Chắc hẳn không bậc cha mẹ nào muốn rơi vào tình huống phải cứu sống con mình, nhưng những mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn và trên thực tế, đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.
Mà trẻ con là những “sinh vật” luôn muốn thử nghiệm không giới hạn và không hề ý thức được đó là tình huống nguy hiểm. Chúng thích thú khám phá tất cả mọi thứ bằng cách nhét tất cả những thứ có được vào miệng hay những vị trí nguy hiểm như mũi, tai …, chúng rời khỏi chiếc xe đạp bằng cách lao thẳng xuống đất, nhét ngón tay vào ổ điện, cúi sâu vào những vật dụng chứa nước… Do vậy, hẳn không bao giờ là thừa nếu bạn trang bị cho mình những kiến thức sơ cứu cần thiết. Và chắc rằng rất may mắn nếu trong suốt cuộc đời bạn không phải dùng đến nó, tuy nhiên có một nguyên tắc trong chăm sóc trẻ là cẩn thận không bao giờ thừa.
Trong bài này, chúng tôi xin đề cập đến kiến thức sơ cứu dành cho trẻ từ một tuổi trở lên, bị nghẹt thở (do mắc dị vật hoặc dị ứng thức ăn…). Mức độ nhẹ là trẻ bị tắc một phần đường thở, bé có thể ho và khóc nhưng tiếng nhỏ, yếu dần. Mức độ nặng nếu trẻ bị tắc đường thở hoàn toàn thì bé không thể khóc hay ho, tím tái toàn thân, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Quá trình sơ cứu cho trẻ chia làm hai bước lớn:
Đánh giá tình huống một cách nhanh chóng để đưa ra cách xử trí:
– Nếu con của bạn đột nhiên không thể khóc, ho, hoặc nói chuyện, thì có thể là có một vật gì đó đã chặn đường thở của bé và bạn sẽ cần phải lấy nó ra nếu có thể.
Nếu bé có thể ho hoặc khạc, tức là khả năng đường thở của bé chỉ bị chặn một phần. Trong trường hợp này, khuyến khích bé ho vì ho là cách hiệu quả nhất để làm bật một vật gây tắc nghẽn.
– Nếu con bạn không thể nói rõ ràng hay không còn hơi thở, da trở nên tím tái, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác (nhờ gọi xe cấp cứu) trong lúc đó bạn bắt đầu thổi ngạt và ấn ngực bé.
– Nếu bạn đang ở một mình với con bạn, hãy thực hiện 5 lần thổi ngạt và ấn ngực (tương đương hai phút), sau đó gọi cấp cứu.
– Nếu bạn thấy đường thở của con đã bị vít chặt vì cổ họng đã bị sưng, trường hợp này nghĩ đến việc trẻ có thể có một phản ứng dị ứng – do bé ăn một loại thức ăn nào đó gây dị ứng hoặc bị côn trùng cắn.
– Mở miệng của con bạn và tìm dị vật. Nếu bạn thấy dị vật trong đường thở của bé, hãy gỡ bỏ thật nhẹ nhàng, nhưng nếu cảm thấy dị vật ở sâu quá thì cũng đừng cố sức lấy khiến dị vật bị đẩy sâu hơn vào đường thở.
– Nếu bé không thể thở được, hãy làm hồi sức tim phổi cho con trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
Làm thế nào để hồi sức tim phổi? Khi nào cần hồi sức tim phổi?
Hồi sức tim phổi là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh CPR (cardio pulmonary resuscitation). Đây là biện pháp cấp cứu bạn có thể làm để cứu con của bạn nếu bé không có dấu hiệu của sự sống (thở hay chuyển động).
Hồi sức tim phổi sử dụng ép ngực và thổi ngạt giúp lưu thông máu, “truyền” ô xy cho não bộ và các cơ quan quan trọng khác giúp duy trì sự sống cho đến khi nhân viên cấp cứu y tế đến nơi. Giữ ô xy máu lưu thông có thể giúp ngăn ngừa tổn thương não – có thể xảy ra trong vòng 6- 8 phút sau khi tim ngưng đập – và cái chết.
Hồi sức tim phổi trong y khoa có vài phương pháp, đây là phương pháp dành cho người chưa từng học qua kỹ thuật này. Thực hiện theo các bước sau:
• Bước 1: Kiểm tra tình trạng của bé
– Lay nhẹ nhàng trên vai của con bạn và gọi bé. Nếu trẻ không trả lời, nhờ người gọi cấp cứu ngay lập tức (Nếu bạn đang một mình với con bạn, hãy chăm sóc bé hai phút sau đó gọi cấp cứu và quay lại tiếp tục với bé)
– Nhanh chóng nhưng nhẹ nhàng đặt con bạn trên một bề mặt vững chắc và phẳng.
• Bước 2: Làm thông đường thở của trẻ
– Đẩy cằm của trẻ về phía trước giúp miệng trẻ hé ra, làm thông đường thở của trẻ.
