Mẹ&Con – Ngoài những lo lắng thông thường về sức khỏe của bé thì các bà mẹ, đặc biệt là những bà mẹ có “công chúa” còn có nỗi lo lắng khác – bé yêu của mình có “đẹp hoàn hảo” không? Một trong những mối quan tâm đó là làm sao để bé có đôi chân thẳng, đẹp, không bị cong hay các tật về chân.

Tật chân vòng kiềng ở trẻ – Hai kiểu chân cong hay gặp

Điển hình nhất hay gặp trong các tật về chân là tình trạng chân vòng kiềng. Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng cả hai gối và xương đùi lẫn xương chày đều cong làm trẻ khi đứng, hai gối không sát vào nhau được.

Dù không gây ảnh hưởng lớn về mặt sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng về phương diện tâm lý, chân vòng kiềng có thể khiến trẻ – nhất là bé gái dễ mặc cảm tự tin khi lớn lên. Chỉ một số nhỏ các trường hợp chân vòng kiềng có ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ như thoái hóa khớp gối do xương cong gây lệch trục quá mức.

tật chân vòng kiềng ở trẻ

Ngoài tật chân vòng kiềng thì còn có những bé bị tình trạng chân cong hình chữ X. Bé bị cong chân hình chữ X thì khi đứng, hai đầu gối chạm sát vào nhau trong khi hai cổ chân lại cách nhau xa. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa hai cổ chân là dưới 6cm thì được xem là bình thường, tình trạng chân chữ X sẽ tự biến mất sau tuổi thứ 6 vì lúc này trục xương đã hoàn chỉnh.

Nếu trẻ bị thừa cân béo phì thì quá trình này có thể sẽ kéo dài lâu hơn, cần có sự chú ý về sự liên quan đến trọng lượng của trẻ trong trường hợp này. Một số trẻ thì bị chân vòng kiềng do có bệnh về xương như còi xương, thiếu nội tiết tố…

Thường các bác sỹ chỉ đưa ra kết luận bé có bị cong chân không khi bé đã qua độ tuổi lên 3. Trước tuồi này, xương của trẻ đang hình thành và có hình dáng “cong” tự nhiên, tư thế tập đi khiến chân bé phải choãi ra để có sự vững chắc trong bước đi.

Những nguyên nhân bị tật chân vòng kiềng ở trẻ

Có thể nói có nhiều nguyên nhân và tình trạng dẫn đến tình trạng tật chân vòng kiềng ở trẻ nên cần tìm đúng nguyên nhân để việc điều trị đạt hiệu quả.

Nguyên nhân về xương: còi xương, nhuyễn xương (thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý về xương…), u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương.

Một số dị tật ở bàn chân như bàn chân vẹo chẳng hạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự lệch trục của khớp gối.

Ngoài ra còn có những nguyên nhân “không chính thống”, “truyền miệng”, dân gian như bị cong chân do người thân bế bé cắp nách quá sớm, cho bé mặc tã giấy quá lâu, ngồi xe đạp ba bánh… Nhưng các bác sỹ và cả các nghiên cứu đã cho thấy quan niệm này không có cơ sở khoa học vì thường hệ thống xương và dây chằng của trẻ em dưới 2 tuổi rất mềm và khó bị ảnh hưởng hay chấn thương trong các trường hợp này.

Những dấu hiệu cho thấy có thể bé yêu của bạn đang bị chân vòng kiềng: chân trẻ cong nhiều từ trên đùi xuống đến chân, khoảng cách giữa hai đầu gối lớn hơn 6cm và trẻ đã được 4-5 tuổi.

Chân cong hình chữ X thường hay gặp ở những trẻ quá thừa cân, phần đùi to và khép chặt quá mức khiến đầu gối chụm lại, hai chân xa nhau. Chân hình chữ X thường không đáng lo ngại, tuy nhiên cha mẹ phải có sự điều chỉnh trong dinh dưỡng và vận động giúp bé đạt mức cân nặng hợp lý đồng thời giảm nguy cơ cong chân.

Điều trị cho bé

Thông thường với các bé ở tuổi sơ sinh đến 6 tháng tuổi, hình dáng chân của bé lúc này còn cong do tư thế nằm trong bụng mẹ, trong y học gọi là cong cẳng chân sinh lý. Chân của trẻ sẽ tự thẳng ra khi bé được 1 tuổi. Vì lúc này, trẻ đã bắt đầu tự đi, xương sẽ tự điều chỉnh theo hướng duỗi ra.

Từ giai đoạn 2-4 tuổi, đa số các bé sẽ có tư thế đi với hai đầu gối hơi vẹo vào phía trong một chút nên tạo cảm giác hai cẳng chân cách xa nhau.

Sau đó đến giai đoạn 4-6 tuổi, lúc này trục xương đã phát triển gần như hoàn thiện nên hai chân bé sẽ thẳng trục trở lại. Vì vậy vấn đề điều trị không cần đặt ra với các bé dưới độ tuổi 6.

Tuy nhiên, bằng sự quan sát qua mắt thường khi trẻ lên 4-5 tuổi, cha mẹ có thể xác định xem bé bị cong chân nhiều hay ít mà có cách xử trí. Nếu lúc này mà chân bé vẫn còn cong nhiều thì có thể nghĩ đến phương pháp bó bột để nẹp xương hoặc phẫu thuật chỉnh trục xương. Vì nếu gối lệch trục vào phía trong nhiều quá thì trẻ sẽ có nguy cơ xuất hiện triệu chứng đau khớp gối do thoái hóa, dẫn đến nguy cơ hư khớp gối sớm.

