1. Quả bơ
Thử tăng cường 1 ly sinh tố bơ trong thực đơn của con hàng ngày vào bữa xế, duy trì đều đặn khoảng 2 tháng, bạn sẽ bất ngờ nhận ra hiệu quả nó mang tới. Nếu bé không thích ăn sinh tố, bạn có thể thay đổi bằng cách cắt bơi thành từng miếng nhỏ, cho con tự bốc và măm măm.
Không chỉ chứa lượng calo cao, rất dễ giúp bé tăng cân mà chất béo trong quả bơi còn thuộc nhóm chất béo cực tốt cho sự phát triển thể chất và não bộ của con. Bơ lại rất lành, hầu như không hề gây hiện tượng dị ứng với bất cứ bé nào – kể cả những bé có cơ địa khá mẫn cảm. Chính vì thế, ngay từ khi bé tròn 6 tháng tuổi và chuyển sang ăn dặm, bơ đã được xếp vào nhóm thực phẩm đầu đời, có thể cho bé làm quen sớm nhất rồi.
2. Dầu ô liu
Muốn bé tăng cân, tất nhiên việc bổ sung chất béo là rất cần. (Bạn lưu ý thêm rằng không phải chỉ những bé “ròm ròm” mới cần đến chất béo nhé. Lượng chất béo trẻ cần nhiều hơn cả người lớn nếu so tỷ lệ với cân nặng cơ thể. Do đó, không nên kiêng khem chất béo với con, trừ trường hợp trẻ được xác định là thừa cân, béo phì và có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh về lượng chất béo bổ sung mỗi ngày).
Lưu ý
Nên cho dầu ô liu vào cháo, bột, canh… khi vừa tắt bếp, dầu sẽ không bị mất chất dinh dưỡng.
Trong số các thực phẩm giàu chất béo để giúp trẻ dễ nhanh chóng tăng cân, bạn không nên bỏ qua dầu ô liu. Dầu ô liu chứa chất béo có lợi, giúp giảm cholesterol xấu, tăng cường cholesterol tốt. Nó lại chứa các axit linoleic và linolenic (axit cũng có trong sữa mẹ) giúp ích cho tăng trưởng và phát triển của xương, hỗ trợ sự phát triển của não bộ của bé.
Ngoài ra, dầu ô liu có tính chất chống viêm, có tác dụng nhuận tràng nhẹ, tránh táo bón và giúp bé đi tiêu đều đặn. Cũng như quả bơ, dầu ô liu rất hiếm khi gây ra phản ứng dị ứng nên khá an toàn cho bé, kể cả ở độ tuổi mới ăn dặm. Bạn có thể nêm thêm ½ muỗng cà phê dầu ô liu vào chén bột của trẻ mới ăn dặm và tăng lượng này lên theo độ tuổi của con. Tất nhiên, đừng nêm quá nhiều đến mức khiến trẻ ngấy, cảm thấy món ăn như bị thay đổi vị vì dầu.
3. Thịt cá
Chắc chắn đó là chọn lựa giàu calo khác mà mẹ cần lưu ý để bổ sung cho bé nhẹ cân. Bạn có thể linh động thay đổi nhiều loại thịt và cá khác nhau, hấp dẫn con bằng cách chế biến. Chẳng hạn như đùi gà rán, thịt bò viên, bít tết, cá hấp, cá kho… Nhắc nhỏ mẹ là không nên sốt ruột vì muốn bé tăng cân nhanh mà ép con ăn thật nhiều mỗi bữa. Bé sẽ sợ ăn và không tiêu hóa nổi. Thay vào đó, nên chế biến nhiều món thịt cá hấp dẫn, chia nhỏ ra thành nhiều bữa khác nhau, kích thích bé thèm và ngon miệng khi ăn.
4. Sữa chua
Một số bé lười uống sữa. Nhưng sữa chua thì bé sẽ rất dễ mê vì độ chua chua, ngọt ngọt, sánh mịn và mát lạnh của món này. Bạn cũng sẽ bất ngờ nếu biết rằng sữa chua cung cấp năng lượng cho bé khá nhiều, dễ giúp bé tăng cân.
Cụ thể, sữa chua có một giá trị dinh dưỡng khá đáng kể: Trong 100g sữa chua chứa khoảng 100Kcal (bằng khoảng ½ chén cơm hay 2 trái chuối xanh), có chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và một số loại vitamin. Một số loại sữa chua còn thêm DHA (chất béo không no chuỗi dài) có tác dụng giúp sáng mắt và tăng chỉ số phát triển trí tuệ…
Lượng sữa chua bé nên ăn mỗi ngày
Bé từ 6-10 tháng: 50g/ngày
Bé từ 1-2 tuổi: 80g/ngày
Bé trên 2 tuổi: 100g/ngày
Các chất như: protein (chất đạm), lipid (chất béo) có sẵn trong sữa cũng đã được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong hệ thống tiêu hóa. Đường lactoza đã được lên men dễ hấp thu, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa tránh được tiêu chảy, giúp cho cơ thể hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc bổ sung các chất dinh dưỡng, sữa chua còn có khả năng phòng và điều trị một số bệnh đường ruột, giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn. Bạn nên cho trẻ ăn sữa chua có đường, vì trẻ đang cần nhiều năng lượng để tăng cân. Vị của sữa chua có đường cũng dễ hấp dẫn bé hơn. Ngoài cách cho bé ăn trực tiếp, có thể trộn sữa chua với các loại trái cây, thành một món trong bữa phụ để bé nhâm nhi.
