Có nên cho con ăn theo chế độ ăn kiêng giảm cân không? Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng 2,2 lần so với 2010, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Việc thừa cân, béo phì không chỉ đơn giản là ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn tác động xấu tới sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của trẻ. Trước tình trạng này, nhiều cha mẹ đang phân vân liệu có nên cho con theo chế độ ăn kiêng giảm cân hay không.
Việc muốn con mình có một thân hình cân đối, khỏe mạnh và hạnh phúc là mong muốn rất hiển nhiên. Tuy nhiên, liệu vì thế mà áp dụng chế độ ăn kiêng giảm cân cho trẻ nhỏ liệu có thực sự an toàn? Mời bạn cùng tìm hiểu sự thực trong bài viết sau.
Những chế độ ăn kiêng giảm cân phổ biến
Chế độ ăn kiêng giảm cân là kiểu chế độ ăn hạn chế lượng calo hoặc một số loại thực phẩm nhất định. Đây là một số chế độ ăn kiêng phổ biến mà cha mẹ có thể từng nghe nói:
Chế độ ăn kiêng giảm cân keto
Keto là chế độ ăn kiêng giảm cân khắt khe đã được nhiều người áp dụng. Trong đó, lượng carbohydrate nạp vào chỉ chiếm khoảng 5% lượng calo hàng ngày, trong khi protein chiếm 20% và chất béo chiếm 75%.
Chế độ ăn Keto cũng nhằm mục đích khiến cơ thể vào trạng thái ketosis, tức là đốt cháy chất béo để tạo ra các chất gọi là ketone, là nguồn năng lượng thay thế cho glucose từ carbohydrate.
Chế độ ăn kiêng giảm cân Atkins
Chế độ ăn kiêng giảm cân này tập trung cắt giảm lượng carbohydrate, như bánh mì, gạo, mì, khoai tây… và tăng lượng protein, chất béo, như thịt, trứng, bơ, phô mai… Mục tiêu của Atkins là buộc cơ thể chuyển sang chế độ đốt cháy chất béo thay vì carbohydrate để tạo năng lượng.
Chế độ ăn thực vật
Theo đó, người ăn ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như rau, củ, quả, hạt, đậu, gạo… và hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn thực phẩm gốc động vật, như thịt, cá, trứng, sữa, phô mai… Bạn sẽ giảm cân bằng cách giảm lượng calo, chất béo bão hòa và cholesterol, đồng thời tăng lượng thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Chế độ ăn detox
Detox là tên gọi chung cho các chế độ ăn giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ chất độc, chất béo dư thừa. Detox dựa trên việc uống nước ép trái cây, nước lọc, trà thảo mộc, nước chanh mật ong… và hạn chế hoặc không ăn các loại thực phẩm qua nhiều bước chế biến, hạn chế gia vị, cà phê, rượu…
Có nên cho trẻ theo chế độ ăn kiêng giảm cân?
Trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này là: Không nên.
Vì sao không nên cho trẻ ăn kiêng?
Cho trẻ ăn theo chế độ ăn kiêng giảm cân là một ý tưởng không tốt vì nhiều lý do như sau:
- Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, cần đủ dinh dưỡng để tăng trưởng về chiều cao, cân nặng, não bộ và hệ miễn dịch. Nếu ăn theo chế độ ăn kiêng giảm cân, trẻ sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất… Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như suy dinh dưỡng, chậm lớn, rối loạn kinh nguyệt, loãng xương, rối loạn tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, mệt mỏi, chán ăn…
- Trẻ em còn chưa có khả năng tự quản lý và lựa chọn thực phẩm cho mình. Việc ăn kiêng này, do đó, hoàn toàn là do người lớn áp đặt lên trẻ. Điều này có thể khiến trẻ thấy khó chịu, bất mãn cũng như có thể bị cô lập, trêu chọc, kỳ thị khi phải ăn khác với bạn bè xung quanh.
- Thói quen ăn uống và quan niệm về cơ thể ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa hoàn thiện. Khi ăn kiêng, trẻ có thể hình thành những thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá nhiều, ăn quá ít, ăn lén… Đồng thời, con có thể bị ám ảnh với cân nặng, tự ti, xấu hổ vì vẻ ngoài, luôn so sánh với người khác, ghét bản thân… Đây là những hậu quả nguy hiểm vì chúng không thể hiện rõ ra ngoài để cha mẹ kịp thời hỗ trợ điều chỉnh.
- Con có thể không còn thấy thoải mái và tin tưởng cha mẹ. Trẻ em cần được tôn trọng và được yêu thương vì con là chính con. Cha mẹ khi ép trẻ ăn kiêng thường không khỏi tránh được những lúc la mắng, chê trách, bắt ép con phải theo ý người lớn. Điều này sẽ khiến trẻ sợ hãi, lo lắng, hoặc bất mãn, nổi loạn.
Trường hợp nào trẻ nên ăn kiêng, ăn giảm cân?
Trên đây là những lý do vì sao không nên cho trẻ theo chế độ ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, trẻ vẫn sẽ cần được điều chỉnh chế độ ăn:
- Trẻ có bệnh lý liên quan đến chế độ ăn uống, như tiểu đường, dị ứng, bệnh gan, bệnh thận, bệnh tim mạch… Trong trường hợp này, trẻ cần được theo dõi và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp nhất.
- Trẻ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao quá nhiều và gây ra vấn đề sức khỏe và tâm lý nghiêm trọng cho trẻ. Lúc này, trẻ sẽ cần chế độ ăn kiêng giảm cân để lấy lại chỉ số bình thường. Tuy nhiên, trường hợp này cũng cần có chuyên gia dinh dưỡng theo dõi sát sao và cha mẹ cũng cần biết cách hỗ trợ trẻ hiệu quả.
Nếu không cho con ăn kiêng thì nên làm gì?
Nếu trẻ không thuộc hai trường hợp đặc biệt trên, thì cha mẹ không nên cho con ăn kiêng giảm cân. Thay vào đó, cha mẹ nên làm những điều sau đây để giúp con có một cơ thể khỏe mạnh và hạnh phúc:
- Chuẩn bị bữa ăn đủ chất, đủ lượng cho gia đình. Đồng thời, cần có kỷ luật ăn uống phù hợp: Không ăn vặt, không vừa ăn vừa xem điện thoại…
- Khuyến khích trẻ vận động thể chất.
- Thể hiện sự tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương con. Cha mẹ cần hiểu rằng mỗi trẻ có cơ địa riêng, tuyệt đối không so sánh con với người khác. Điều quan trọng là xây dựng được lòng yêu bản thân (cơ thể) ở trẻ mà không phải ép buộc, hạ nhục, chỉ trích con.
Trẻ béo phì, thừa cân là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được quan tâm và giải quyết. Tuy nhiên, cho trẻ theo chế độ ăn kiêng giảm cân không phải là giải pháp an toàn, hiệu quả thực sự. Thay vào đó, cha mẹ nên tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất.