Rất nhiều trường hợp, bé viêm tai ở trẻ em nhưng bảo với mẹ con bị ù tai, tai đau, mà mẹ vẫn chỉ lơ là cho rằng chuyện chẳng có gì quan trọng. Trường hợp khác, bé gặp vấn đề bẩm sinh về thính giác mà đến tận khi bé được vài tuổi mẹ mới phát hiện ra.
Hãy biết rằng những trục trặc với khả năng nghe của trẻ khó phát hiện nhưng không phải vì thế mà bạn cho phép mình lơ là.
Bởi vì nếu không “bắt nhịp” kịp những bất thường này, đợi mãi đến khi bé có những dấu hiệu rõ ràng về thính giác kém thì có khi đã là quá muộn, bé có nguy cơ bị điếc vĩnh viễn hoặc đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển các kỹ năng khác, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ.
Đừng lơ là khi con nói đau tai!
Thính giác của trẻ rất non nớt và chỉ được hoàn thiện dần dần theo thời gian. Vì thế, bạn đừng bao giờ ỷ y rằng con mình sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, mọi giác quan đều được kiểm tra và đạt “điểm mười cho chất lượng” thì như thế nghĩa là… đã xong!
Bất cứ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của bé, bạn đều cần tự hỏi mình rằng con có ổn không, có gặp vấn đề gì khó khăn với các giác quan, nhất là những giác quan khó nhận biết bất thường như thính giác không.
Khi mua cho bé đồ chơi, khi đưa bé ra đường, khi mua về nhà một dàn loa “hoành tráng”, bạn cũng luôn phải đặt câu hỏi với chính mình rằng những âm thanh này có ảnh hưởng đến thính giác của con không.
Có những trường hợp, trẻ bị đau tai, đưa vào bệnh viện, khi bác sĩ nhẹ nhàng hỏi chuyện thì trẻ mới cho biết nguyên nhân rằng anh chị trong nhà (lớn hơn trẻ vài tuổi) cứ lấy những chiếc còi dí sát vào tai em để… thổi thật mạnh nhằm làm em giật mình!!!
Hãy biết rằng chính những thứ bạn ít ngờ đến nhất như những con thú nhún ở công viên với tiếng nhạc quá ồn ào (để tranh thủ giành khách, giành sự chú ý của các bé) hay một chiếc còi bọn trẻ chơi với nhau, một chiếc máy chơi game trong nhà… cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng tới thính giác của trẻ.
Chưa hết! Hầu hết trẻ đều dễ mắc phải các bệnh về Tai Mũi Họng. Cũng chính vì thường xuyên quá như thế này nên mẹ đâm ra thờ ơ, chẳng dành nhiều sự quan tâm nữa, cứ nghĩ uống thuốc rồi từ từ khỏi, có gì đâu! Thực tế, có những bệnh về tai ở trẻ em xuất phát từ chứng viêm nhiễm nhẹ ban đầu, song không được quan tâm chữa trị dẫn đến ngày càng nặng hơn, nhiễm trùng, gây nguy hiểm đến khả năng nghe của trẻ.
Bạn cũng cần đặc biệt chú ý rằng trong bất cứ trường hợp nào, chỉ cần bé nói với bạn con bị ù tai, đau tai thì phải lập tức đưa ngay con đến bệnh viện. Đừng bao giờ vì bận rộn một chút công việc ở cơ quan mà lần lữa: “Thôi để cuối tuần đưa con đi khám cũng chưa muộn!”. Với các bệnh hoặc các tai nạn về tai ở trẻ, có khi chỉ sớm hoặc muộn hơn 1-2 ngày là mọi sự đã khác!
Bảo vệ con khỏi viêm tai ở trẻ em
Không có gì quá khó khăn để tránh viêm tai ở trẻ em cả. Nếu thực hiện tốt những điều này, bạn có thể yên tâm rằng thính giác của bé sẽ được an toàn!