Các bà mẹ thường có thói quen nắn chân cho bé sơ sinh khi bé thức dậy hoặc khi nằm chơi. Phương pháp này có tác dụng lưu thông máu giúp bé dễ chịu hơn tuy nhiên không có tác dụng điều trị nếu bé bị bệnh cong chân thật sự. Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý xoa bóp chân cho con cần nhẹ nhàng và đúng phương pháp, vì nếu không trẻ rất dễ bị tổn thương cơ hoặc xương do được nắn chân quá mạnh hoặc không đúng.

Cách phòng ngừa

Tật chân vòng kiềng ở trẻ có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vấn đề về xương nên cần tránh cho bé mắc các bệnh liên quan đến xương như còi xương, nhuyễn xương bằng cách: Cho bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu, có chế độ bổ sung can xi hoặc vitamin D, tắm nắng cho bé để xương “hấp thu” can xi tốt sẽ chắc khỏe.

Không cho bé tập đi trước tuổi, nên để việc đó diễn ra tự nhiên. Độ tuổi tập đi của trẻ dao động khác nhau, từ 11-24 tháng. Nếu thấy bé chưa có dấu hiệu tập đi thì không nên ép.

Nhiều bậc cha mẹ thích cho con tập đứng từ quá sớm cũng dễ gây cong chân vì lúc này phần trên cơ thể của bé nặng hơn nhiều, sẽ gây áp lực lên xương chân của bé.

Tránh để bé bị béo phì vì tình trạng thừa cân béo phì cũng gây ra quá tải, khiến đùi trẻ khép sát quá, chân sẽ có xu hướng bị cong.

Tập cho bé có dáng đi đẹp

Sau hai tuổi, dáng đi của trẻ đã bắt đầu định hình là dáng đi lúc lớn. Rất nhiều cha mẹ ở Việt Nam hiện nay băn khoăn lo lắng về việc con mình có dáng đi không được đẹp. N

goài mặt thẩm mỹ, dáng đi còn giúp ta nhận diện đó là người có tự tin hay không, những dáng đi hấp tấp hay cúi mặt, không ngẩng đầu thường thể hiện sự thiếu tự tin. Trên thực tế có nhiều bé có dáng đi không được đẹp, cha mẹ có thể quan sát và có cách rèn luyện dáng đi đẹp cho bé thông qua một số trò chơi.

Những dáng đi “không đẹp” phổ biến và hay gặp

  • Đi hai hàng: chân bé đá xa ra hai bên, có những bé vừa kết hợp bị dáng đi hai hàng vừa kiểu nhún gối.
  • Đi nhón chân (nhón gót): bé hầu như đi bằng nửa đầu bàn chân phía trước hoặc đi bằng các ngón chân. Tư thế này vừa không đẹp lại không tạo được bước đi vững chắc vì bé hay chúi về phía trước.
  • Đi chụm gối: trái ngược với dáng đi hai hàng thì một số bé lại đi chụm gối, gối giật mạnh thoe bước đi trong khi hai chân có xu hướng cách xa nhau về phía sau. Những bé có dáng đi như thế này có thể quan sát bằng cách nhìn dưới đế giày dép của bé, thường sẽ hay bị mòn vẹt ở mặt trong của gót giày dép.
  • Đi nhún nhảy: thường gặp ở bé có tính tình hiếu động.

Luyện cho con có dáng đi đẹp

Hãy sử dụng các trò chơi để luyện tập cho bé để tạo sự thu hút chứ đừng gây áp lực đây là các bài tập cho bé.

Đặt các miếng đề can màu sắc nổi bật hoặc các hình vẽ thu hút, kích thước chiều ngang khoảng 20cm dưới sàn nhà, theo một đường thẳng, yêu cầu bé đi theo đường thẳng đó. Để có dáng đi “mỹ miều” cho toàn cơ thể, hướng dẫn bé ngẩng cao đầu cằm song song với mặt đất, giữ lưng thẳng.

Hoặc trong một trò chơi khác, đề nghị bé giữ một cuốn sách trên đầu, đi theo đường thẳng mà không làm rơi cuốn sách.

Ngoài ra bạn cũng có thể cho bé tập các động tác thể dục nhẹ nhàng như vươn vai, chống tay lện hông và nhảy theo nhạc để tạo được thói quen giữ thẳng vai, lưng, hông và đôi chân săn chắc.

Bác sỹ sẽ quyết định cần phải bó bột hay phẫu thuật sắp lại xương cho bé trong trường hợp chân vòng kiềng quá mức. Thường thì dùng phương pháp bó bột, chỉ khi phương pháp này không hiệu quả mới nghĩ đến phẫu thuật. Bác sỹ sẽ bó bột chân bé bằng một cái nẹp để cố định xương, cứ sau một thời gian thì sẽ chỉnh nẹp để giúp xương dần thẳng trở lại.

Chi phí cho một ca như vậy khoảng 4-5 triệu đồng. Thời gian điều trị khoảng 6 tháng cho những trường hợp cong ít và khoảng 1 năm nếu cong nhiều. Thời điểm thực hiện bó bột tốt nhất là khi bé được 4- 5 tuổi, lúc này xương còn mềm và đàn hồi tốt.

Tags:

Bài viết liên quan