Mẹ&Con – Không gì khủng khiếp hơn khi nghe bác sĩ thông báo với bạn điều đó. Thai lưu nghĩa là thai bị chết nhưng vẫn nằm “lưu” trong tử cung người mẹ. Đáng sợ hơn, thai lưu là dấu hiệu cảnh báo quan trọng vì có nguy cơ bạn sẽ gặp biến chứng lần sau.

Hãy nghĩ đến tình trạng thai lưu nếu thấy bụng không to thêm hoặc thai ngừng máy, đạp.

SAO CHUYỆN ĐAU LÒNG ẤY LẠI XẢY RA?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thai lưu (một số người còn gọi là lưu thai hoặc thai chết lưu…). Một cách tổng quát nhất, có thể chia ra thành ba nhóm nguyên nhân chính: từ phía người mẹ (5-10% trường hợp), từ phía đứa con (25-40% trường hợp), và những nguyên nhân khác.

Người mẹ có thể bị thai lưu nếu chẳng may gặp phải những bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus trong chín tháng thai kỳ, ví dụ như viêm gan B, thủy đậu, Rubella… Ngoài ra, nếu mẹ có bệnh cao huyết áp, tiểu đường nhưng lại không được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn đến thai lưu. Một số nguy cơ thường gặp khác nữa là do mẹ bị chấn thương, sử dụng ma túy hay tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Về phía thai nhi, nếu thai nhi gặp phải những trường hợp như bị bất thường về nhiễm sắc thể, thai bị dị dạng, do bị nhiễm trùng trong bụng mẹ…cũng có thể dẫn đến thai lưu. Nhóm nguyên nhân cuối cùng thường là do tình trạng bất thường dây rốn (dây nhau quấn cổ, thắt nút), đa ối, thiểu ối, nhiễm trùng ối… gây ra. Thậm chí, có trường hợp, do thai phụ tùy tiện uống các loại thuốc Bắc, thuốc Nam (đôi khi vì mục đích bồi bổ sức khỏe), nhưng trong thuốc Bắc, thuốc Nam có chất lạ ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi.

Rất tiếc, tỷ lệ thai lưu hiện nay vẫn khá cao. Thai lưu tạo nên một tâm lý còn đáng sợ hơn sảy thai vì đôi khi người mẹ không hề biết, vẫn “chung sống” với bào thai đã chết đến khi phát hiện. Điều này dễ tạo nên những cú sốc tâm lý cho bà mẹ khi được báo tin và dễ gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện, lấy thai ra sớm.

Biến chứng thai nghén: Thai lưu

(Ảnh minh hoạ)

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN THAI LƯU?

Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, người mẹ nên đặc biệt chú ý đến đứa con trong bụng của mình, quan sát từng thay đổi nhỏ của cơ thể, khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ và hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Bởi, ở giai đoạn này, các dấu hiệu chứng tỏ thai lưu rất mơ hồ, không rõ ràng nên chỉ cần chút ít lơ là, người mẹ sẽ không nhận ra.

Bạn nên chú ý, kể từ khi xác định chính thức mình đã có thai, nếu thấy ra máu ở âm đạo (dù rất ít), đặc biệt máu khá sẫm, nên báo ngay cho bác sĩ biết. Ngoài ra, nếu thấy các dấu hiệu nghén của mình giảm đi (tức là ban đầu có nghén nhưng sau đó đột ngột hết hẳn), bụng không thấy to lên cũng nên nghĩ đến thai lưu.

Vào giai đoạn gần cuối thai kỳ, bạn cũng nên chú ý nếu “bất thần” không thấy con đạp, máy nữa. Tử cung xuất hiện những cơn co nhẹ. Bụng không lớn lên, thậm chí còn… nhỏ dần đi. Đặc biệt, nếu thấy ra máu đen ở âm đạo, ngực căng và ra sữa non cũng phải lập tức nghĩ đến những nguy cơ này. Bạn cần lưu ý là từ tháng thứ 8, thai nhi có phản xạ đạp vào bụng mẹ từ 15-20 lần/ngày. Nên chú ý “đếm” số lượng lần đạp này, nếu thấy ít bị bé đạp thì nên đi khám ngay để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh.

