Trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, đối mặt với thử thách và vượt qua khó khăn là một phần của cuộc hành trình. Tuy nhiên, khi những thách thức đó xuất phát từ sự non nớt của một bên, điều này có thể dẫn đến sự thất vọng, hiểu lầm và khiến vợ chồng ly hôn.
Và khi kết hôn với một người chồng chưa trưởng thành, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn cùng một lúc. Chúng có thể làm lung lay con thuyền hạnh phúc của bạn…
Nỗi khổ khi lấy chồng chưa trưởng thành
Một người chồng chưa trưởng thành thường có đặc điểm là những hành vi và thái độ thường gắn liền với tuổi thiếu niên hoặc thanh niên. Hành vi thiếu chín chắn có thể bao gồm thiếu trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp kém, không có khả năng quản lý cảm xúc hiệu quả và có xu hướng ưu tiên nhu cầu hoặc mong muốn cá nhân hơn sự hạnh phúc của cuộc sống hôn nhân.
Sự non nớt ở người chồng có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Anh ấy có thể là một người thường xuyên trốn tránh trách nhiệm về hành động của mình hoặc hạnh phúc của gia đình. Hành vi này có thể biểu hiện ở việc bỏ bê công việc gia đình, nghĩa vụ tài chính hoặc nhu cầu tình cảm của bạn. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang đơn độc trong cuộc hôn nhân của chính mình.
Và một người chồng chưa trưởng thành thường không có khả năng hoặc không sẵn lòng giao tiếp một cách hiệu quả. Anh ấy không lắng nghe nhu cầu của bạn, tránh những cuộc trò chuyện nghiêm túc hoặc dùng đến sự im lặng hoặc rút lui thay vì giải quyết xung đột.
Khi kết hôn với một người chồng chưa trưởng thành, bạn cũng có cảm giác như mình đang có thêm một người con trai. Anh ấy có những hành động bốc đồng mà không cân nhắc đến hậu quả và bạn phải là người đau đầu giải quyết những vấn đề này. Anh ấy thiếu sự đồng cảm và chia sẻ với bạn, dễ tức giận vì không có khả năng quản lý cảm xúc của mình.
Đặc biệt, một người chồng chưa trưởng thành cũng rất phụ thuộc vào người bạn đời của mình. Anh ấy dựa dẫm hoàn toàn vào bạn, hay thậm chí là dựa dẫm vào cả bố mẹ, anh chị của anh ấy. Anh ấy giao phó tất cả cuộc sống của mình cho mọi người mà không cần quan tâm đến mọi thứ.
Vì thế, khi ở bên một người chồng chưa trưởng thành, bạn không chỉ là một người vợ, mà đôi khi còn phải lo lắng và chăm sóc cho anh ấy như một người chị, một người mẹ.
Làm sao khi chẳng may kết hôn cùng một người đàn ông chưa chịu lớn
Duy trì mối quan hệ với một người chồng chưa trưởng thành có thể là một thách thức. Làm cách nào để đối phó với một người chồng mãi chẳng lớn?
Giao tiếp cởi mở và trung thực
Hãy trao đổi một cách thẳng thắn và không phán xét. Thảo luận cởi mở về cảm xúc và mối quan tâm của bạn cũng như khuyến khích chồng bạn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của anh ấy.. Giao tiếp hiệu quả là nền tảng để hiểu quan điểm của nhau và cùng hướng tới các mục tiêu chung.
Đặt kỳ vọng rõ ràng và thực tế
Trình bày rõ ràng những kỳ vọng của bạn về hành vi, trách nhiệm và định hướng trong cuộc sống hôn nhân. Bạn và chồng cần cùng nhau thảo luận về những kỳ vọng này và thống nhất về những mục tiêu có thể đạt được.
Đặt ra những kỳ vọng thực tế giúp giảm thiểu những hiểu lầm và đưa ra lộ trình rõ ràng để phát triển và cải thiện. Một người chồng chưa trưởng thành khi hiểu được những kỳ vọng, dự định của bạn có thể sẽ phần nào ý thức hơn về trách nhiệm và về những gì mình cần phải làm, phải thay đổi để đạt được những kỳ vọng này.
Hạn chế làm giúp chồng khi chồng nhờ vả
Nếu bạn đang chung sống với một người chồng chưa trưởng thành, bạn cần phải học cách nói “KHÔNG” với mọi lời nhờ vả từ anh ấy. Ban đầu chồng có thể không quen và khó chịu, dẫn đến việc vợ chồng cãi nhau. Tuy nhiên, việc bạn liên tục làm giúp chồng một điều gì đó sẽ càng làm tăng sự lệ thuộc của anh ấy.
Để khuyến khích chồng tự làm, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, có thể bắt đầu bằng việc nhỏ như để anh ấy tự cho quần áo dơ vào máy giặt, tự giặt tất chân. Nếu chồng không làm và nhà cửa bừa bộn hơn, bạn cũng hãy cố gắng mặc kệ và lơ đi.
Sau khi “rèn” những việc nhỏ, để giúp một người chồng chưa trưởng thành có thể “lớn”, bạn cần đưa ra cho anh ấy những trách nhiệm của anh ấy trong gia đình, về mặt tài chính và nuôi dạy con cái,… Cần để chồng ý thức được rằng anh ấy là một phần của gia đình và anh ấy cần chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình cũng như tình yêu và hôn nhân mà anh ấy đã chọn lựa.
Thiết lập ranh giới
Với một người chồng chưa trưởng thành, bạn cần xác định ranh giới rõ ràng về hành vi nào được chấp nhận và hành vi nào không. Ranh giới rất quan trọng để duy trì sự tôn trọng trong mối quan hệ. Cùng nhau thảo luận và thống nhất về những ranh giới này, đảm bảo chúng được tôn trọng và duy trì.
Kiên nhẫn và khen ngợi
Sự thay đổi cần có thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đừng nổi cáu hay quát nạt, lớn tiếng nếu người chồng chưa trưởng thành của bạn chẳng thể như ý bạn chỉ trong vài ngày. Sự thay đổi về thói quen, tính cách của một người có thể mất vài tháng đến vài năm.
Và thay vì bày tỏ thái độ khó chịu do chồng chưa trưởng thành, bạn hãy tôn vinh sự tiến bộ của anh ấy, dù sự tiến bộ này nhỏ đến đâu đi chăng nữa. Sự kiên nhẫn và thấu hiểu là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ hành trình trưởng thành của chồng bạn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Đôi khi, sự hỗ trợ từ bên ngoài là cần thiết để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn góp phần tạo nên việc chồng chưa trưởng thành. Bạn có thể tâm sự với mẹ chồng để gia đình chồng cùng đồng lòng nói không trong việc hỗ trợ anh ấy. Khi không có bất kỳ một ai để phụ thuộc, anh ấy sẽ hiểu đã đến lúc mình thật sự cần phải “lớn”.
Lấy một người chồng chưa trưởng thành có thể cay đắng trăm bề. Những giải pháp trên cũng chỉ là những gợi ý cơ bản. Tùy theo từng hoàn cảnh cá nhân mà bạn có thể cân nhắc điều chỉnh. Và đừng quên dù cho có chuyện gì đi chăng nữa thì vẫn phải yêu thương bản thân mình. Nếu làm hết mọi cách nhưng việc chồng chưa trưởng thành chẳng thể thay đổi, hãy suy nghĩ xem liệu có còn nên ở lại trong mối quan hệ này hay không bạn nhé!