– Kiểm tra các dấu hiệu của sự sống (chuyển động và hơi thở) nhanh trong mười giây.
Để kiểm tra hơi thở của trẻ, đặt đầu xuống gần miệng của con bạn, đối diện với bàn chân của bé. Nhìn xem ngực của bé có phồng lên không, và lắng nghe hơi thở. Nếu trẻ thở, bạn sẽ có thể cảm thấy hơi thở của trẻ trên má của bạn.
• Bước 3: Thổi ngạt
– Nếu con của bạn không thở, hãy thổi vào miệng bé hai hơi, mỗi lần kéo dài chỉ một giây. Dùng hai ngón tay bịt kín cánh mũi của bé, áp miệng của bạn kín miệng bé, và thổi vào miệng của trẻ cho đến khi bạn thấy ngực trẻ phồng lên.
– Nếu ngực của cô không phồng lên, dấu hiệu đường thở của bé đã bị chặn hoàn toàn. Lập tức dùng cách ấn ngực như ở bước đầu tiên.
– Nếu bé thở được, hãy tiếp tục thổi ngạt cho bé hai hơi liên tục, nhớ tạm dừng một chút giữa hai hơi thở đế luồng khí được thoát ra giúp bé hô hấp dễ dàng hơn.
• Bước 4: Ấn ngực
– Đặt một tay trên giữa ngực trẻ.
– Để thực hiện một lần ấn ngực, hãy dùng lực ấn ngực của trẻ xuống khoảng 1/3 đến một 1/2 độ sâu của ngực. Sau đó thả tay bạn ra để ngực của bé trở về vị trí bình thường trước khi thực hiện lần ấn ngực tiếp theo
• Bước 5: Lặp lại ấn ngực và thổi ngạt
– Lặp lại chuỗi ấn ngực 30 lần và hai hơi thổi ngạt. Nếu bạn đang một mình với con bạn, hãy gọi cấp cứu sau chu kì 5 lần thổi ngạt và ấn ngực. Tiếp tục chu kỳ ép ngực và hà hơi thổi ngạt cứu hộ cho đến khi bạn tìm thấy dấu hiệu của cuộc sống hoặc xe cấp cứu đến.
Tủ thuốc gia đình rất hữu ích
Bạn nên chuẩn bị sẵn những vật dụng chăm sóc cần thiết để dùng khi có tình huống cấp bách. Ngoại trừ toa thuốc và sổ khám bệnh thì đa phần những vật dụng này có bán phổ biến ở nhà thuốc hoặc cửa hàng dụng cụ y tế mà không cần phải kê toa.
* Toa thuốc
Lưu giữ các đơn thuốc và sổ khám bệnh của con, số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bác sĩ thân thiết trong trường hợp cần tham vấn nhanh.
* Nhiệt kế
Ở nhà nếu có điều kiện thì trang bị dụng cụ nhiệt kế kỹ thuật số, có thể đo bằng đường miệng, nách hay hậu môn của trẻ.
* Thuốc hạ sốt trẻ em:
Dạng acetaminophen hoặc ibuprofen, giúp làm giảm sốt và giảm đau.
* Nước rửa tay tiện dụng
Loại dung dịch làm sạch tay không cần rửa nước. Hữu ích cho việc làm sạch vết xước cũng như thay đổi tã khi trẻ bị tiêu chảy.
* Thuốc mỡ kháng sinh
Giúp chữa lành vết cắt và vết xước.
* Băng vô trùng
Gạc vô trùng để làm sạch vết xước và ngừng chảy máu.
* Dụng cụ gắp nhỏ
Dùng để gắp mảnh văng trong trường hợp bé bị ghim vào da hoặc côn trùng bám trên da
* Kem chống nắng và bảo vệ môi
Sử dụng cho em bé 6 tháng tuổi trở lên và trong vùng da mặt và vùng da hở ở trẻ dưới 6 tháng khi cho bé ra ngoài nắng để bảo vệ da bé không bị cháy nắng. Hãy tìm kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hoặc cao hơn với tác dụng chống tia UVA và UVB.
* Thuốc bôi côn trùng cắn :
Làm dịu vết côn trùng cắn, chống sưng tấy.
* Kem dưỡng da trẻ em
Giúp làm dịu phát ban và cháy nắng.
* Túi chườm lạnh
Làm giảm sưng từ vết sưng, vết cắn, và bỏng nhỏ. Bạn chỉ cần bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để làm lạnh.
* Túi hướng dẫn sơ cứu
* Dung dịch điện giải:
Giúp ngăn ngừa mất nước liên quan đến tiêu chảy, chẳng hạn oresol. Có bán tại hầu hết các hiệu thuốc, nếu trong một thời gian bạn không sử dụng đến, hãy kiểm tra để thay thế đề phòng trường hợp hết hạn sử dụng. .
Theo sự tư vấn của Bác sỹ Nguyễn Bảo Tường – Bệnh viện Nhi đồng 1