Mẹ&Con – Bước sang những tháng mưa cũng đồng nghĩa thời điểm chuyển mùa đã đến gần. Giao mùa là giai đoạn cơ thể rất dễ bị xáo trộn, các mầm bệnh sinh sôi nảy nở nhiều.

Để phòng bệnh trong thời điểm giao mùa cho bé yêu, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày một chút.

Chế độ ăn cho bé khi chuyển mùa

(Ảnh minh hoạ)

Tăng cường protein và chất béo “tốt”

Đây là hai “món” giúp bảo vệ cơ thể rất tốt thời điểm giao mùa. Protein trong cá, thịt gia cầm, thịt bò, heo đều được song ưu tiên nhất vẫn là đạm trong cá. Lưu ý nên chọn thịt sạch, đã qua kiểm dịch cẩn thận. Với chất béo “tốt”, bạn có thể bổ sung một muỗng dầu ô liu vào những tô canh sau khi nấu xong hoặc cho con ăn thêm ít mỡ cá nếu bé không bị “ngấy”. Những nghiên cứu cho thấy nếu được ăn thường xuyên hai chất kể trên, trẻ sẽ có sức đề kháng tốt hơn hẳn những bé thiếu hụt chất đạm hay chất béo “tốt”.

Tăng cường các loại rau củ quả, trái cây…

Hầu hết các loại trái cây, rau củ đều có khả năng tăng cường vitamin cho cơ thể. Đặc biệt, nên cho trẻ ăn nhiều những loại rau củ quả như khoai lang, bí đỏ, cà rốt, đu đủ, lê-ki-ma. Những loại trái cây, rau củ này có chứa nhiều vitamin A – loại vitamin rất cần cho da, vốn là tuyến phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch.

Bạn có thể cho trẻ ăn sáng hoặc ăn bữa dặm (xế chiều) với khoai lang, ăn tráng miệng bằng đu đủ. Xay sẵn một ít sinh tố đu đủ hoặc nước ép cà rốt với lê (rất dễ uống, thơm ngon) để gia đình sử dụng làm thức uống thường xuyên mỗi ngày. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn thêm các loại súp (cà rốt, khoai tây) hoặc canh bí đỏ trong bữa chính mỗi ngày.

Cũng cần lưu ý là các loại rau củ có màu xanh đậm như rau ngót, rau muống hay các loại trái có màu đỏ thắm như gấc, dưa hấu, cà chua cũng chứa nhiều beta-caroten, chất này khi hấp thu vào cơ thể sẽ được chuyển hóa nhanh chóng thành vitamin A với công dụng tương tự như trên. Tùy theo sở thích của các thành viên trong gia đình mà bạn xoay vòng cách chế biến những món này, vừa không tạo cảm giác ngán vừa giúp tăng cường chất đề kháng cho cơ thể.

Bổ sung sữa chua hàng ngày

Yaourt chứa rất nhiều những giống vi khuẩn phụ sinh (probiotics) có lợi, giúp tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể. Có thể cho trẻ nhỏ cũng như mọi thành viên trong gia đình ăn khoảng 2 hộp sữa chua mỗi ngày. Bạn cũng nên thử “sáng tạo”, kết hợp công thức 1 và 2 lại với nhau, tức là chọn một số loại trái cây có vị ngọt, cắt thành thỏi vuông, trộn chung với yaourt mềm, làm thành món tráng miệng hấp dẫn giúp trẻ cảm thấy dễ ăn, thích thú với món ăn này.

Đặc biệt, những ngày đầu hè trẻ dễ bị bệnh và được bác sĩ cho uống kháng sinh. Khi đó, bạn càng cần bổ sung sữa chua vào khẩu phần ăn cho con. Vì kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng diệt luôn đa số các vi khuẩn có ích (dòng bifidus chẳng hạn) có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Nếu không có những vi khuẩn có ích này, trẻ dễ bị các vi khuẩn “gây bệnh” tấn công.

Cho trẻ thưởng thức… hàu

Nếu trẻ lớn hơn 5 tuổi, không sợ “lạnh bụng”, không bị dị ứng với hải sản thì trong thời điểm chuyển mùa này, bạn có thể cho trẻ thưởng thức thêm chút ít hàu mỗi tuần. Hàu chứa rất nhiều kẽm, một trong những vi chất tốt nhất giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Kẽm giúp tái tạo lại các tế bào bạch cầu, kháng thể nhanh hơn và làm chúng mạnh hơn để “chiến đấu” với các bệnh lây nhiễm như cúm. Kẽm cũng là chất cần thiết cho tế bào, giúp sản sinh ra khoảng 100 loại enzyme khác nhau giúp nâng cao các phản ứng hoạt hóa của cơ thể.

Thiếu kẽm ở mức độ thấp đã có thể làm giảm chức năng miễn dịch, thiếu kẽm ở mức độ nhiều có thể làm cho hệ thống miễn dịch sụp đổ hoàn toàn. Vì thể, sẽ rất có ích nếu những ngày hè này đi biển, bạn cho con nếm thử vài con hàu (nhớ tìm cách chế biến chín, để phù hợp với trẻ). Có thể kiểm tra khả năng hấp thụ của con bằng cách cho ăn từng ít một, tránh ăn quá nhiều một lần. Ngoài ra, nếu trẻ dị ứng với hàu, không thể ăn được, bạn có thể thử chuyển qua cua hoặc thịt bò. Trong các món này cũng chứa khá nhiều kẽm.

