Dậy thì sớm ở bé trai khiến bố mẹ lo lắng vì những ảnh hưởng đến con. Cụ thể, những ảnh hưởng này là gì? Làm sao để biết dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai và nếu con có dấu hiệu dậy thì sớm thì cần làm gì?
Dậy thì là gì? Như thế nào là dậy thì sớm?
Định nghĩa dậy thì
Dậy thì là một quá trình liên tục bắt đầu từ giai đoạn trước tuổi dậy thì cho đến khi đạt được sự trưởng thành hoàn toàn về sinh dục, thông qua sự tương tác và kết hợp về mặt sinh học, thể chất và tâm lý. Các thay đổi về thể chất xảy ra ở giai đoạn này khiến cơ thể của trẻ phát triển thành một cơ thể trưởng thành có khả năng sinh sản.
Như thế nào là dậy thì sớm?
Dậy thì sớm là những biểu hiện về mặt thể chất ở trẻ bắt đầu thay đổi thành cơ thể của người lớn sớm hơn bình thường. Hiện tượng này bao gồm sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ, những thay đổi về hình dạng và kích thước cơ thể, khả năng sinh sản… Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi có dấu hiệu dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
Nguyên nhân của dậy thì sớm rất đa dạng và có đến 90% trường hợp không tìm được nguyên nhân cụ thể. 25% trường hợp có liên quan đến yếu tố gia đình. Hiện nay, phương pháp điều trị dậy thì sớm phổ biến là dùng thuốc để trì hoãn tốc độ dậy thì.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai
Ở bé trai, dấu hiệu dậy thì sớm trước 9 tuổi bao gồm:
- Sự phát triển nhanh về kích thước tinh hoàn và/hoặc dương vật
- Tăng trưởng chiều cao nhanh chóng (tăng trưởng đột ngột)
- phát triển lông nách và/hoặc lông mặt, lông ở bộ phận sinh dục
- Giọng nói trầm hơn
- Mụn
- Có mùi cơ thể
Dậy thì sớm ở bé trai và những ảnh hưởng với trẻ
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ dậy thì trước các bạn cùng trang lứa có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn. Và sức khỏe thể chất, sự phát triển của trẻ cũng bị ảnh hưởng nếu trẻ dậy thì quá sớm.
Chiều cao thấp
Khi tuổi dậy thì kết thúc, quá trình tăng trưởng chiều cao cũng dừng lại. Việc dậy thì sớm ở bé trai khiến ban đầu trẻ trông có vẻ như phát triển nhanh và cao hơn những trẻ khác cùng tuổi. Nhưng xương của trẻ trưởng thành quá sớm nên trẻ cũng ngừng phát triển sớm hơn bình thường.
Nếu không có phương pháp dinh dưỡng, tập thể dục và chăm sóc sức khỏe đúng cách thì việc dậy thì sớm ở bé trai này có thể khiến trẻ có chiều cao thấp hơn mức trung bình so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành.
Góc nhìn khác từ xã hội
Điều gì khiến việc trưởng thành sớm trở nên khó khăn đến vậy? Khi trẻ dậy thì sớm, cách trẻ hành động và suy nghĩ không phải lúc nào cũng giống với vẻ ngoài của trẻ. Những đứa trẻ và người lớn khác có thể đưa ra những giả định sai lầm về khả năng của trẻ dậy thì sớm.
Những đứa trẻ dậy thì sớm có mức độ phát triển nhận thức, xã hội và cảm xúc hoàn toàn phù hợp với độ tuổi của mình. Nhưng về mặt thể chất, trẻ có thể trông cao to hơn, già hơn. Sự không phù hợp này được cho là nguyên nhân chính của những khó khăn mà trẻ sẽ phải đối diện.
Khi trẻ trông có vẻ lớn hơn, mọi người sẽ kỳ vọng ở trẻ nhiều hơn. Việc trẻ không thực hiện đúng so với kỳ vọng của mọi người sẽ vô tình khiến mọi người chỉ trích trẻ và tạo nên những áp lực đối với trẻ.
Dậy thì sớm, căng thẳng sớm
Tình trạng dậy thì sớm ở bé trai có thể gây nên những vấn đề về mặt tâm lý với trẻ. Cụ thể, những đứa trẻ dậy thì sớm sẽ dễ bị căng thẳng, áp lực hơn và có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, xấu hổ hoặc bị bạn bè trêu chọc. Bên cạnh đó, những thay đổi về cơ thể và cả về tâm lý cũng dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng. Điều này đã vô tình khiến trẻ trở nên căng thẳng hay thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực, chán ghét cơ thể chính mình.
