Mẹ và Con - Sơ cứu người bị điện giật là kỹ năng cực kỳ quan trọng và hữu dụng. Bạn có thể gặp phải tình huống tai nạn này bất kỳ lúc nào, đặc biệt là với trẻ nhỏ hoặc người già. Chuyện em bé bị điện giật mà không được sơ cứu kịp thời dẫn tới hậu quả đáng tiếc không hề hiếm.

Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, người nhà cần tìm hiểu và thực hành kỹ năng sơ cứu người bị điện giật. Dòng điện khi đi qua cơ thể ít nhiều đều để lại các tổn thương bên trong lẫn ngoài. Thiết bị điện, ổ cắm là thứ không thể loại bỏ trong không gian sống mỗi gia đình.

Do đó, bên cạnh hạn chế bé tiếp xúc với nguồn điện thì học cách sơ cứu điện giật sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trẻ nhỏ.

Điện giật ở trẻ em có nguy hiểm không?

Điện giật là tai nạn nguy hiểm. Ngay cả người lớn khi bị điện giật còn phải chịu nhiều tổn thương thì cơ thể non nớt của trẻ em sẽ càng đáng lo. Phổ biến nhất là gây bỏng, bé bị bỏng ở các mức độ từ nặng đến nhẹ. Bên cạnh đó là ngừng tim, ngừng phổi, tổn thương cho các cơ quan và mô nơi dòng điện đi qua. Thậm chí, nặng hơn có thể gây tử vong do ngừng thở.

Sơ cứu người bị điện giật nên làm như thế nào

Cụ thể, đây là các cơ quan bị ảnh hưởng khi có dòng điện, dù là thấp, đi qua cơ thể trẻ:

  • Tim: Rung thất, rối loạn nhịp nhĩ, ngừng tim đột ngột khi bé bị giật. Trong đó, rung thất là dạng rối loạn có tỷ lệ tử vong cực cao, khoảng 60% các ca điện giật đi từ tay này sang tay khác.
  • Thận: Tổn thương thận cấp, hoại tử ống thận cấp.
  • Thần kinh: Hệ thần kinh trung ương và ngoại biên đều bị ảnh hưởng. Biểu hiện do thương tổn thần kinh rất đa dạng như mất ý thức, liệt hoặc yếu tứ chi, rối loạn cảm giác và vận động…
  • Da: Bỏng nhiệt. Lưu ý, có trường hợp trẻ bị điện giật nhưng không có dấu hiệu bên ngoài nên bị bỏ qua, không được áp dụng cách sơ cứu người bị điện giật kịp thời.
  • Cơ xương: Tổn thương các mô sâu xung quanh xương dài, bỏng màng xương, gãy xương…
  • Mạch máu, đông máu: Mạch máu có thể xuất hiện các huyết khối động mạch gây tắc nghẽn.

Các cơ quan khác như phổi, ruột non, dạ dày, đại tràng… cũng có thể bị ảnh hưởng thậm chí nhiễm trùng và gây tử vong nếu không kịp điều trị.

Cách sơ cứu người bị điện giật

Ngay khi trẻ bị điện giật

Ngay khi phát hiện tai nạn thì phản ứng của bạn phải là tắt nguồn điện thay vì lao vào sơ cứu người bị điện giật. Rút phích cắm, tắt cầu dao, cầu chì… Nếu không thể tắt nguồn thì hãy đứng trên vật dụng khô và cách điện (ván gỗ) rồi dùng vật không dẫn điện (ống nhựa, ghế nhựa, chổi…) cố tách trẻ khỏi nguồn điện.

Nếu là điện cao thế phải báo ngay cho điện lực địa phương để cắt, bạn phải đứng xa dây cao thế ít nhất 6 mét. Nếu đến gần hiện trường và có cảm giác ngứa ran ở chân, tê phần dưới cơ thể thì đừng cố mạo hiểm. Nếu cả bạn cũng bị điện giật thì còn ai sơ cứu cho em bé?

Ngay lập tức gọi 115 hoặc đưa đi bệnh viện. Lưu ý rằng nếu trẻ bị gãy xương, chấn thương đầu cổ, cột sống thì cần cố định cơ thể hoặc vùng bị gãy xương. Tuyệt đối không cố gắng di chuyển trẻ nếu không muốn hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Sơ cứu điện giật bằng hồi sức tim phổi (CPR)

Nếu trẻ không thở hoặc không có nhịp tim đập thì bạn có thể tiến hành sơ cứu khi bị điện giật với hồi sức tim phổi. Các bước chuẩn bị:

  • Gọi người trợ giúp nếu được.
  • Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, chắc chắn.
  • Nếu nghi ngờ có chấn thương cổ, đầu hoặc xương sống thì nên biết cách sơ cấp cứu tại nhà. Hãy di chuyển toàn bộ cơ thể cùng lúc, giữ chúng thẳng hàng và nằm trên cùng mặt phẳng (nếu có cáng tự chế càng tốt).

Hà hơi thổi ngạt và ép tim:

  • Thổi vào miệng trẻ 1 giây, bạn sẽ thấy ngực trẻ phồng lên.
  • Lặp lại lần hai rồi bắt đầu ép tim bằng mu bàn tay.
  • Vị trí: Trên xương ức, nằm chính giữa đường nối hai núm vú.
  • Ấn sâu 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau và sau đó giải phóng áp lực.
  • Tốc độ: 100 lần/phút. Để ngực nở ra hoàn toàn giữa các lần ép.
  • Nếu bạn chỉ có 1 mình: ép tim 30 lần (20 giây), hà hơi thổi ngạt 2 lần. Nếu có nhiều người hãy chia mỗi “ca” ép tim 15 lần + 2 lần thổi ngạt.
  • Cứ sau mỗi 2 phút bạn cần kiểm tra xem trẻ có mạch đập, có thở hay không. Nếu không, tiếp tục ép tim và thổi ngạt cho đến khi xe cấp cứu đến.

Ngoài ra hãy kiểm tra và băng bó cầm máu cũng như kiểm tra xem trẻ có bị bỏng hay không. Không bôi, đắp thuốc để sơ cứu, trừ trường hợp cần sát trùng vết thương.

Điều trị tại bệnh viện

Tại bệnh viện trẻ sẽ được theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ đánh giá mức độ tổn thương và quyết định xem cần tiếp tục điều trị như thế nào. Đối với những trẻ bị điện giật do tiếp xúc với nguồn điện cao áp, cần theo dõi sát tình trạng tim mạch trong vòng 12 – 24 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra dù không thấy rõ bất cứ tổn thương nào.

Sơ cứu người bị điện giật và các lưu ý

Lưu ý rằng người bị điện giật nói chung và trẻ em nói riêng đều phải được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Do đó, sơ cứu người bị điện giật chỉ là biện pháp can thiệp nhanh, “chữa cháy” nhằm giảm thiểu di chứng nặng.

Bạn tuyệt đối không được chủ quan mà phải đến cơ sở y tế để kiểm tra. Điện giật hoàn toàn có thể không để lại dấu vết gì bên ngoài dù gây thương tổn khủng khiếp bên trong.

Bài viết liên quan