các dưỡng chất trong canh đã… bay biến mất rồi. Bạn nên đun nước thật sôi rồi mới thả nguyên liệu vào, nấu nhanh, đậy nắp để có thể giữ được các vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng trong canh. Cũng nên cho con ăn đầy đủ phần “xác” chứ không nên chỉ uống nước canh.

Ngoài ra, ăn canh ngay khi vừa nấu cũng là một sai lầm thường gặp. Bạn nên biết rằng vòm họng, thực quản, niêm mạc dạ dày chỉ chịu được độ nóng 60 độ C. Nếu vượt quá mức độ này sẽ làm tổn hại đến hệ thống đường tiêu hóa. Vì vậy, hình ảnh tô canh… bốc khói thật ra lại là một hình ảnh sai lầm. Bạn chỉ nên cho bé yêu “măm” canh khi canh chỉ còn âm ấm.

 

Hỏi nhanh bác Sĩ

Bé bị béo phì, nên cho ăn canh trước bữa? 

H: Con tôi đang trong tình trạng bị thừa cân, béo phì. Một số chị bạn hướng dẫn cách nên cho bé ăn một chén canh đầy (nấu ít dầu mỡ) trước bữa, sau đó chừng 15-20 phút mới cho bé ăn cơm. Tôi có thể áp dụng cách này không thưa bác sĩ? 

Đ: Với trẻ đang thừa cân, béo phì thì đây chính là một cách để giảm cân hiệu quả (bạn lưu ý không áp dụng với trẻ bình thường hay trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng nhé). Cho bé ăn một chén canh nấu với nhiều rau củ, ít chất béo, ít dầu mỡ trước bữa ăn sẽ khiến dạ dày “đầy” lên và có cảm giác no bụng, sau đó không muốn ăn nhiều. Bạn cũng nên chọn những nguyên liệu nấu canh cho trẻ đang thừa cân, béo phì phù hợp. Hạn chế các thực phẩm nhiều calo, nhiều chất béo. Ví dụ nấu với thịt gà thì nên bỏ da, nấu với thịt nên chọn thịt nạc, cá tươi, tép tươi…

Cho bé ăn cả “xác” canh? 

H: Bé nhà tôi được 6 tuổi, rất thích ăn canh. Nhưng bé chỉ chịu chan nước và vớt lấy một ít thịt để ăn thôi chứ không chịu ăn rau. Như vậy sẽ không tốt cho bé phải không bác sĩ? Làm thế nào để bé chịu ăn phần “xác” canh? 

Đ: Các loại rau củ quả trong canh cung cấp rất nhiều vitamin, chất xơ cho bé. Nếu không chịu ăn phần “xác” sẽ khiến cho ruột giảm co bóp, bé dễ bị táo bón, ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa, thiếu vi chất cần thiết… Để giúp bé thích ăn “xác”, chị nên nấu đa dạng, thay đổi nhiều loại rau củ quả khác nhau. Ví dụ hôm nay nấu mồng tơi thì ngày mai nấu bí đỏ, ngày kia nấu bí đao… Thay đổi như thế bé sẽ thấy hấp dẫn hơn, muốn thử hơn. Các phần “xác” nên nấu thật mềm để dễ nhai, không mắc cổ (làm bé sợ). Cho bé thử từng ít một, tăng dần lượng “xác” lên. 

Tags:

Bài viết liên quan