Biết mình có lo cho con đầy đủ được không?
Nỗi lo của chị hoàn toàn có cơ sở, khi mà đã 6 năm nay kể từ ngày “theo chàng về dinh”, chị toàn ở nhà, lo công việc nội trợ rồi sinh con. Quê ngoại ở tít mù ngoài Bắc. Chị thì một thân một mình trongNam. Li hôn rồi, lo cho bản thân mình, kiếm một việc làm đắp đổi còn khó. Huống chi đến việc lo cho con ăn học. Rồi thì bé sẽ ở đâu trong khi chị bấp bênh nay chỗ nọ, mai chỗ kia đời phòng trọ?
Với bà mẹ trẻ Nguyễn Ngọc L. (Q.6), chị cũng đã khiến nhiều người trong gia đình bất ngờ khi ra đến tòa lại quyết định nhường quyền nuôi con cho… chồng và nhà chồng. Chị ứa nước mắt: “Đâu có dễ dàng gì mà đưa ra quyết định ấy. Tôi biết những người ác ý thậm chí còn hấm háy rằng mẹ đâu mà ác, đến cả con cũng đang tâm dứt bỏ cho rảnh tay rảnh chân. Nhưng quả thật lòng là không phải. Tôi nghĩ nhiều rồi. Bao nhiêu nước mắt đã chảy ướt gối những đêm trằn trọc trước khi quyết định li hôn rồi. Con mới 4 tuổi. Nó còn cả tương lai phía trước. Gia đình chồng, từ ông bà nội đến cô chú đều cưng thằng bé lắm. Điều kiện vật chất của họ tốt. Chắc chắn ở bên đó, con sẽ có điều kiện học hành, phát triển tốt hơn…”.
Thế nhưng, không phải ai cũng bình tĩnh nghĩ được đến tương lai xa của con như chị L. Với nhiều phụ nữ, đứa con sau khi li hôn là điểm tựa tinh thần duy nhất của họ. Vì vậy, bất kể “sống chết” thế nào, việc đầu tiên họ muốn làm là giành quyền nuôi bé đã. Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng và cảm giác không thể nào rời con, với một số người (tuy không phải là nhiều), đứa con còn giống như một “vũ khí” để chống lại với gia đình chồng và chồng kể cả sau khi tan vỡ.
Như trường hợp của chị Phạm N.T (Q. Phú Nhuận). Sáu năm sau ngày li hôn và giành được quyền nuôi con, chị ngậm ngùi chia sẻ với chuyên viên tư vấn: “Ngày đó, tôi giành quyền nuôi con vì biết mẹ chồng tôi đứt từng khúc ruột khi phải xa thằng cháu đích tôn. Ly dị và rời khỏi nhà chồng, nếu tôi để lại con, hóa ra họ có tất cả mọi thứ sao! Rồi chồng tôi sẽ lại lấy vợ khác, cháu nội của họ vẫn ở với họ. Họ có mất gì đâu. Họ còn sung sướng vì nhổ được cái gai trong mắt là tôi nữa thì có. Với ý nghĩ ấy, tôi quyết giành quyền nuôi bé. Ít nhất, tôi cũng muốn họ phải nếm trải cảm giác mất mát, cảm giác đau khổ, cảm giác phải chia lìa với thằng bé… Điều kiện kinh tế của tôi lúc đó không đến nỗi quá mức tệ, công việc cũng tạm ổn nên tôi đã giành được quyền nuôi con không mấy khó khăn, vì tòa vẫn ưu tiên cho mẹ mà. Nhưng rồi, mãi sau này, tôi mới biết mình chỉ mới nghĩ đến mình mà chưa nghĩ toàn vẹn cho con…”.
Hãy nghĩ đến quyền lợi của con trước nhất!
Quả thật, khi giành nuôi con, chính chị N.T cũng không ngờ rằng nuôi một đứa trẻ trong hoàn cảnh đơn thân khó khăn đến mức ấy! Trước đó, khi còn sống ở gia đình chồng, chị chỉ toàn chú ý đến những xích mích, đay nghiến, xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, rồi thì chuyện chồng hay bênh mẹ, hay đi sớm về muộn, nhậu liên miên. Những bực tức, uất nghẹn trong lòng khiến chị đã không đủ sáng suốt để nhìn thấy những điểm mạnh khác của gia đình chồng và chồng khi họ cùng chung tay chăm sóc bé. Rằng thằng bé là con trai nên rất nghịch ngợm, hiếu động và bướng bỉnh không yên. Nó chỉ sợ mỗi mình ba khi ba la. Rồi thì khi con đau bệnh, chị đi làm vẫn có bà nội đỡ đần chăm sóc cháu.
