Bị đau ở phía bên phải của bụng là tình trạng tương đối phổ biến và thường không phải là dấu hiệu của điều gì quá nghiêm trọng. Cơn đau bụng bên phải có thể là dấu hiệu của đầy hơi hoặc khó tiêu và có xu hướng tự khỏi trong vòng vài ngày.
Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc dai dẳng thì nguyên nhân gây ra cảm giác khó chịu có thể là một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Những cơ quan nào ở bên phải bụng của bạn?
Để hiểu nguyên nhân gây đau bụng bên phải, trước tiên bạn cần biết các bộ phận cơ thể ở khu vực này là gì. Cụ thể, các cơ quan chính nằm ở vị trí bụng phải trong cơ thể con người gồm có:
- Gan: Nằm ngay dưới lồng xương sườn và có kích thước bằng một quả bóng đá, gan giúp tiêu hóa và lọc máu.
- Túi mật: Túi mật nằm sát dưới gan, dưới bờ sườn phải. Đây là một cơ quan nhỏ, hình quả lê, chứa mật, một chất lỏng cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
- Tuyến tụy: Chìa khóa cho quá trình tiêu hóa và điều hòa lượng đường trong máu, tuyến tụy trải dài khắp vùng bụng bên dưới gan.
- Tá tràng: Phần ruột non này là một ống nối với dạ dày. Tá tràng hỗ trợ tiêu hóa bằng cách trộn thức ăn với mật và dịch tiêu hóa.
- Thận phải: Nằm dưới cơ hoành và phía sau gan, thận phải có hình hạt đậu, cùng với thận trái, giúp lọc máu cũng như thải chất thải và chất lỏng dư thừa để tạo ra nước tiểu.
- Đại tràng: Đại tràng là một phần của ruột già, xuất phát từ manh tràng (túi gần nơi nối ruột non và ruột già) trước khi uốn sang trái để đi qua bụng.
- Ruột thừa: Nối với ruột già, ruột thừa là một ống nhỏ, mỏng. Chức năng của ruột thừa trong cơ thể vẫn chưa được kết luận chính xác.
- Buồng trứng phải: Buồng trứng là một cặp tuyến hình bầu dục trong hệ thống sinh sản nữ nằm ở hai bên tử cung. Buồng trứng sản xuất và lưu trữ trứng của bạn.
- Ống dẫn trứng phải: Ống dẫn trứng là một cặp ống trong hệ thống sinh sản nữ nằm ở hai bên tử cung. Đây là những ống trứng di chuyển xuống khi đi từ buồng trứng đến tử cung.
Nguyên nhân gây đau bụng bên phải là gì?
Đau bụng bên phải phát sinh khi các dây thần kinh trong các cơ quan gửi tín hiệu đau đến não. Một loạt các tình trạng – từ các vấn đề nhỏ về tiêu hóa đến các bệnh nghiêm trọng – đều có thể gây ra tình trạng này.
Đầy hơi chướng bụng
Một nguyên nhân phổ biến và thường vô hại gây đau bụng bên phải là sự do đầy hơi, chướng bụng. Đầy hơi hoặc cảm giác bụng đầy và chướng có thể gây đau.
Có nhiều nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng, chẳng hạn như nuốt không khí do ăn quá nhanh, nhai kẹo cao su hoặc uống đồ uống có ga; sự phân hủy carbohydrate khó tiêu ở ruột non; không dung nạp Lactose; rối loạn tiêu hóa; vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non;…
Táo bón
Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị đau bụng bên phải. Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản nhất chính là cố gắng uống nhiều nước và bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ.
Xem thêm: Đừng xem thường những cơn đau bụng dưới bên trái bạn nhé!
Khó tiêu
Một nguyên nhân khác gây đau bụng bên phải là chứng khó tiêu. Đây là một nhóm các triệu chứng phát sinh sau khi ăn. Cùng với cơn đau bụng, chứng khó tiêu có thể gây nóng rát ở ngực, đầy bụng khi ăn hoặc cảm giác khó chịu sau khi ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp triệu chứng ợ hơi và buồn nôn.
Khó tiêu có thể xảy ra do uống quá nhiều rượu, cà phê hoặc đồ uống có ga; ăn quá nhanh; ăn quá nhiều đồ ăn cay, béo hoặc nhiều dầu mỡ; ăn thực phẩm có tính axit cao, chẳng hạn như cà chua và cam quýt; trải qua căng thẳng; hút thuốc; dùng một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID); có các vấn đề sức khỏe về đường tiêu hóa, chẳng hạn như viêm dạ dày hoặc trào ngược axit dạ dày;…
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa có thể gây đau bụng bên phải. Cơn đau ngày càng dữ dội hơn theo thời gian là một trong những dấu hiệu đầu tiên của viêm ruột thừa. Khi bị đau ruột thừa, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: buồn nôn, nôn mửa, sốt,…
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu di chuyển từ bàng quang đến thận. Nhiễm trùng thận và các bệnh nhiễm trùng tiểu khác có thể do vi khuẩn gây ra. Ngoài đau bụng bên phải, các triệu chứng khi bị nhiễm trùng thận bao gồm ớn lạnh, sốt và đau rát khi đi tiểu.
