Kết hôn lần 2 cần có sự can đảm vì luôn có nguy cơ cuộc hôn nhân thứ hai sẽ giống như cuộc hôn nhân đầu tiên của bạn. Kết hôn lần nữa không có nghĩa là bạn không chán nản – có thể bạn vẫn còn hoài nghi và sợ hãi nhưng sẵn sàng vượt qua điều đó vì người mình yêu. Nếu bạn đã dũng cảm bước vào cuộc hôn nhân thứ hai với đầy hy vọng và quyết tâm, hãy chậm lại một vài phút để xem lần này bạn phải đối mặt với những điều gì và làm sao để có thể vượt qua bạn nhé!
Kết hôn lần 2, bạn đã sẵn sàng gác lại quá khứ?
Bí quyết khi kết hôn lần 2 để có cuộc hôn nhân thành công nằm ở việc liệu bạn có thực sự vượt qua được cuộc hôn nhân trước hay không. Đã vài tháng hoặc nhiều năm đã trôi qua kể từ cuộc hôn nhân cuối cùng của bạn và bạn nghĩ rằng mình đã quên hết quá khứ.
Thực ra, thời gian không phải lúc nào cũng đủ để quên đi quá khứ nếu bạn chưa xử lý triệt để những gì đã xảy ra. Điều này giống như bạn đang nhét tất cả những thứ độc hại vào tầng hầm cảm xúc của bạn và hy vọng nó sẽ không bao giờ nổi lên nữa – nhưng những cảm xúc tồi tệ lại xuất hiện và thường vào những thời điểm bất tiện và căng thẳng nhất.
Khi kết hôn lần 2, nếu vợ chồng cãi nhau, bạn sẽ dễ bất giác nhớ lại những lần cãi vã với người chồng cũ. Hay nếu bạn chẳng may phạm phải một sai lầm nào đó, bạn sẽ bắt đầu lo lắng liệu người ấy có vì vậy mà rời xa bạn, như cách người trước đã từng làm.
Cho dù lý do bạn ly hôn là gì, điều cần thiết để kết hôn lần 2 chính là sẵn sàng gác lại quá khứ. Hãy tha thứ cho chính bản thân mình, và cho cả người đã từng chung chăn gối với bạn. Bạn cần quyết định từ bỏ quá khứ của mình và không cho phép những ký ức đau buồn trong cuộc sống hôn nhân trước đây kiểm soát bản thân nữa.
Khi có thể làm được điều này, bạn có thể tập trung hoàn toàn vào việc tạo nên sự thành công cho mối quan hệ của mình với người bạn đời mới, từ đó có cuộc sống an yên hơn khi kết hôn lần 2.
Thử thách con cái trong cuộc hôn nhân tiếp theo
Chắc chắn con cái là một vấn đề phổ biến khác khi bạn kết hôn lần 2. Nhiều tình huống khác nhau có thể xảy ra, bao gồm bạn hoặc một nửa của bạn có con trong khi người kia thì không, hoặc cả hai bạn đều có con.
Dù “biến thể” cụ thể của bạn là gì, bạn cần phải nhớ rằng thường phải mất một thời gian để trẻ chấp nhận bố mẹ mới của mình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể phải mất khoảng 5 năm hoặc hơn để hai gia đình thực sự “hòa hợp”. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian và lên kế hoạch để kết nối giữa con cái và bố mẹ mới.
Tuy nhiên, đừng vì mong muốn con sớm làm quen hay yêu thương người bố, người mẹ mới mà tách con khỏi bố mẹ ruột của mình. Điều này sẽ khiến trẻ càng thêm chán ghét bạn lẫn người bạn đồng hành mới của bạn mà thôi. Hãy thống nhất với chồng cũ của bạn về việc phân bổ thời gian chăm sóc và nuôi dạy con sao cho hợp lý. Và nếu người bạn đời của bạn cũng có con riêng, hãy yêu cầu anh ấy cũng trao đổi và thống nhất với vợ cũ của mình.
Ngoài ra, nếu bạn đang dự tính kết hôn lần 2 và con riêng thật sự là mối lo ngại lớn trong đầu bạn, bạn cần suy nghĩ thấu đáo, tâm sự với một nửa của mình về nguyên nhân khiến bạn lo lắng và thậm chí tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm hơn trước khi thật sự bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân một lần nữa. Sẽ chẳng dễ dàng để chăm sóc, nuôi dạy trẻ nếu không thật sự là đấng sinh thành của trẻ.
Những rắc rối đến từ vợ/chồng cũ khi kết hôn lần 2
Khi kết hôn lần 2, bạn có nhiều nguy cơ đối mặc với những rắc rối đến từ người chồng cũ của mình, hoặc từ vợ cũ của đối phương. Mặc dù hầu hết các cặp vợ chồng đã ly hôn đều cư xử văn minh và tử tế với nhau, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nếu người bạn đời của bạn đã có con riêng, hãy nhớ rằng anh ấy sẽ có nghĩa vụ liên lạc với người vợ cũ để sắp xếp việc đón con và các vấn đề thiết thực khác như chăm sóc, nuôi dạy con. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tủi thân vì mình không hoàn toàn ở trong cuộc sống của anh ấy. Hoặc, bạn cũng có thể cảm thấy ghen tuông vì chồng còn liên lạc với người cũ.
Và hơn hết, những rắc rối đến từ vợ/chồng cũ khi kết hôn lần 2 còn ở việc chồng cũ bỗng dưng quay lại tán tỉnh bạn (hoặc vợ cũ sẽ bỗng dưng cưa cẩm lại chồng bạn một lần nữa). Hay thậm chí, chồng cũ của bạn cũng có thể đe dọa, làm phiền bạn và cả một nửa của bạn nhằm mục đích phá hoại cuộc hôn nhân tiếp theo của bạn.
Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra. Vì thế, trước khi kết hôn lần 2, bạn và người cũ nên trò chuyện, trao đổi và thống nhất với nhau về cuộc sống riêng của cả hai sau ly hôn. Ngoài ra, bạn cũng cần dành thời gian để nói về người ấy của mình về cuộc hôn nhân trước đó cũng như tình trạng của bạn và người cũ ở hiện tại. Người mới hoàn toàn có quyền được biết về tình trạng trước đây để có thể chuẩn bị tinh thần cho những rắc rối đến từ người cũ.
Và dĩ nhiên, nếu người chồng mà bạn sắp kết hôn cũng từng ly hôn, bạn cũng sẽ có nguy cơ đối mặt với những rắc rối đến từ người cũ của anh ấy. Sẽ chẳng có cách nào để ngăn những rắc rối này xảy ra. Nhưng việc tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau có thể giúp hai bạn duy trì tình yêu và hôn nhân mà không bị người cũ ảnh hưởng.
Kết hôn lần 2, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để xây dựng hạnh phúc. Nhưng song song đó, cũng có nhiều rắc rối mà bạn phải đối mặt. Vì thế, hãy suy nghĩ thật kỹ và chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những khó khăn có thể xảy ra bạn nhé.