Riboflavin, còn được gọi là vitamin B2, là một loại vitamin quan trọng cần thiết cho cơ thể con người. Riboflavin xuất hiện tự nhiên trong một số thực phẩm. Nhưng nếu chỉ thông qua chế độ ăn uống, bạn vẫn có thể bị thiếu hụt vitamin B2.
Công dụng của vitamin B2
Các công dụng đã được chứng minh
Riboflavin là một phần thiết yếu của hai coenzym chính trong cơ thể: flavin mononucleotide (FMN) và flavin adenine dinucleotide (FAD). Những enzyme này có vai trò:
- Tạo ra năng lượng trong cơ thể
- Giúp tăng trưởng và phát triển
- Phân hủy chất béo, thuốc và steroid
Ngoài ra, riboflavin cũng giúp duy trì mức homocysteine bình thường. Mức độ homocysteine cao có liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Và không chỉ vậy, FAD cần thiết để axit amin tryptophan chuyển đổi thành niacin (một dạng vitamin B3) và FMN cần thiết để vitamin B6 chuyển đổi thành enzyme gọi là pyridoxal 5′-phosphate.
Các công dụng đang được nghiên cứu thêm
Một số công dụng của vitamin B2 đối với sức khỏe vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Trong đó, nổi bật nhất chính là hiệu quả của riboflavin đối với bệnh ung thư và chứng đau nửa đầu. Cụ thể:
Phòng ngừa chứng đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu được cho là do rối loạn chức năng ty thể và riboflavin đóng vai trò chính trong chức năng của ty thể. Việc bổ sung vitamin B2 được cho là có thể giúp giảm triệu chứng của cơn đau nửa đầu cũng như giúp phòng ngừa cơn đau tái phát.
Bệnh ung thư
Mặc dù riboflavin đã được nghiên cứu về vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư nhưng không có đủ bằng chứng ủng hộ việc dùng riboflavin liều cao cho mục đích này. Riboflavin cũng không có bất kỳ vai trò nào trong điều trị ung thư (tính đến thời điểm hiện tại).
Một nghiên cứu lớn tập trung vào chất lượng chế độ ăn uống của hơn 386.000 người tham gia đã đánh giá nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Theo đó, những người bổ sung thực phẩm giàu vitamin B2 hơn được cho là có nguy cơ ung thư đại trực tràng thấp hơn. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc hấp thụ riboflavin và nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc bổ sung riboflavin cũng giúp giảm nguy cơ ung thư vú.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đề xuất bổ sung vitamin B2 để phòng ngừa ung thư. Trong khi đó, nên áp dụng chế độ ăn hàng ngày nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
Ai có nguy cơ thiếu vitamin B2?
Thiếu riboflavin thường hiếm gặp ở các nước phát triển nhưng có thể xảy ra trong những trường hợp đặc biệt. Nguyên nhân thiếu vitamin B2 thường là do hấp thụ quá ít chất dinh dưỡng hoặc hấp thu và sử dụng kém một chất dinh dưỡng cụ thể. Những người có chế độ ăn kiêng rất hạn chế có thể không có đủ riboflavin. Sữa, trứng và thịt đều là nguồn cung cấp riboflavin tốt. Những người không tiêu thụ các sản phẩm động vật có thể không nhận đủ riboflavin trong chế độ ăn uống của mình.
Ngoài ra, do riboflavin được hấp thu ở đoạn gần ruột non nên những người đã phẫu thuật cắt bỏ đoạn gần ruột non có thể không hấp thụ đủ riboflavin cần thiết.
Các nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vitamin B2 bao gồm:
- Các vận động viên không dùng sản phẩm động vật
- Những người mang thai và cho con bú không hoặc ít ăn thịt, sữa và các chế phẩm từ sữa
- Những người bị thiếu hụt chất vận chuyển riboflavin, một chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp trong đó riboflavin không thể được hấp thụ và vận chuyển đúng cách
- Những người từng phẫu thuật cắt bỏ đoạn gần ruột non
Một dấu hiệu điển hình của tình trạng thiếu vitamin B2 là nứt da, ngứa hoặc viêm da quanh miệng. Thiếu riboflavin cũng có thể dẫn đến sưng hoặc đau họng, rụng tóc, đỏ mắt,…
Viều điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B2 có thể được thực hiện tốt hơn bằng vitamin tổng hợp nếu nghi ngờ có sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác. Ngoài việc dùng các loại thực phẩm giàu riboflavin, có thể cần phải bổ sung thực phẩm chức năng chứa riboflavin hoặc thậm chí là tiêm tĩnh mạch.
Cần bao nhiêu vitamin B2 hằng ngày?
Việc bổ sung bao nhiêu riboflavin còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của bạn. Chẳng hạn như phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú sẽ cần nhiều riboflavin hơn. Dưới đây là bảng khuyến cáo về hàm lượng riboflavin trung bình một người cần trong một ngày (tính theo đơn vị mg):
Tuổi | Nam | Nữ | Phụ nữ có thai | Đang cho con bú |
0 – 6 tháng | 0,3 | 0,3 | ||
7 – 12 tháng | 0,4 | 0,4 | ||
1 – 3 tuổi | 0,5 | 0,5 | ||
4 – 8 năm | 0,6 | 0,6 | ||
9 – 13 tuổi | 0,9 | 0,9 | ||
14 – 18 tuổi | 1.3 | 1.0 | 1.4 | 1.6 |
19 – 50 tuổi | 1.3 | 1.1 | 1.4 | 1.6 |
Trên 50 tuổi | 1.3 | 1.1 |
Cách bổ sung vitamin B2 cho cơ thể
Thực phẩm giàu vitamin B2
Riboflavin có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, trong đó đặc biệt là:
- Gan bò, thịt bò, thịt gà và cá hồi
- Sữa, sữa chua và phô mai
- Nấm, rau bina và táo
- Yến mạch
- Ngũ cốc ăn sáng
Thực phẩm bổ sung
Bên cạnh việc lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin B2, bạn cũng có thể lựa chọn những loại thực phẩm bổ sung để giúp duy trì hàm lượng riboflavin cần thiết cho cơ thể. Có thể chọn thực phẩm bổ sung chỉ cung cấp riboflavin hoặc các loại thực phẩm bổ sung cung cấp vitamin nhóm B. Ngoài ra, có thể dùng các loại vitamin tổng hợp nếu cơ thể không chỉ thiếu hụt riboflavin.
Giống như hầu hết các vitamin B, riboflavin là một chất dinh dưỡng thiết yếu. Bạn nên cố gắng hấp thụ chất dinh dưỡng (bao gồm cả vitamin B2) thông qua chế độ ăn uống trước tiên. Trứng, sữa, một số loại thịt và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp riboflavin dồi dào. Còn nếu bạn lo lắng về chế độ ăn uống và lượng chất dinh dưỡng hấp thụ, vitamin B2 vẫn có thể được bổ sung bằng cách uống vitamin tổng hợp hàng ngày. Hầu hết các loại vitamin tổng hợp đều chứa riboflavin để giúp bạn tránh được tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin B2.