Hàng tháng, mẹ nên thường xuyên cân đo trẻ để đánh dấu vào biểu đồ này, vẽ thành đường tăng trưởng cân nặng và chiều cao riêng của bé. Theo đúng tiêu chuẩn thì đường cong tăng trưởng của trẻ sẽ có xu hướng chạy hướng lên theo cùng chiều và song song với đường cong tăng trưởng chuẩn. Tuy nhiên nếu đường tăng trưởng của bé bỗng dưng nằm ngang hoặc đi xuống, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng thể chất của trẻ đã giảm bất thường thì sao?
Nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng!
Đúng thế! Nếu thấy tình trạng đường tăng trưởng bỗng dưng nằm ngang hoặc đi xuống thì đây chính là báo hiệu mối hiểm nguy mà các phụ huynh phải đối diện: Trẻ bị nguy cơ thiếu dinh dưỡng.
Trẻ em không phải cứ tăng trưởng liên tục theo đường thẳng đứng mà đúng ra là một đường cong có xu hướng đi lên. Nếu như bạn theo dõi kỹ sẽ thấy trẻ tăng trưởng theo đường hình nấc thang đi lên, vì có những lúc trẻ sẽ hơi lơ là trong việc ăn uống một chút để lo học những kỹ năng mới như học bò, học đi, học nói…
Những giai đoạn này là những giai đoạn sinh lý, sẽ kéo dài trong 1-2 tuần nhưng sau đó lại trở lại bình thường. Lưu ý, quá trình “chững lại” này không thể kéo dài hơn 1 tháng. Nếu hơn 1 tháng mà biểu đồ tăng trưởng của bé vẫn “đi hàng ngang” thì điều đó chứng tỏ trẻ đã có vấn đề trong việc thu nhận năng lượng.
Tất nhiên, cũng có những lúc trẻ bị bệnh sẽ ăn kém. Vai trò của mẹ lúc này là chú ý bồi dưỡng phục hồi sau bệnh để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng với các bạn đồng tuổi. Xin nhắc mẹ một điều quan trọng là hầu hết trẻ bị suy dinh dưỡng chính từ sau những cơn bệnh nặng mà không được phục hồi dinh dưỡng. Bạn không thể hi vọng con hoàn toàn không bệnh vặt. Nhưng rõ ràng sau mỗi đợt bệnh, khi biểu đồ tăng trưởng của bé đang chững lại thì việc bồi bổ đúng cách lúc này trở nên rất quan trọng để giúp trẻ hồi phục lại thể trạng ban đầu.
Làm gì để biểu đồ tăng trưởng sớm “đi lên”?
Mẹ cần làm gì để giúp trẻ mau chóng khôi phục lại tình trạng ban đầu? Cần lưu ý những điều sau đây:
1. Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ:
– Chất bột đường: Là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể và là “thức ăn” cho não bộ hoạt động. Các thực phẩm giàu bột đường là cơm, bún, mì, nui, khoai, đậu, bánh mì…
– Chất đạm: Là nguồn thực phẩm “xây dựng” cơ thể, thành phần tạo máu, men tiêu hóa, kháng thể, cung cấp các acid amin cần thiết cho hoạt động não bộ Thực phẩm giàu đạm là thịt, cá, trứng, sữa, đậu, tôm, cua…
– Chất béo từ dầu, mỡ, bơ: Là nguyên liệu tạo nên tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào thần kinh và là nguồn cung cấp năng lượng cho hoạt động, tăng trưởng của cơ thể. Có chất béo thì các vitamin quan trọng như vitamin A, D, E, K mới được hấp thu. Các chất béo thiết yếu omega 3 (DHA) từ cá basa, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trích; omega 6 từ dầu, các loại hạt… rất cần thiết cho cấu tạo thần kinh và hoạt động não bộ.
– Các vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B (có trong ngũ cốc thô, rau), vitamin C (có trong rau, trái cây tươi), acid folic (có trong rau lá xanh đậm), kẽm (có trong hàu, sò, thịt, cá, các loại hạt)… giúp cho chuyển hóa các chất trong cơ thể. Sắt (có trong thịt, cá, gan, huyết) không chỉ là nguyên liệu để tạo hồng cầu cho máu mà còn giúp cấu trúc hệ thần kinh, cùng với iốt là hai vi chất rất cần thiết cho bộ não.
2. Chế độ ăn “phục hồi”:
Mỗi ngày bé cần ăn 3 bữa (cháo hoặc cơm) và ít nhất là 600-800ml sữa. Mẹ cần lưu ý cho bé nhận đủ và đa dạng các loại thực phẩm trong các bữa ăn chính. Bên cạnh đó, bé vẫn cần ít nhất 3-4 cữ sữa mỗi ngày.
Nếu trong bữa cơm bé không ăn hết một phần ăn bình thường vẫn ăn, ví dụ như không hết một chén cơm, mà chỉ ăn được nửa chén cơm rồi ngậm… thì mẹ hãy cho bé ăn thêm bánh flan, sữa chua, kem, chè hay uống thêm ly sữa nữa để bù lại nửa chén cơm thiếu ngay trong bữa ăn đó.
Điều cần lưu ý là trong mỗi chén cháo, chén cơm của bé đều cần có đủ 4 nhóm thực phẩm với số lượng như sau (lường bằng muỗng canh, loại muỗng to dùng ăn phở):
+ 2-3 muỗng chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ…: Khoảng 30-50g
+ 2 muỗng rau lá hoặc củ như rau muống, rau dền, bí đỏ, cà rốt…: Khoảng 20g
+ 1-2 muỗng dầu ăn
Khi bé tăng cân chậm, mẹ có thể thử cho uống thêm sữa ngay sau khi ăn cơm, bữa tối có thể làm các món nhiều năng lượng (món béo, ngọt) cho bé dùng thường xuyên, thêm 1-2 muỗng cà phê dầu ăn vào chén canh rau của bé. Chọn loại sữa bột béo hoặc sữa tươi có đường để cung cấp đủ năng lượng cho bé.
3. Phối hợp cùng nhà trường:
Bên cạnh việc tích cực bồi bổ cho bé tại nhà sau những giai đoạn bỗng dưng “chững lại” của biểu đồ tăng trưởng, mẹ còn cần tham khảo thực đơn của nhà trường và hỏi thăm cô giáo về chất và lượng ăn của bé, để có thể lập một chế độ ăn phù hợp. Chú ý tạo điều kiện cho bé vận động cơ thể qua các trò chơi và được tắm nắng 20 phút mỗi ngày.
Một lưu ý quan trọng nữa là nên cho bé đi ngủ sớm khoảng 9h đến 9h30 tối, vì bé chỉ tăng được chiều cao trong khi bé ngủ say từ 10-12 giờ đêm.
Mách nhỏ mẹ!
Nếu bé bị bệnh, trong thời điểm đang nóng sốt, đau họng, nghẹt mũi… có thể bé sẽ biếng ăn. Mẹ hãy lựa chọn những món bé thích hay dễ ăn, nấu mềm lỏng cho bé dễ nuốt, dễ tiêu hóa, có thể thay cơm bằng cháo, sữa nếu bé không chịu ăn cơm.
Sau khi hết bệnh, mẹ cần bồi dưỡng thêm thực phẩm giàu năng lượng cho trẻ (thức ăn ngọt, nhiều chất béo) để bé tăng cân trở lại.