Đến khi giành nuôi con rồi, những khó khăn đó mới bắt đầu lộ diện rõ dần. Nhóc nhà chị càng ngày càng lớn. Thiếu vắng bóng dáng đàn ông trong nhà nên cu cậu chẳng còn biết sợ ai. Con đi học tiểu học mà đã nay đánh nhau, mai đánh nhau. Cô giáo chủ nhiệm mấy phen phải mời chị lên vì thằng bé không chịu học, ngủ trong lớp, lại còn lấy cắp tiền của bạn khác. Chị lo lắng: “Càng lúc tôi càng thấy mình bất lực trong việc dạy bảo con. Khi li hôn, tôi chỉ nghĩ đến việc giành nuôi con mà quên mất rằng con là con trai. Một đứa con trai thiếu sự uốn nắn, giáo dục của ba sẽ cứng đầu, dễ hư hỏng đến mức nào. Tôi thì chỉ có một thân một mình, đi làm suốt cả ngày để đủ sức lo cho cháu và cho bản thân mình. Còn đâu ra thời gian mà theo sát với chả kèm cặp thằng nhỏ. Nghĩ tới cảnh con lớn lên chút nữa, rồi thì game online, rồi rượu chè, bài bạc, băng nhóm, kể cả chuyện hút chích nhan nhản bên ngoài mà tôi lo thắt lòng…”.
Ảnh minh họa
Đương nhiên, li hôn rồi thì cả cha lẫn mẹ vẫn phải có trách nhiệm chu toàn với trẻ. Song, nói là nói thế. Chứ trên thực tế thì rất hiếm ông bố nào cả tuần mới thăm con một lần lại đủ sức uốn nắn cho con. Đó là chưa kể, có những gia đình sau khi tan vỡ rồi, mạnh chồng đi đường chồng, vợ đi đường vợ. Ngoài số tiền chu cấp gửi về hàng tháng thì hiếm hoi lắm mới có dịp thăm con. Như chính trường hợp của chị N.T, khi nhận ra con cần lắm sự uốn nắn của người cha, chị đã “đổi chiến thuật”, thay vì giữ rịt lấy con như vũ khí trả thù nhà chồng, chị liên tục gọi điện cho chồng, nhờ anh đến trò chuyện, thăm nom, dạy bảo con.
Nhưng mọi chuyện lúc này không dễ như chị nghĩ nữa. Anh đã có vợ khác, có gia đình mới và hai đứa con mới. Ngay cả khi chị bảo: “Giờ em nghĩ lại rồi, con đã lớn, rất cần có sự giáo dục của ba. Em trả quyền nuôi con lại cho anh, muốn con về sống với anh…”, người chồng cũ cũng hờ hững trả lời: “Con chứ có phải… trái banh đâu mà lúc cô muốn giành thì giành, lúc muốn sút thì sút!”.
Khi li hôn, việc quyết định con ở với ai là việc tối quan trọng. Cha mẹ, nhất là người mẹ, phải bình tĩnh xét lại mọi yếu tố, mọi khía cạnh.
Chia sẻ với nỗi lo của những người mẹ trước vực thẳm li hôn về chuyện ai sẽ nuôi con, chuyên viên tư vấn tâm lý Thu Hiên (Tổng đài 1088) nhấn mạnh: “Khi li hôn, việc quyết định con ở với ai là việc tối quan trọng. Cha mẹ, nhất là người mẹ, phải bình tĩnh xét lại mọi yếu tố, mọi khía cạnh. Đừng vì những cảm xúc tức giận, nông nổi nhất thời giành quyền nuôi trẻ chỉ với mục đích dùng trẻ như vũ khí trả thù. Phải nhìn cho ra được rằng con mình thiệt thòi lắm rồi khi phải xa hoặc cha hoặc mẹ.
Vì thế, trẻ cần có được những điều kiện chăm sóc tốt nhất để có thể vượt qua cú sốc đó. Nếu vợ chồng đủ bình tĩnh ngồi lại với nhau, thống nhất với nhau cặn kẽ cách nuôi dạy, chăm sóc con sau khi li hôn và cùng có quyết tâm bù đắp cho trẻ nhiều nhất có thể, trẻ sẽ vượt qua chuyện đổ vỡ của cha mẹ dễ dàng hơn. Hãy nhớ, người mẹ thương con không phải lúc nào cũng dứt khoát phải là người mẹ giành quyền nuôi con. Có khi người mẹ thương con nhất chính là người đã đủ sức bỏ qua cái tôi của mình, để nhìn được đâu là điều kiện tốt nhất để bù đắp cho đứa con bé bỏng của mình…”.
Điều 92 – Luật Hôn nhân và Gia đình: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi li hôn:
1. Sau khi li hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi li hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Điều 94 – Luật Hôn nhân và Gia đình: Quyền thăm nom con sau khi li hôn
1. Sau khi li hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
2. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.