Trẻ em thường rất hiếu động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh. Điều này lại khiến các vật dụng trong nhà có khả năng trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng. Trong đó, điện và những thiết bị điện được đánh giá là vô cùng nguy hiểm đối với trẻ em. Do có không ít trường hợp trẻ bị điện giật đến chấn thương, nặng hơn là tử vong.
Do đó, việc bảo vệ con khỏi sự nguy hiểm của điện là điều cần thiết đối với các bậc phụ huynh. Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn các biện pháp phòng tránh và bảo vệ con yêu khỏi điện và những thiết bị điện.
Cách phòng tránh bị điện giật
Cần làm gì để tránh bị điện giật? Nếu nhà có nhiều trẻ nhỏ, ba mẹ nên dùng những ống luồn dây điện để sắp xếp đường dây gọn gàng, tránh bị vật nuôi hoặc chuột cắn, bảo vệ con không bị điện giật nếu như có lỡ chạm vào. Nếu có thể, ba mẹ có thể thiết kế đường dây điện đi âm tường, qua đó tránh các bé nhỏ nghịch ngợm, đụng vào dây điện.
Một số cách phòng tránh điện giật hiệu quả cho trẻ như:
- Những ổ điện nên được đặt cao hơn tầm với của trẻ hay dùng các nắp che ổ điện để ngăn trẻ đưa tay vào.
- Khuyến khích dùng những loại ổ cắm điện chống giật, phích cắm 3 chấu. Bởi chấu thứ 3 là chấu tiếp đất nên sẽ bảo vệ mạng sống của người dùng nếu có rò rỉ điện.
- Những loại dây sạc, dây nối của những thiết bị máy tính, điện thoại… cần được cất kỹ sau khi dùng nhằm tránh cho trẻ nhỏ nghịch ngợm, cho đầu sạc vào mũi.
- Nếu đang ở phòng tắm, ba mẹ tránh cho còn dùng những thiết bị điện tử hay máy sấy tóc.
- Những thiết bị điện tử khi không dùng nên được rút phích cắm điện ra.
- Luôn quan sát con yêu khi chơi, đặc biệt là các bé trẻ 0 – 6 tuổi. Bên cạnh đó, ba mẹ cần cảnh báo điện giật cho bé ở những khu vực nguy cơ cao.
Dạy trẻ các nguyên tắc về an toàn điện
Không chỉ chủ động trong thiết kế đường dây điện an toàn, các bậc phụ huynh cũng nên hướng dẫn cho trẻ kiến thức cơ bản khi dùng điện, những nguyên tắc an toàn để tự bảo vệ, phòng tránh bị điện giật cho chính mình, cụ thể:
- Không đưa bất cứ vật dụng nào vào ổ cắm điện vì có nguy cơ gây chập điện và cháy nổ, khiến trẻ bị điện giật.
- Đối với trẻ dưới 6 tuổi, ba mẹ nên nhắc bé: Khi cần cắm điện hoặc bật công tắc, con yêu cần có sự giúp đỡ từ người lớn.
- Đối với các bé trên 6 tuổi, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ giữ tay thật khô, mang dép nhựa khi cần cắm điện hoặc bật công tắc. Ngoài ra, bạn cũng nên nhắc nhở bé không chơi gần và leo trèo lên những trạm biến áp điện/cột điện.
- Khi thấy dây điện bị đứt và rơi giữa đường, trẻ tuyệt đối không đụng vào, tránh xa chỗ đó, thông báo ngay cho người lớn.
- Khi trời mưa hay sấm sét, con nên nhanh chóng chạy vào nhà, không đi hoặc đứng gần dây điện hoặc trú mưa dưới cây để tránh điện giật chết người.
- Lưu ý quan sát đường dây điện phía trên khi con muốn trèo lên cây do điện có thể truyền qua nhánh cây.
Các bước sơ cứu ban đầu trẻ bị điện giật
Ngắt nguồn điện và đưa trẻ khỏi khu vực nguy hiểm
Khi sớ cứu người bị điện giật, việc đầu tiên cần làm là tắt nguồn điện để đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh.
- Để tắt nguồn: Tiến hành rút phích cắm thiết bị nếu phích cắm không bị hư hại hay tắt nguồn thông qua bộ ngắt mạch, hộp cầu chì hay công tắc bên ngoài.
- Nếu không thể tắt nguồn, hãy đứng trên một vật gì đó khô và không dẫn điện, chẳng hạn như danh bạ điện thoại hay bảng gỗ. Bạn cố gắng tách bé ra khỏi nguồn điện bằng cách dùng các vật dụng không dẫn điện như chổi hay ghế bằng gỗ hay nhựa hoặc cao su.
- Đối với các đường dây cao thế, cần thông báo ngay cho công ty điện lực địa phương để tắt nguồn.
Tiến hành hồi sinh tim phổi – CPR nếu cần thiết
Khi có thể chạm vào bé một cách an toàn, bạn nên sơ cứu người bị điện giật bằng cách thực hiện ép tim thổi ngạt (CPR) nếu bé không thở hay không có mạch đập.
- Kêu gọi sự giúp đỡ nếu có người gần bạn.
- Từ từ đặt người bị điện giật nằm ngửa trên bề mặt chắc chắn và cứng.
- Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cổ hay đầu, bạn nên di chuyển bé bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống, hông) với nhau, giữ tất cả đều thẳng hàng.
- Khi thổi ngạt: Đối với các bé sơ sinh, bạn nên đặt miệng của mình trên cả mũi và miệng của con để thổi ngạt được kín. Ở trẻ lớn hơn, bạn dùng một tay ép cánh mũi của người bị điện giật, đưa miệng của mình qua miệng của trẻ.
- Thổi vào miệng bé trong 1 giây. Ngực của người bị điện giật sẽ phồng lên khi bạn làm điều này.
- Lặp lại thao tác thở lần thứ hai cho người bị điện giật.
Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực gồm các bước:
- Vị trí ép tim: Nằm ở trên xương ức và ngang với đường nối 2 núm vú.
- Dùng mu bàn tay để ép tim cho người bị điện giật
- Ấn xuống ngực sâu, khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau; sau đó giải phóng áp lực. Bạn nên chắc chắn rằng vị trí ép tim không phải mũi ức.
- Tốc độ ép tim khoảng 100 lần/phút. Bạn nên để ngực trẻ nở ra hoàn toàn giữa những lần ép tim.
- Khi chỉ có một mình bạn cấp cứu, hãy tiến hành thực hiện 30 lần ép tim, sau đó là thổi ngạt 2 lần.
- Nếu có 2 người cấp cứu, hãy tiến hành thực hiện 15 lần ép tim, sau đó là thổi ngạt 2 lần.
- Cứ sau mỗi 2 phút, bạn nên kiểm tra trẻ xem con có mạch không, có thở không. Nếu bé không thở, ba mẹ nên tiếp tục ép tim tới khi nhân viên y tế tới.
- Kiểm tra các chấn thương khác: Nếu bé bị chảy máu, bạn nên tiến hành cầm máu bằng cách băng, ép và nâng cao vết thương nếu ở cánh tay hay chân. Con có nguy cơ bị gãy xương do ngã xuống. Kiểm tra xem bé bị bỏng không.
Trẻ bị điện giật luôn cần chăm sóc y tế khẩn cấp, ngay cả khi bé trông vẫn ổn sau đó, hoặc trẻ bị sốc điện do điện giật. Vì vậy, khi con bị giật điện, người nhà nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.