Cực cho mẹ…
Mang song thai, bạn cần đi khám thai thường xuyên hơn, kiểm soát chặt chẽ mọi chế độ dinh dưỡng của mình hơn vì lúc này, bên cạnh niềm vui làm mẹ, bạn đang phải đối mặt với các vấn đề như thiếu máu, phù, tiền sản giật.
Lời khuyên của các bác sĩ dành cho bạn là bạn sẽ phải chịu khó “nạp năng lượng” nhiều hơn mức bình thường. Việc nghỉ ngơi cũng phải tăng cường hơn. Nếu một bà mẹ mang thai “đơn” có thể tranh thủ làm việc đến tận tháng cuối cùng thì trường hợp của bạn, bạn phải xin nghỉ sinh khá sớm, dự phòng mọi trường hợp có thể sinh non.
Trong 12 tuần lễ đầu tiên, bạn nên bổ sung axit folic và sắt mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Việc này giúp ngăn ngừa chứng thiếu máu – một chứng bệnh rất dễ gặp khi mang song thai. Bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối phó với stress, trầm cảm vì mọi thứ đều vất vả “gấp đôi” bình thường. Từ chuyện nghén nhiều hơn, buồn nôn nhiều hơn, đến tình trạng thở dốc, khó thở cũng gia tăng. Bạn dễ bị táo bón và phù chân hơn những bà mẹ mang thai đơn khác.
Sức khỏe người mẹ ảnh hường nhiều, bằng chứng là tỷ lệ người mẹ mang song thai mắc chứng cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ là 30% rong khi ở người mẹ bình thường con số này chưa tới 10%. Chứng tiền sản giật với thai phụ bình thường là khoảng 7%. Nhưng với người mẹ mang song thai, con số này có thể lên tới 21%.
Và cả cho con!
Bạn cần cân nhắc điều này thật kỹ nếu muốn sinh đôi chủ động. Vì mang song thai, không chỉ vợ chồng bạn cực, mà nguy cơ cho hai thiên thần bé bỏng cũng tăng lên. Bạn cần biết rằng, mỗi lần sinh chỉ được phép cách nhau tối đa 20 phút để đề phòng các vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Cũng vì thế mà đứa bé ra sau bao giờ cũng được các bác sĩ theo dõi cẩn thận để đề phòng tình trạng suy thai, thiếu oxy… Mang song thai, lúc vượt cạn bạn cần chuẩn bị tinh thần trước cho việc nếu một trong hai bé gặp nguy hiểm, bạn sẽ phải chấp nhận để bác sĩ tiến hành mổ lấy thai khẩn cấp.
Ngoài ra, ngay cả nếu may mắn chào đời dễ dàng, thì hai em bé sinh đôi của bạn cũng thường ít tháng hơn các em bé khác. Nguyên nhân chủ yếu là do kích thước tử cung (dù đã “nở” lớn hơn bình thường) vẫn không đủ sức chứa cả hai bé cho đến lúc đủ ngày đủ tháng. Sinh thiếu tháng, bé của bạn dễ đau yếu, nhẹ cân hơn mức bình thường. Đặc biệt, bé ra sau luôn phải chịu nguy cơ rất cao khi phải trải qua đến 2 cơn co thắt mạnh của tử cung. Bé cũng dễ bị thiếu oxy do tử cung đã co lại ngay sau khi bé thứ nhất chào đời.
Cũng cần đối mặt với một “sự thật” rằng nếu sinh đôi cùng trứng, đứa trẻ này có thể là tác nhân gây nên cái chết của đứa trẻ kia trong quá trình “giành sự sống”. Tình trạng song thai thường dẫn đến sự phát triển bất cân xứng và chênh lệch cân nặng giữa hai thai do có một thai chậm phát triển trong tử cung. Nếu sự chênh lệch cân nặng trên 25% giữa thai nhỏ và thai lớn dễ dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử của thai nhi.
Bé cũng chịu nguy cơ dễ bị hội chứng dính liền thai hoặc mắc dị tật. Theo nghiên cứu, nguy cơ dị tật, chết lưu của song thai cao gấp 7-15 lần so với thai thường. Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản Trung ương) đã phải tiếp nhận hàng trăm ca có những bất thường về thai nghén do song thai đến kiểm tra và 1/3 trong số đó phải đình chỉ thai. Nhiều bé sinh ra dính các bộ phận quan trọng như đầu, ngực… rất đau lòng cho người mẹ.
Người phụ nữ khi mang thai đôi thường rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và sinh non.
Để sớm biết mình mang song thai…
Có một số dấu hiệu giúp bạn nhận ra điều bất ngờ này!
* Bạn sẽ tăng cân rất nhanh
Trong những tháng đầu thai kỳ, bạn tăng cân nhiều hơn mức “chuẩn” của bà mẹ mang thai “đơn”. Đây là dấu hiệu cần trao đổi sớm với bác sĩ.
* Cảm giác “khác lạ”
Không giải thích cụ thể được là khác lạ thế nào, chỉ biết rằng người mẹ sẽ cảm thấy lần mang thai này “không bình thường”. Điều thú vị là hầu hết các bà mẹ mang song thai đều tự cảm nhận ra điều ấy trước cả khi bác sĩ có thông báo chính thức.
* Dấu hiệu ốm nghén “dễ sợ” hơn bình thường
Bạn nôn suốt cả ngày, mệt mỏi rã rời. Rồi thì đau lưng, ăn uống không được, chỉ muốn nằm bẹp cả ngày. Nếu cảm giác mình “nghén” quá nặng như thế, khả năng rất cao là bạn chuẩn bị đón hai thiên thần.
Ngoài ra, mang song thai cũng khiến bạn cảm thấy đói nhiều hơn, ngực căng tức, đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Khi mang song thai, tử cung sẽ phát triển to ra để phù hợp với việc nuôi dưỡng đồng thời 2 bé. Trung bình, tử cung sẽ đạt kích thước là 48cm (trong khi đơn thai là 38 – 40cm).
Khi nào bạn biết chắc mình mang song thai?
* Kết quả siêu âm ở tuần thứ 6 sẽ giúp bạn nhận biết chắc chắn mình có sinh đôi hay không.
* Trong khoảng 12 tuần đầu, bác sĩ có thể phân biệt được nhịp đập khác nhau của 2 tim thai trong cơ thể mẹ. Đến khoảng tuần thứ 28, việc phân biệt này lại càng dễ dàng hơn.