1. Giữ môi trường sống trong nhà yên tĩnh
Không mở tivi, mở nhạc quá lớn, không cho phép trẻ chơi điện tử quá nhiều vì tiếng ồn từ các trò chơi điện tử thường rất lớn. Nếu hàng xóm của bạn quá ồn ào (hát karaoke thường xuyên, đang sửa chữa nhà cửa…) hoặc nhà quá gần đường, hãy chịu khó tìm cách cách âm cửa, tạm gửi bé sang nhà ông bà hoặc thậm chí là chuyển nhà khi cần thiết.
2. Mua cho trẻ dụng cụ bảo vệ tai
Cho trẻ đeo dụng cụ bảo vệ tai khi đi máy bay, đi ngoài đường (dễ bị tiếng còi hơi của xe tải), kể cả khi phải chịu những tiếng ồn kéo dài như máy khoan khi nhà đang sửa chữa…
3. Hạn chế headphone để tránh viêm tai ở trẻ em
Không cho trẻ sử dụng headphone (tai nghe nhạc) sớm, kể cả khi trẻ có nhu cầu học tiếng Anh hay nghe nhạc. Headphone rất ảnh hưởng đến thính giác của trẻ. Bạn có thể cho bé mở băng cassette (tiếng phát ra loa) để học tiếng Anh hoặc nghe nhạc thay vì phụ thuộc vào chiếc headphone như thế.
4. Tránh “tám” điện thoại
Không cho trẻ dùng điện thoại (áp sát điện thoại vào tai) với cuộc gọi lâu quá 5 phút. Nhiều trẻ mới tuổi cấp 1 mà đã biết dùng điện thoại để… “tám” chuyện với bạn bè hoặc gọi đến tổng đài để nghe kể chuyện cổ tích, nghe nhạc. Việc áp sát tai vào điện thoại như thế trong thời gian kéo dài đến người lớn còn không chịu nổi huống chi là thính giác của trẻ em.
5. Cho trẻ khám tai định kì
Việc khám tai và kiểm tra thính giác định kì rất tốt cho trẻ, giúp sớm phát hiện ra những tổn thương hay bất thường ở tai. Bạn cũng nên dành thời gian trò chuyện với con mỗi ngày, chú ý đến những dấu hiệu như bé có nghe bạn rõ không, bé có phàn nàn gì với bạn kiểu như: “Con bị đau tai”, “Có con ong trong lỗ tai con, nó kêu vo vo…” không.
Cần biết rằng có những trường hợp, chỉ cần đưa con đến bệnh viện sớm hơn một vài ngày là bạn đã có thể cứu chữa hoàn toàn một vấn đề về thính giác của con hoặc khiến con bị vĩnh viễn giảm sút thính giác một bên do không phát hiện kịp khi bị viêm tai ở trẻ em.
6. Kiểm tra nước hồ bơi
Nước hồ bơi bẩn, ô nhiễm, lâu ngày mới thay… đều là nguyên nhân có thể khiến bé mắc các bệnh viêm tai. Vì vậy, nếu muốn cho con học bơi, bạn cần chọn hồ bơi thật sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Trong trường hợp trẻ đang mắc vấn đề về tai (viêm tai), tuyệt đối không cho trẻ xuống hồ bơi cho đến khi chữa khỏi. Ngoài nước hồ bơi, bạn cũng cần lưu ý khi cho bé tắm bồn ở nhà hoặc gội đầu cần tránh để bọt xà bông, nước lọt vào tai rất dễ gây ra bệnh viêm tai giữa.
7. Nhắc con hỉ mũi đúng cách
Nhiều mẹ tưởng hỉ mũi thì chẳng liên quan gì đến tai. Kì thực là có đấy! Khi bé bị viêm mũi, sổ mũi, bạn chỉ ấn nhẹ một bên mũi của bé và hướng dẫn bé hỉ nhẹ. Không cần thiết phải hỉ quá mạnh, cũng không cần thiết hỉ cả hai lỗ mũi một lúc, bởi phần sau của lỗ mũi thông với khoang tai giữa. Hỉ mũi quá mạnh, cả hai bên cùng lúc có thể khiến các chất bài tiết ở lỗ mũi xâm nhập vào khoang tai giữa gây viêm tai ở trẻ em.