Sỏi thận
Sỏi thận xảy ra khi một chất rắn, kết tinh hình thành trong thận. Những viên sỏi đôi khi có thể thoát ra khỏi cơ thể mà không gặp sự cố gì. Tuy nhiên, nếu sỏi chặn đường tiết niệu và nước tiểu, bạn có thể bị đau bụng bên phải và đau lưng. Cơn đau có thể ngắn hoặc kéo dài nhiều giờ hay đau thành từng cơn.
Các triệu chứng khác của sỏi thận bao gồm: đi tiểu có lẫn máu, sốt, ớn lạnh, nôn mửa, nóng rát khi đi tiểu,…
Sỏi mật
Sỏi mật có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu sỏi mật làm tắc ống mật của túi mật, tình trạng này có thể dẫn đến viêm túi mật gây đau bụng bên phải. Cơn đau có thể kéo dài vài giờ và có xu hướng xuất hiện sau khi ăn hoặc vào buổi tối.
Buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh, vàng da và mắt, phân nhạt màu và màu nước tiểu chuyển sang nâu sẫm là những triệu chứng khác của sỏi mật mà bạn có thể gặp phải.
Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Bệnh gây viêm ở đường tiêu hóa. Khi ruột non hoặc đại tràng bị ảnh hưởng, những cơn đau bụng bên phải có thể sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải bao gồm: buồn nôn, chuột rút, phân có máu, sụt cân và mệt mỏi.
Đau bụng kinh
Phụ nữ đang trong “ngày dâu” hoặc trước đó vài ngày có thể cảm thấy đau nhói ở vùng bụng dưới cùng với triệu chứng đau lưng, chuột rút,… Tùy theo cơ địa mỗi người mà cơn đau bụng kinh có thể âm ỉ hoặc đau dữ dội.
Rụng trứng
Trong số những phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, 20% sẽ bị đau bụng bên dưới rốn trong quá trình rụng trứng. Bạn có thể bị đau bụng bên phải hoặc bên trái và cơn đau có thể thay đổi theo từng tháng.
Bạn có thể cảm thấy đau nhói giống như bị chuột rút trước khi rụng trứng, vì nang trứng đang phát triển làm căng bề mặt buồng trứng. Hoặc, bạn có thể cảm thấy đau trong quá trình rụng trứng, khi dịch hoặc máu từ nang trứng bị vỡ có thể gây kích ứng niêm mạc bụng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô bên ngoài tử cung phát triển bất thường. Những người bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ bị đau bụng cao gấp 13 lần so với những người không mắc bệnh này. Ngoài đau bụng bên phải hoặc một vị trí trên bụng, lạc nội mạc tử cung có thể gây đầy hơi, táo bón, đau bụng kinh và vô sinh.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng thường cũng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Một số trường hợp đặc biệt thì bạn có thể bị đau âm ỉ ở vùng bụng dưới bên cạnh u nang. Cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ và có thể theo từng cơn liên tục.
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Các triệu chứng có thể bao gồm chảy máu âm đạo bất thường và chuột rút vùng chậu một bên. Ngoài ra, bạn có thể bị đau bụng bên phải dữ dội và đột ngột.
Bệnh viêm vùng chậu
Tnh trạng viêm ở vùng chậu do nhiễm trùng, điển hình là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc lậu có thể gây đau ở vùng bụng dưới của bạn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt, tiết dịch âm đạo bất thường và âm đạo có mùi hôi.
Xem thêm: Đau bụng dưới bên phải – cơn đau kèm theo nhiều hiểm họa
Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng xoắn qua dây chằng hỗ trợ và mất nguồn cung cấp máu cho buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng bên phải hoặc đau xương chậu. Cơn đau thường ở vùng bụng dưới nhưng đôi khi, cơn đau có thể di chuyển lên cả ở vùng bụng trên.
Nam giới bị xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn có thể cắt đứt lưu thông máu đến tinh hoàn, gây đau dữ dội và sưng tấy ở bìu. Bạn cũng có thể có cảm giác đau ở vùng bụng dưới bên phải, buồn nôn, nôn mửa,…
Nhìn chung, có nhiều lý do khiến bạn bị đau bụng bên phải. Cơn đau có thể do đầy hơi, khó tiêu hoặc do sỏi thận, sỏi mật, viêm ruột thừa và bệnh viêm ruột. Nếu bạn lo lắng về cơn đau bụng bên phải hoặc nếu bạn bị đau kéo dài hơn hai tuần hoặc cơn đau trở nên tồi tệ hơn sau một hoặc hai ngày, nên đến bệnh viện thăm khám sớm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau bụng bên phải là gì, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp, có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật.