Căng thẳng thần kinh quá mức có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực khác nhau đến sức khỏe của bạn. Nếu không kiểm soát căng thẳng kịp thời, bạn có thể đối mặt với nguy cơ đột quỵ, sa sút trí tuệ, ung thư,…
Căng thẳng thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?
Căng thẳng có thể gây chóng mặt
Căng thẳng hoàn toàn có thể gây chóng mặt. Cảm giác chóng mặt khiến bạn cảm thấy đầu óc lâng lâng, thậm chí có thể khiến bạn mất thăng bằng, mất phương hướng như thể môi trường xung quanh bạn không ổn định và có sự chuyển động.
Chóng mặt là do rối loạn chức năng của hệ thống cảm giác của cơ thể, được gọi là hệ thống tiền đình. Hệ thống này kiểm soát sự cân bằng và chuyển động. Hệ thống tiền đình của chúng ta bị gián đoạn khi cơ thể tiết ra các hormone gây căng thẳng như cortisol.
Căng thẳng thần kinh tác động đến đường ruột của bạn
Căng thẳng thần kinh, đặc biệt là tình trạng căng thẳng kéo dài cũng có thể gây ra các vấn đề về dạ dày và tiêu hóa. Bạn có thể mất cảm giác thèm ăn hoặc gặp phải sự khác biệt trong chế độ dinh dưỡng do căng thẳng.
Điều này có thể giống như ăn quá nhiều hoặc ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh có thể gây tổn hại cho đường tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày và khiến bạn cảm thấy đau bụng, buồn nôn, nôn khan,…
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim do căng thẳng
Căng thẳng thần kinh khiến hệ thống tim mạch phải hoạt động mạnh – nhịp tim tăng, mạch máu giãn ra và huyết áp tăng để bơm máu giàu oxy đến các khu vực khắp cơ thể.
Thông thường, cơ thể sẽ trở lại trạng thái nghỉ ngơi sau khi căng thẳng qua đi, nhưng căng thẳng kéo dài sẽ khiến hệ thống tim mạch tiếp xúc với lượng hormone gây căng thẳng cao hơn và có thể gây tổn hại theo thời gian. Không chỉ vậy, căng thẳng còn làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể.
Vì vậy, nếu bạn không thể kiểm soát tốt căng thẳng, bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch cao hơn, bao gồm huyết áp cao, đau tim, suy tim và đột quỵ tim.
Hệ thống cơ xương khớp bị ảnh hưởng bởi trạng thái căng thẳng quá mức
Tâm trí và cơ thể được kết nối chặt chẽ. Khi bạn căng thẳng, cơ thể bạn sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng. Cơ thể chúng ta coi những yếu tố gây căng thẳng thần kinh này là mối đe dọa đối với sự an toàn và hạnh phúc của chúng ta. Điều này còn được gọi là phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Cơ thể bạn sẽ bắt đầu một loạt phản ứng để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn hại.
Trong quá trình phản ứng với căng thẳng, các hormone như norepinephrine, epinephrine và cortisol được giải phóng để làm tăng huyết áp, nhịp tim và nhịp thở. Đồng tử của bạn giãn ra và bạn đổ mồ hôi nhiều hơn. Mục đích ngắn hạn của các chức năng này là “chống giặc ngoại xâm”.
Bạn có thể nhận thấy rằng khi bạn cảm thấy căng thẳng thần kinh, cơ bắp của bạn có xu hướng căng lên. Cơ bắp thắt chặt lại vì cơ thể bạn cảm nhận được nguy hiểm và chuẩn bị hành động ngay lập tức. Sau đó, khi bạn bước vào trạng thái bình tĩnh hơn, cơ bắp của bạn sẽ được thư giãn.
Tuy nhiên, nếu bạn luôn ở trong chế độ “chiến đấu hay bỏ chạy” này và cơ thể không bao giờ có cơ hội được vận động, cơ bắp của bạn sẽ liên tục căng thẳng và điều này gây ra chứng đau lưng, đau nhức cơ thể. Với những người bị căng thẳng thần kinh kéo dài, sự căng cơ này còn khiến bạn bị đau đầu hoặc đau nửa đầu, thường là do các cơ ở đầu, cổ và vai vẫn bị căng.
Việc kích hoạt thường xuyên phản ứng căng thẳng cũng sẽ gây ra sự gia tăng liên tục của cortisol. Cơ thể bạn trở nên mẫn cảm với cortisol, tương tự như cơ chế liên quan đến bệnh tiểu đường kháng insulin. Rối loạn chức năng cortisol có thể dẫn đến viêm do căng thẳng. Tình trạng viêm do căng thẳng gây ra đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, đau cơ xơ hóa, đau thắt lưng mãn tính, đau thần kinh tọa và đau vùng chậu mãn tính.
Căng thẳng thần kinh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp
Trạng thái căng thẳng, áp lực cũng có thể cản trở quá trình hô hấp của cơ thể. Căng thẳng có thể khiến việc thở trở nên khó khăn hơn, dẫn đến thở nhanh và khó thở.
Những người đã mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có thể thấy các triệu chứng của họ trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng liên tục.