Ảnh hưởng đến kết quả học tập
Những bất ổn về tâm lý, cảm xúc chính là rào cản khiến trẻ khó có thể tập trung vào việc học. Nếu không được can thiệp và cải thiện kịp thời thì trẻ sẽ không thể tiếp thu bài vở và tập trung vào học tập như trước. Điều này sẽ kéo kết quả học tập của trẻ đi xuống và thậm chí, trẻ còn có thể muốn nghỉ học, không đến lớp,…
Nguy cơ tiếp xúc với những “yếu tố độc hại” cao
Tình trạng dậy thì sớm ở bé trai khiến trẻ thay đổi về tâm sinh lý, có nhiều nhu cầu tìm hiểu các vấn đề sinh lý, muốn chứng tỏ bản thân, muốn được “làm người lớn”,…
Nếu trẻ không được bố mẹ và thầy cô hướng dẫn đúng cách thì sẽ dễ nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu và thử những điều độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí những tác hại này sẽ trở thành “bóng ma” ám ảnh tâm lý trẻ suốt đời.
Xem thêm: Cùng tìm hiểu nguyên nhân và hướng điều trị cho trẻ dậy thì sớm
Điều trị dậy thì sớm ở bé trai như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị dậy thì sớm là ngăn chặn hoặc có thể đảo ngược quá trình bắt đầu dậy thì sớm ở bé trai. Việc điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào loại dậy thì sớm mà trẻ mắc phải và nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng dậy thì sớm là gì.
Tùy theo nguyên nhân mà có 2 phương pháp điều trị:
- Điều trị nguyên nhân hoặc bệnh cơ bản
- Hạ thấp mức độ hormone giới tính cao bằng thuốc để ngăn chặn sự phát triển tình dục
Đôi khi, việc điều trị một vấn đề sức khỏe liên quan có thể ngăn chặn tình trạng dậy thì sớm ở bé trai. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, tình trạng dậy thì sớm ở bé trai không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nên việc điều trị thường liên quan đến liệu pháp hormone để ngăn chặn sự phát triển giới tính.
Phương pháp điều trị bằng hormone hiện đã được phê duyệt là sử dụng các loại thuốc gọi là chất tương tự LHRH. Những hormone tổng hợp (nhân tạo) này ngăn chặn cơ thể sản xuất các hormone giới tính gây dậy thì sớm. Kết quả tích cực thường được nhìn thấy trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu điều trị. Các chất tương tự LHRH nói chung là an toàn và thường không gây ra tác dụng phụ ở trẻ em.
Khi điều trị dậy thì sớm ở bé trai bằng liệu pháp hormone, dương vật và tinh hoàn có thể co lại về kích thước như mong đợi ở độ tuổi của trẻ. Sự tăng trưởng chiều cao cũng sẽ chậm lại ở mức dự kiến ở trẻ trước tuổi dậy thì. Hành vi của trẻ cũng thường trở nên phù hợp với lứa tuổi hơn.
Bố mẹ có thể giúp đỡ như thế nào?
Nếu nhận thấy những dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai, nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám. Nếu trẻ thật sự gặp phải tình trạng này, hãy cho con bạn một lời giải thích đơn giản, trung thực về những gì đang xảy ra. Giải thích rằng những thay đổi này là bình thường đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, nhưng cơ thể của trẻ bắt đầu phát triển hơi sớm.
Xem thêm: Bố mẹ biết gì về chế độ ăn cho trẻ dậy thì sớm?
Sau đó, đừng quên trấn an trẻ rằng mọi việc sẽ ổn và không có gì quá nghiêm trọng bởi trẻ đang được bố mẹ và các bác sĩ chăm sóc, đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất với trẻ và nhấn mạnh việc bố mẹ, gia đình sẽ luôn đồng hành cùng con.
Ngoài ra, hãy chú ý các dấu hiệu cho thấy việc trêu chọc hoặc các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Các dấu hiệu cảnh báo phổ biến cần thảo luận với bác sĩ bao gồm:
- Điểm kém
- Vấn đề ở trường như thường xuyên cãi nhau với thầy cô hoặc bạn bè, không làm bài tập, không hợp tác với thầy cô,…
- Mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày
- Trầm cảm
Đặc biệt, bố mẹ nên tránh đưa ra nhận xét về ngoại hình của trẻ mà thay vào đó, nên dành thời gian để tâm sự, trò chuyện với con nhiều hơn, giúp con vượt qua giai đoạn này.
Dậy thì sớm ở bé trai có thể gây nên những ảnh hưởng đối với trẻ. Hãy chú ý đến sự thay đổi để nhận ra trẻ dậy thì sớm và có cách can thiệp kịp thời, bố mẹ nhé!