Nhưng làm thế nào để có một tuyến giáp thật khỏe mạnh, bình thường, không rơi vào trường hợp suy giáp hay cường giáp?
1. Mẹ nên: Hiểu rõ về tuyến giáp!
Đừng đợi đến lúc mình gặp phải một vấn đề trục trặc nào về sức khỏe mới quan tâm đến nó. Đã quyết định có con là bạn đã bước sang một giai đoạn đặc biệt của cuộc đời rồi. Hãy tích cực trang bị cho mình mọi kiến thức tổng quát về sức khỏe có thể có được thông qua internet, sách báo chuyên ngành, các bài viết của bác sĩ, các chương trình tư vấn trực tuyến của bác sĩ, các diễn đàn của bà bầu hoặc về sức khỏe…
Riêng về tuyến giáp, những kiến thức trong cụm chuyên đề này có thể xem là “căn bản” nhất mà bạn cần biết đến. Ví dụ như: Tuyến giáp nằm trước cổ, có hình con bướm. Tuyến giáp tiết ra nội tiết tố giáp có tác dụng điều hòa chuyển hóa năng lượng, sự tăng trưởng của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh tâm thần. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp bài tiết quá nhiều nội tiết tố giáp làm cho cơ thể tăng hoạt động, tim đập nhanh, thở nhanh, nóng nực… Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm bài tiết nội tiết tố giáp làm cho tim đập chậm, nhiệt độ cơ thể thấp, tăng cân…
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cường giáp là bệnh Basedow (hay bệnh Grave) do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân kích thích tuyến giáp hoạt động quá mạnh tiết ra nhiều nội tiết tố giáp. Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy giáp là chế độ dinh dưỡng thiếu i-ốt, bệnh Hashimoto do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị rối loạn gây ra tổn thương tuyến giáp làm giảm sản xuất nội tiết tố giáp…
Hãy biết rằng càng có nhiều kiến thức, bạn càng có thể phối hợp tốt nhất với bác sĩ để tránh những nguy cơ cho bản thân mình và cho thai nhi trong bụng, đảm bảo cho con có thể chào đời khỏe mạnh sau này.
2. Mẹ nên: Luôn để ý đến các dấu hiệu bên ngoài “báo động” về tuyến giáp!
Như ở bài viết trước bác sĩ đã có nhắc đến, bệnh về tuyến giáp thường được “báo động” ra bên ngoài bằng hàng loạt các dấu hiệu bất thường khác nhau của cơ thể. Ví dụ như đau cơ khớp; cổ khó chịu; tóc rụng nhiều hoặc trở nên khô, dễ gãy; da không còn mịn màng, đầy sức sống mà thường thô dày, ráp, có vảy, yếu ớt; dễ táo bón hoặc thường bị tiêu chảy; chu kỳ hàng tháng không đều; đổ mồ hôi nhiều, thấy nóng nực cả ngày; thấy mệt mỏi triền miên dù đã nghỉ ngơi đầy đủ…
Tất cả những dấu hiệu trên đều rất đáng quan tâm và bạn không nên “cho qua” theo kiểu tự lý giải rằng vài ngày chúng sẽ hết, chẳng có gì đáng lo cả! Nên biết, cơ thể con người là một điều kỳ diệu của tạo hóa, một bộ máy hoàn hảo nên nếu có điều gì đó không-bình-thường, dù chỉ là đổ nhiều mồ hôi hay tóc rụng thường xuyên, chúng đều phản ánh một nguyên nhân sâu xa bên trong, một vấn đề về sức khỏe mà bạn cần kiểm tra lại.
Ngoài ra, phải nhắc thêm với bạn rằng nếu trong gia đình có người mắc bệnh về tuyến giáp thì nguy cơ bạn bị di truyền là rất cao. Do đó, hãy luôn chủ động kiểm tra sức khỏe tổng quát 6 tháng / lần và trước khi quyết định mang thai, đừng bỏ qua những xét nghiệm quan trọng, trong đó có xét nghiệm về tuyến giáp.
3. Mẹ nên: Tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu điều trị!
Nếu trong lúc kiểm tra trước khi mang thai bạn được phát hiện suy giáp hoặc cường giáp, lời khuyên dành cho bạn là hãy hoãn việc mang thai lại một thời gian, tập trung điều trị dứt điểm bệnh, để đưa trở về bình giáp đã.
Bệnh về tuyến giáp là bệnh cần điều trị mang tính lâu dài. Do đó, bạn phải hết sức kiên trì, tuân thủ từng hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, không tự ý bỏ thuốc, không bỏ tái khám dù thấy rõ tình trạng đỡ đi nhiều. Tùy tình trạng bệnh về tuyến giáp mà bạn được hướng dẫn bổ sung muối i-ốt, hải sản (nếu suy giáp) hoặc “kiêng” muối i-ốt, kiêng hải sản (nếu cường giáp). Nên thực hiện đúng những điều này, đồng thời tái khám, kiểm tra thường xuyên vì bệnh về tuyến giáp rất dễ tái đi tái lại.
4. Mẹ nên: Phòng ngừa suy giáp từ đầu!
Bạn đã được nhắc rất rõ ở bài trước rằng phụ nữ Việt Nam rất dễ mắc bệnh về tuyến giáp do chế độ ăn thiếu i-ốt. Do đó, một lời khuyên không thừa là nên bổ sung i-ốt vào bữa ăn hàng ngày thông qua muối i-ốt, các loại hải sản, sữa công thức có bổ sung i-ốt… (Trừ trường hợp đã được xác định là cường giáp, bạn mới phải kiêng những món này). Nhớ rằng hormone do tuyến giáp sản sinh cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé yêu. Bạn có một lượng hormone này hợp lý trong hệ thống cơ thể của bạn thì chắc chắn rằng bé yêu sinh ra được khỏe mạnh. Vì thế, đừng quên rằng phòng bệnh luôn ý nghĩa hơn chữa bệnh.
5. Mẹ nên: Tiếp tục dùng thuốc trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu bạn gặp vấn đề về tuyến giáp)
Dù đã đề phòng, dù đã kiểm tra, nhưng vẫn có những trường hợp như đang điều trị thì bạn phát hiện mình có thai, hoặc đang bình giáp nhưng khi có thai lại chuyển sang suy giáp hay cường giáp. Nên làm thế nào trong trường hợp ấy? Lời khuyên dành cho bạn là hãy tiếp tục quá trình điều trị sau khi thông báo với bác sĩ về việc mang thai của mình và càng phải tuân thủ chặt chẽ hơn những yêu cầu kiểm tra, tái khám, điều chỉnh liều lượng thuốc…
Một số người, khi mang thai, lo thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên tự ý ngưng thuốc. Điều này hoàn toàn không nên vì nó có thể đẩy bạn sang tình trạng suy giáp hoặc cường giáp nặng hơn. Nên biết một điều may mắn là thuốc điều trị tuyến giáp thuộc nhóm thuốc an toàn nhất trong thai kỳ. Nó hầu như không gây nên ảnh hưởng nào đến thai nhi khi được theo dõi chặt chẽ và sử dụng đúng liều lượng mà bác sĩ đưa ra.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Hạnh
Mẹ có biết
Ngoài muối i-ốt và hải sản, những thực phẩm sau đây cũng rất giàu i-ốt và có thể giúp tuyến giáp của bạn luôn khỏe mạnh: tảo bẹ, rau chân vịt, rau cần, cải thảo, trứng gà… Tuy nhiên, lưu ý là không phải nạp càng nhiều i-ốt càng tốt. Với trẻ nhỏ, lượng iốt nhiều nhất là 800μg/ngày, người lớn là 1000μg/ngày. Hàm lượng iốt tiêu chuẩn từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150μg/ngày, phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tăng thêm 50μg/ngày.