5. Tinh bột
Bạn để ý lại xem, mỗi khi muốn giảm cân, có phải bạn luôn điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày bằng cách giảm lượng tinh bột không? Điều này nghĩa là ngược lại, khi muốn giúp bé tăng cân nhanh thì đừng bỏ qua tinh bột.
Những thực phẩm giàu tinh bột cho thực đơn tăng cân bao gồm cơm, cháo, nui, mì, bánh mì… Ngoài ra, các loại đậu như đậu đen, đậu xanh và đậu lăng… không những giàu tinh bột mà còn có các hàm lượng vitamin, khoáng chất phong phú giúp bé chóng tăng cân.
6. Bơ đậu phộng (chỉ dành cho bé trên 1 tuổi, không dị ứng)
Bơ đậu phộng dễ gây dị ứng. Vì vậy, lưu ý quan trọng với bạn là chỉ cho bé thử món này khi bé trên 1 tuổi mà thôi. Khi bắt đầu, bạn cũng chỉ được cho bé ăn một lượng thật ít (ít hơn ¼ muỗng cà phê). Trường hợp thấy bé có phản ứng bất thường cần lập tức ngưng ngay. Nếu bé ăn ngon miệng, hấp thu bình thường, ngày hôm sau thử tăng lượng bơ đậu phộng lên thêm một chút và quan sát tiếp. Làm như thế cho đến khi bạn chắc chắn rằng con mình không bị dị ứng với bơ đậu phộng.
Hơi “phức tạp” như thế, bù lại, bơ đậu phộng chứa hàm lượng protein và chất béo cực kì cao. Nó là một thực phẩm giàu năng lượng tuyệt vời có khả năng giúp bé tăng cân vèo vèo. Bạn có thể trộn bơ đậu phộng với trái cây, phết cho bé ăn cùng bánh mì. Rất nhiều bé mê mẩn món này.
7. Phô mai
Phô mai là thực phẩm giàu calo, đồng thời cũng là nguồn đạm và chất béo lý tưởng cho bé đang cần tăng cân. Bạn có thể kẹp phô mai vào bánh mì, trộn với trứng, salad… để cho bé ăn. Thậm chí, với một số bé, bé có thể măm măm trực tiếp những thỏi phô mai một cách ngon lành, như món quà vặt tốt cho sức khỏe.
8. Trứng
Một quả trứng trung bình chứa khoảng 26g protein. Vì vậy, đây được xem là thực phẩm rất tốt cho trẻ để giúp trẻ tăng cân. Bạn lưu ý thêm là lòng trắng trứng rất dễ gây dị ứng ở trẻ dưới 1 tuổi. Do đó, bạn chỉ nên cho con ăn lòng đỏ trứng luộc ở độ tuổi này. Trên 1 tuổi, bé có thể ăn trứng luộc hoặc trứng chiên, bao gồm cả lòng đỏ và lòng trắng mỗi ngày để cung cấp năng lượng bổ sung.
Vì sao bé chậm tăng cân?
– Bé ăn ít hoặc hấp thu kém: Khi thường xuyên ăn ít hơn so với nhu cầu năng lượng mà cơ thể đòi hỏi, bé sẽ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng. Ngoài ra, chế độ ăn không hợp lý như ăn uống thất thường, kiêng khem quá mức, chế độ ăn nghèo nàn không phong phú… cũng là những lý do khiến bé không thể tăng cân. Những trẻ sợ chất béo như không ăn được thịt mỡ, bơ, không thích ăn đồ xào rán cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng khó tăng cân. Ngoài ra, một số trẻ có thể do dùng kháng sinh hoặc thuốc chữa bệnh dài ngày gây mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột, dẫn đến khả năng tiêu hóa, hấp thu cũng kém đi.
– Bé ăn uống thiếu vi chất: Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng thì 80% người Việt Nam ăn thiếu các vi chất cần thiết cho cơ thể như: Kẽm, Magie, I-ốt, Selen, Các vitamin nhóm B, K, E, D… làm mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể. Muốn con ngon miệng, tăng cân nhanh, cần bổ sung cho con đầy đủ các vi chất này.
Giúp bé ăn uống đúng giờ
Ăn vặt không giờ giấc, ăn sát với bữa chính đều làm ảnh hưởng đếu chất lượng dung nạp dinh dưỡng của bữa chính. Do đó, bạn cần tạo nên một nề nếp ăn uống đúng giờ cho bé, để đảm bảo bé luôn có được trạng thái thèm ăn, có thể ăn ngon miệng. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tăng cân của con.
Môi trường của bữa ăn cũng cần yên tĩnh. Tập cho con thói quen chú ý ăn, nhai kỹ nuốt chậm và kết thúc bữa ăn trong vòng 20 phút. Tuyệt đối không nên biến bữa ăn thành nơi mắng mỏ, thúc giục, ép buộc, “đánh vật” giữa hai mẹ con. Vì điều đó hoàn toàn không tốt cho bé, chỉ khiến con dễ trở nên biếng ăn, sợ bữa ăn và tất nhiên là sẽ chậm tăng cân.