Đừng coi thường… nấm!

Nhiều bà mẹ không thích cho con ăn nấm vì sợ độc, sợ ngứa, cho rằng nấm thì có bổ dưỡng gì đâu. Suy nghĩ này là sai lầm. Giống như thịt bò hay hàu đã kể trên, nấm có tác dụng giúp cơ thể tăng việc sản xuất bạch cầu, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Các giống nấm tốt nhất là nấm hương, nấm mỡ. Ngoài ra, nấm linh chi, nấm rơm… cũng dễ chế biến thành các món ăn ngon miệng. Để an toàn, bạn có thể tìm mua các loại nấm “sạch” bán tại siêu thị. Mang về ngâm nước muối từ 10-15 phút, xả sạch, sau đó rửa lại thêm vài lần với nước sạch rồi mới chế biến. Có thể nấu các món súp nấm, lẩu nấm, nấm xào thịt bò… cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình.

Uống nhiều nước!

Một trong những cách đơn giản để cơ thể có sức đề kháng tốt là… uống nước! Lượng nước cơ thể cần bổ sung mỗi ngày trung bình khoảng 6-8 ly, nhưng con số này có thể dao động phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thể trạng, độ tuổi… của bé. Bạn nên nhắc con uống nhiều nước lọc. Ngoài ra có thể cho bé uống thêm một cốc nước cam, nước ép trái cây như sơ-ri, táo, lê, cà rốt… mỗi ngày.

Thêm một chút vitamin C

Một ly nước chanh hoặc nước cam mỗi ngày sẽ giúp cơ thể giàu vitamin C hơn, giúp chống chọi với các vi rút, vi khuẩn gây hại  tốt nhất. Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể thử làm cho con những món kem kiwi, vì kiwi cũng chứa rất nhiều vitamin C. Nên giúp trẻ bổ sung vitamin C từ các loại thức ăn (uống) tự nhiên như thế này, tránh mua cả hộp vitamin C về ép trẻ uống hàng ngày. Trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ, còn lại việc bổ sung vitamin C bằng thuốc về lâu về dài sẽ không tốt cho trẻ bằng các loại thực phẩm từ tự nhiên.

Cho con ăn bánh mì ngũ cốc hoặc gạo lức

Có thể nhiều trẻ kén ăn cảm thấy rất khó chịu với những loại bánh mì ngũ cốc nâu nâu, hay những chén cơm gạo lức muối mè. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng nếu cho trẻ dùng các hạt ngũ cốc toàn vẹn (cả cám) như gạo lức, bánh mì ngũ cốc kể trên, cơ thể trẻ sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với bệnh tật, ổn định nồng độ đường huyết, các tác nhân gây cảm cúm, ung thư… cao hơn mức bình thường.

Mỗi tuần, bạn có thể “đổi món” cho con 1 đến 2 lần. Có thể rủ cả nhà cùng ăn để tạo cảm giác vui thích cho bé, giúp bé không cảm thấy “ghét” cái món… khó nuốt nhưng cực kỳ có ích này.

Thêm một ít tỏi khi xào nấu các món ăn cho trẻ

Không cần quá nhiều vì mùi tỏi khiến nhiều bé khó chịu, đâm ra sợ luôn món ăn. Nhưng mỗi lúc làm các món xào (như rau muống xào), bạn có thể cho thêm ít tỏi vào. Tỏi giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại vi khuẩn, vi rút. Tỏi còn có chứa allicin, ajoene và thiosulfinates, ba hợp chất mạnh mẽ giúp cơ thể ngăn chặn và chống lại các bệnh lây nhiễm. Một điều bạn cần lưu ý là cũng như nhiều hợp chất khác, allicin, ajoene và thiosulfinates sẽ bị giảm tác dụng theo thời gian, vì vậy tỏi bóc sẵn hoặc nghiền sẵn để lâu sẽ không tốt bằng tỏi tươi bóc vỏ, đập dập hoặc giã nhuyễn và chế biến ngay.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành

Hỏi nhanh bác sĩ

Có cần một chút “cay nóng”?

H: Nhiều người bảo một số gia vị cay nóng có khả năng giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh tốt lúc giao mùa đúng không bác sĩ? Với trẻ nhỏ, những gia vị này có nên dùng và có ảnh hưởng đến bé không?

Đ: Về cơ bản, không nên cho trẻ ăn gia vị mang tính kích thích bạn ạ. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, một vài loại gia vị như tỏi, hành, gừng, quế… có tính ấm nóng, tăng cường được hệ miễn dịch và khá “lành”, không gây ảnh hưởng cho bé. Trẻ từ 3 tuổi trở lên, uống một tách nhỏ trà thảo mộc gừng sả nấu với chút đường phèn chẳng hạn, vẫn rất thơm ngon, có khả năng phòng bệnh và không gây hại.

Tags:

Bài viết liên quan