Căng thẳng là yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Một đánh giá cho thấy những người bị căng thẳng thần kinh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn. Căng thẳng kích thích cơ thể giải phóng hormone adrenaline và cortisol, các hormone có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu. Bằng chứng cho thấy mức độ căng thẳng được xem là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài các tác động trực tiếp thì mức độ căng thẳng cao cũng có thể liên quan gián tiếp đến việc khởi phát bệnh tiểu đường. Những người có mức độ căng thẳng cao hơn cũng có nhiều khả năng thực hiện các hành vi khác liên quan đến bệnh tiểu đường, bao gồm ăn uống kém lành mạnh, uống nhiều rượu và hút thuốc.
Ảnh hưởng của căng thẳng thần kinh đối với não bộ
Căng thẳng thần kinh làm thay đổi cấu trúc não bộ của bạn. Khi bạn bị căng thẳng, vỏ myelin tạo nên chất trắng sẽ được sản xuất quá mức, trong khi chất xám được tạo ra ít hơn. Khi điều này xảy ra có thể xảy ra sự mất cân bằng giữa chất xám và chất trắng. Trong một số trường hợp, điều này dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc của não.
Mặc dù cơ thể và tâm trí của chúng ta có thể xử lý căng thẳng thần kinh hàng ngày, nhưng căng thẳng kéo dài hoặc diễn ra quá thường xuyên có thể khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc,…), bệnh Alzheimer, đau đầu,…
Căng thẳng thần kinh giết chết tế bào não, làm teo não, ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên căng thẳng có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ, mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Ngay cả những căng thẳng nhỏ, chẳng hạn như đi làm muộn, cũng có thể khiến bạn quên mất những điều đơn giản như chìa khóa để đâu.
Căng thẳng có thể gây thiếu máu
Có bằng chứng cho thấy căng thẳng có thể gây thiếu máu. Khi bị căng thẳng thần kinh, cơ thể bạn trải qua những thay đổi sinh lý cụ thể có thể liên quan đến bệnh thiếu máu.
Mặc dù chưa thể kết luận chính xác về việc tại sao căng thẳng, lo lắng có thể gây thiếu máu nhưng các chuyên gia đã đặt ra giả thuyết rằng, stress có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt, là nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu. Folate, magie, vitamin A và vitamin B12 cũng đóng một vai trò nào đó.
Một giả thuyết khác là sự suy giảm magie trong cơ thể bạn. Khi cơ thể bạn gặp nhiều căng thẳng, cơ thể bạn sẽ có nhiều khả năng sử dụng nhiều magie hơn. Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thiếu máu. Nghiên cứu cho thấy thiếu magie cũng có liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt.
Một cách khác mà căng thẳng thần kinh có thể gây thiếu máu là trạng thái căng thẳng ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của bạn. Khi căng thẳng thần kinh, bạn có thể không ăn nhiều dẫn đến suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu thiếu sắt.
Căng thẳng mãn tính cũng ngăn cản cơ thể bạn sản xuất axit clohydric. Cơ thể bạn cần axit clohydric để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Khi cơ thể không sản xuất đủ chất này thì sẽ làm ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng có thể nhận được từ thực phẩm bạn tiêu thụ. Từ đó khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ đủ chất sắt từ thực phẩm.
Suy giảm hệ thống miễn dịch do căng thẳng thần kinh
Căng thẳng cấp tính thường không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính chính là nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch suy giảm.
Căng thẳng mãn tính trực tiếp dẫn đến tình trạng viêm toàn thân cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Căng thẳng thường xuyên có thể dẫn trực tiếp đến bệnh tật do hệ thống miễn dịch suy yếu. Không chỉ vậy, căng thẳng thần kinh cũng làm chậm quá trình phục hồi bệnh của bạn.
Ngoài ra, căng thẳng thần kinh còn có thể dẫn đến mụn trên da, rụng tóc, tăng cân,…. Những ảnh hưởng của căng thẳng đối với sức khỏe có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn nếu bạn không kịp thời thư giãn.
Một số mẹo giúp giảm căng thẳng
Để tránh căng thẳng thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn cần lưu ý:
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau và trái cây.
- Ngay cả khi bạn không phải là vận động viên hoặc có thân hình không cân đối, tập thể dục vẫn có thể là liều thuốc giảm căng thẳng hiệu quả.
- Bạn nên tránh những thói quen không lành mạnh như uống quá nhiều caffeine hoặc rượu, hút thuốc, ăn quá nhiều hoặc sử dụng các chất kích thích bởi những thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe và làm tăng mức độ căng thẳng của bạn.
- Cười nhiều hơn có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, làm nhẹ đi gánh nặng tinh thần của bạn và tạo ra những thay đổi tích cực về thể chất trong cơ thể.
- Khi bạn căng thẳng và cáu kỉnh, bạn có thể muốn cô lập bản thân nhưng hãy giao tiếp xã hội, kết nối với gia đình, bạn bè của mình hay gặp gỡ những người bạn mới.
- Với hàng loạt các tư thế và bài tập thở, yoga là một phương pháp giảm căng thẳng phổ biến mà bạn có thể áp dụng hàng ngày.
- Việc bạn ngủ ngon như thế nào và trong bao lâu có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, mức năng lượng, sự tập trung và hoạt động tổng thể của bạn. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc.
- Nghe hoặc chơi nhạc là một cách giảm căng thẳng tốt, giúp xoa dịu tinh thần, giảm căng cơ và giảm hormone gây căng thẳng.
Đối phó với căng thẳng thần kinh làm cơ thể của bạn dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, hãy học cách thư giãn để tránh những rủi ro sức khỏe có thể xảy ra bạn nhé!