Trong chúng ta ai cũng một thời từng là học trò cắp sách tới trường. Những gì chúng ta có được ngày hôm nay chính là nhờ một phần không nhỏ công sức dạy dỗ của thầy cô.
Từ xa xưa, nhân dân ta đã có truyền thống hiếu học. Nhiều gia đình ăn đói, mặc rách vẫn cố xin thầy cho con theo học.
Thời phong kiến, những thầy giáo – ông đồ luôn được xã hội coi trọng. Họ không chỉ giỏi về thơ văn, chữ nghĩa, đỗ đạt cao mà còn là lương y bốc thuốc chữa bệnh cứu người, là trung tâm đoàn kết, hòa giải của cộng đồng.
Họ luôn có ý thức trau dồi tài năng, giữ gìn phẩm hạnh. Vì vậy, xã hội luôn coi họ là chuẩn mực, là tấm gương để mọi người học tập noi theo. Do quan niệm xã hội, phụ nữ thường ít được đi học và phụ nữ làm nghề giáo hầu như không được nhắc đến.
Xã hội xưa cũng rất coi trọng người có học. Mỗi người thường theo học một vài thầy. Người ta phân biệt rất rõ những người có học và những người không có học. Có người học để mong đỗ đạt, làm quan, vinh quy bái tổ về làng. Có người học để giữ nếp nhà, học làm người. Người có học thường có nhân cách, lối sống, cách ứng xử tốt hơn, được mọi người tin tưởng hơn. Học trò ngày xưa cũng rất có tâm, có chí. Họ yêu mến, kính trọng thầy giáo của mình. Nhiều người sẵn sàng chịu cực, nhục, đòn roi học hành đến nơi đến chốn.
Ngày nay, trước sự phát triển của xã hội, nghề giáo và địa vị của người thầy cũng có nhiều thay đổi. Kinh tế thị trường đã xuất hiện rất nhiều ngành nghề mới. Lối sống thực dụng coi trọng đồng tiền đã làm cho nghề giáo không còn giữ được vị trí độc tôn như ngày xưa. Mặt khác, giáo dục ngày nay cũng đang có sự chuyển mình rất lớn khi áp dụng nhiều phương pháp, hình thức giáo dục mới. Học sinh có thể tự học, học thầy cô, học ở mọi nơi, mọi lúc, với nhiều phương tiện hiện đại. Nghề giáo hiện nay cũng đối diện với rất nhiều khó khăn như lương thấp, áp lực của công việc… đã khiến nhiều thầy cô giáo không còn thiết tha, gắn bó với nghề. Xét cho cùng đó cũng là sự thay đổi tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, về tổng thể, nghề giáo vẫn là một nghề được xã hội coi trọng, tin tưởng. Thông tin đại chúng thường đưa tin rầm rộ về một vài tiêu cực mà quên đi hàng ngàn, hàng vạn giáo viên đang đem hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục. Những việc tốt, việc thiện đang ẩn mình trong những hành động, việc làm bình dị, hàng ngày mà đôi lúc chúng ta không thấy được.
Sẽ có lúc này, lúc khác, ở chỗ này, chỗ khác, nghề giáo chưa được coi trọng đúng mức. Song, xã hội càng phát triển cao, nhu cầu học tập cũng ngày càng tăng. Vị trí, vai trò, yêu cầu đòi hỏi và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thầy cô giáo cũng sẽ được tăng cao. Các thầy cô giáo cũng phải tự hoàn thiện để theo kịp sự phát triển của xã hội. Đó cũng là xu thế chung ở các quốc gia tiên tiến hiện nay.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, ban biên tập tạp chí Mẹ&Con kính chúc các thầy cô giáo luôn có sức khỏe tốt, tâm huyết, tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục-sự nghiệp trồng người của dân tộc. Có như vậy, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ta mới được lưu truyền, quốc gia mới giàu mạnh.
Ban biên tập