Riêng ở bệnh viện, nếu bạn đi khám thai thường xuyên, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán thai lưu nhanh và chính xác hơn dựa trên một số dấu hiệu như: không thấy hoạt động của tim thai (ở tuổi thai sau 8 tuần), hình ảnh túi ối không tương xứng với tuổi thai, bờ túi ối không đều (giai đoạn sớm hơn 8 tuần).

Tuy nhiên, dù “báo trước” đầy đủ các dấu hiệu đó nhưng không ít thai phụ vẫn hoàn toàn bất ngờ khi được bác sĩ cho biết bị thai lưu vì không thấy dấu hiệu nào “lạ” như vậy cả. Điều này chính là một trong những điểm nguy hiểm ở thai lưu: có thể không có dấu hiệu báo trước! Chính vì vậy, càng phải nhắc lại rằng việc thăm khám thường xuyên trong quá trình mang thai là cần thiết. Một số trường hợp, khi người mẹ khám kịp thời, bác sĩ phát hiện thấy có bất thường và thai đến ngày sinh thì có thể can thiệp kịp để cho thai ra đời luôn.

BẠN CẦN LÀM GÌ NẾU GẶP BIẾN CHỨNG ĐÓ?

Không giống như sẩy nghĩa là thai có thể còn sống hoặc chết nhưng bị đẩy ra ngoài, thai lưu là khi thai đã chết nhưng vẫn “nằm” yên trong tử cung người mẹ. Để thai lưu ở lâu trong bụng mẹ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, rối loạn đông máu… Ngoài ra, hầu hết các bà mẹ khi biết chuyện đau lòng này thường có xu hướng muốn lấy thai ra càng nhanh càng tốt (vì thật xót xa khi con vẫn còn trong người mình nhưng đã chết). Tuy vậy, bạn cần biết rằng để việc lấy thai ra an toàn cho người mẹ, các bác sĩ sẽ không vội vàng lấy ngay mà cần làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, theo dõi, đề phòng các tai biến…

Nên “xử sự” như thế nào với thai lưu? Câu trả lời là với bất kỳ lần mang thai nào, bạn cũng cần làm đầy đủ xét nghiệm, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, báo với bác sĩ trong quá trình thăm khám mọi dấu hiệu bất thường (huyết áp, ra máu…) để có hướng ngăn ngừa cẩn thận từ đầu. Trong trường hợp chẳng may đã bị thai lưu một lần, việc ngăn ngừa này còn phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn với lần mang thai tiếp theo.

Thai chết lưu trong trường hợp quá non (1-2 tháng) có thể tự tiêu biến đi mà chính người mẹ đôi khi cũng không biết mình đã có thai. Nếu lớn hơn, bác sĩ sẽ tùy trường hợp để giúp thai phụ đưa thai ra ngoài bằng cách làm sẩy hoặc sinh như ca sinh bình thường. Trường hợp nguy hiểm nhất là ối bị vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Qua nơi màng ối rách, vi khuẩn sẽ vào buồng ối và dạ con, gây nhiễm khuẩn trầm trọng, nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ. Mẹ có thể bị rối loạn đông máu hay băng huyết nặng trong khi sảy hoặc sinh.

Khi không may xảy ra thai chết lưu, người mẹ cần nghỉ ngơi ít nhất 6 tháng để phục hồi sức khỏe và tâm lý rồi mới nên tiếp tục có thai. Không nên quá hốt hoảng, sợ hãi hay đau buồn. Mọi cú sốc tâm lý đều không tốt cho bạn lúc này. Nên bình tĩnh theo các xử lý của bác sĩ để cho thai ra một cách thích hợp, an toàn. Sau đó, cần dành nhiều thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, vượt qua cú sốc.

Tags:

Bài viết liên quan