Những dấu hiệu nào đáng ngại?
Lưu ý rằng suốt tối thiểu một tuần lễ sau sinh, bạn không được lơ là nếu như mình sốt. Sốt là triệu chứng đầu tiên, dễ gặp nhất và đáng ngại nhất, đặc biệt là sốt cao trên 38 độ C. Sau khi sinh, nếu sốt, dù chỉ là sốt nhẹ cũng cần theo dõi kỹ, báo ngay cho bác sĩ biết. Tuyệt đối không tự ý chăm sóc tại nhà khi xuất hiện những cơn sốt bất thường. Những dấu hiệu đáng ngại khác có thể gặp phải, cũng cần báo với bác sĩ ngay là hiện tượng ra máu nhiều sau khi sinh, nhịp tim nhanh trên 100 nhịp/phút, tử cung không co hồi, sản phụ thấy khó chịu, sản dịch bị ứ lại và có mùi hôi, ấn vào vùng tử cung thấy đau nhiều…
Tất nhiên, bạn cần hiểu rõ là không phải bất kỳ trường hợp nào sốt cao, nhịp tim tăng nhanh cũng là nguy hiểm, là dấu hiệu nhiễm trùng sau sinh, là nguy đến sản phụ! Có những trường hợp tuy sốt nhưng không phải là nhiễm trùng. Nhưng như đã nói, không được lơ là các dấu hiệu này vì đó chính là những lời cảnh báo hết sức cấp bách và nguy hiểm. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sau sinh, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra tử cung, kiểm tra máu… để xác định chính xác tình hình.
Hiện nay, nhờ áp dụng các phương pháp vô khuẩn, giữ vệ sinh triệt để suốt giai đoạn vượt cạn cho sản phụ nên tỷ lệ nhiễm trùng hậu sản đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, cần cẩn thận vì các vi trùng, vi khuẩn này có mặt ở khắp trong không khí, trong môi trường, có thể tồn tại trong dụng cụ đỡ đẻ, quần áo, vật dụng của sản phụ, từ tay của nữ hộ sinh khi thăm khám, đỡ đẻ… Sản phụ trong giai đoạn vượt cạn và sau sinh không được tắm rửa, nếu vệ sinh không tốt, sức đề kháng yếu thì rất dễ bị rong huyết, nhiễm trùng – nhiễm khuẩn nặng. Nếu thấy có các dấu hiệu bị nhiễm khuẩn ngoài da như bị mụn nhọt, bị các vết lở loét dù nhỏ… cần báo với bác sĩ để được điều trị từ đầu. Sau khi xuất viện về nhà, mọi vật dụng cá nhân, quần áo, băng vệ sinh… cần được đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Nên rửa bộ phận sinh dục ngoài bằng nước sạch và thay băng vệ sinh thường xuyên.
Nên chăm sóc cho mình thế nào sau ngày vượt cạn?
Sau khi bé chào đời, suốt hai tháng đầu tiên, bạn không nên gần gũi chăn gối lại với chồng, kể cả khi cảm thấy mình đủ khỏe. Cơ quan sinh sản rất cần được “nghỉ ngơi” đầy đủ sau chín tháng mười ngày. Nếu quan hệ tình dục sớm, bạn dễ gây nên những tổn thương cho âm đạo và các cơ quan sinh sản. Bạn nên dùng băng gạc vô trùng để thấm dịch chảy ra từ âm đạo, giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Không nên dùng các loại giấy cuộn thô nhám hay các loại khăn ướt có mùi thơm để làm việc này. Các hóa chất tạo mùi thơm dễ gây ảnh hưởng đến vùng sinh dục của bạn.
Suốt một tháng sau sinh, nên tránh đi lại nhiều, tránh vận động sớm. Quần áo, chăn dra gối nệm cũng như các vật dụng đều cần thiết phải thay đổi thường xuyên, giặt phơi kỹ lưỡng. Không cần thiết phải dùng đến xà phòng hay các dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi bác sĩ hướng dẫn). Chỉ cần vệ sinh vùng kín bằng nước đun sôi để ấm. Tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo vì dễ gây tổn thương cho vùng này.
Một lời khuyên khác là bạn không nên sử dụng bồn tắm tối thiểu là suốt vài tháng sau khi sinh. Không tắm ở ao hồ, hồ bơi. Chỉ nên tắm bằng vòi sen và không tắm quá lâu. Trường hợp khan hiếm nước, phải trữ nước trong lu chậu, cần kiểm tra vệ sinh của những vật dụng đựng nước này. Quần nội y cần được thay thường xuyên để giữ cho vùng sinh dục khô ráo. Nếu thấy sản dịch đổi màu, có mùi hôi hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần báo ngay cho bác sĩ.
Không khí trong phòng cần thoáng đãng, hạn chế đóng kín cửa mở máy lạnh suốt ngày. Bạn nên mở rộng cửa sổ, sử dụng quạt thay vì máy lạnh. Cuối cùng, nên uống nhiều nước mỗi ngày và tăng cường những thực phẩm có thể giúp tăng sức đề kháng, ví dụ như vitamin C. Khi sức đề kháng tăng cao, cơ thể bạn sẽ có khả năng chống trả tốt, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm sau sinh.
Bạn biết gì về sản dịch?
Trong 2-3 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đổi sang màu đỏ sậm như bã trầu. Từ ngày thứ 4 đến thứ 8 chất dịch loãng hơn, lẫn với chất nhầy lờ lờ như máu cá. Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12, sản dịch chỉ còn là một chất nhầy trong, ít đi dần dần. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm trùng, sản dịch có mùi hôi, có thể có lẫn mủ.
Chăm sóc vết may tầng sinh môn
Nếu tầng sinh môn bị rách hay cắt khi sinh thì sẽ được may lại. Vết may tầng sinh môn cần được kiểm tra (xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ không…) và làm thuốc 3 lần mỗi ngày bằng thuốc sát trùng. Sản phụ nên tự rửa thêm khi tiêu tiểu, thay băng vệ sinh sạch nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ẩm ướt kéo dài vết thương sẽ chậm lành và dễ nhiễm trùng, tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón… kháng sinh thường được Bác sĩ cho sử dụng trong 5 ngày. Nếu vết may tốt và lớp da may bằng chỉ không tiêu thì thường sẽ được cắt chỉ vào ngày thứ 5 sau sinh.
Bác sĩ Đào Thị Minh Nguyệt (BV Đại học Y Dược)