Hôn nhân cận huyết là một hiện tượng có từ lâu và ở nhiều nơi trong lịch sử loài người. Cho đến này, tình trạng này vẫn không hoàn toàn chấm dứt dù đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Không chỉ bị lên án về mặt đạo đức, sức khỏe tâm sinh lý mà còn cả về luật pháp.
Trong bài viết này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ cung cấp đến bạn hôn nhân cận huyết thống là gì, những hậu quả đã được nghiên cứu chứng minh và quan trọng nhất là luật pháp Việt Nam quy định thế nào.
Hôn nhân cận huyết là gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân cận huyết là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Trong đó hôn nhân cận huyết thống là giữa:
- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Ví dụ, cha và con, ông và cháu, tổ và chắt.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Ngoài ra, dù không có quan hệ huyết thống, luật Việt Nam cũng cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Một số lý do giải thích cho tình trạng hôn nhân cận huyết thống: Duy trì tài sản và quyền lực trong gia đình, bảo vệ sự an toàn và sự đoàn kết của nhóm, do truyền thống và tín ngưỡng, thiếu cơ hội gặp gỡ và kết hôn với người ngoài, hoặc đơn giản là tình yêu và sự hấp dẫn lẫn nhau. Tuy nhiên, hôn nhân cận huyết cũng có nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống
Hậu quả sinh lý
Đây là hậu quả có thể thấy rõ và đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Hậu quả sinh lý của hôn nhân cận huyết là tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng như các bệnh di truyền ở con cái.
Do những người có quan hệ huyết thống gần gũi thường có nhiều gien giống nhau. Trong số các gien này có thể có gien bị đột biến hoặc gây bệnh. Khi hai người có quan hệ huyết thống gần kết hôn và sinh con, xác suất trẻ nhận được gien “lỗi” này cao hơn hẳn so với con cái các cặp đôi bình thường.
Một số bệnh bẩm sinh và di truyền do hôn nhân cận huyết thống là: Hội chứng Down, bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh xơ nang, bệnh máu khó đông, hội chứng Marfan, loạn sản xương, và nhiều bệnh lý khác. Những bệnh di truyền này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, chất lượng sống, và dĩ nhiên, làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Xơ nang là một trong những bệnh lý rối loạn di truyền
Ngoài ra, hôn nhân cận huyết cũng có thể ảnh hưởng sự thụ thai, thai nghén, và sinh đẻ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hôn nhân cận huyết có thể tăng nguy cơ vô sinh, sẩy thai, thai chết lưu, dị tật thai, sinh non, sinh thấp cân, và tử vong ở sản phụ.
Hậu quả tâm lý
Hậu quả tâm lý của hôn nhân cận huyết là sự ảnh hưởng đến tình cảm, hạnh phúc, và sự hòa hợp của cặp đôi và gia đình. Điều này đến từ những yếu tố sau:
- Sự phản đối và kỳ thị từ xã hội: Hôn nhân cận huyết thường bị xem là một hành vi bất thường, bất chính, và vô đạo đức. Việc bị kì thị, xa lánh từ người xung quanh này có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực, có thể dẫn tới rối loạn cảm xúc.
- Lo lắng về bệnh tật: Những người kết hôn cận huyết có khả năng phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe khi quyết định sinh con. Việc chăm sóc con cái mắc bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của cha mẹ.
- Mất đi sự kích thích và hấp dẫn tình dục: Những người kết hôn cận huyết có thể bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Westermarck, một hiện tượng tâm lý mà những người sống chung từ nhỏ sẽ không có sự kích thích và hấp dẫn tình dục với nhau khi trưởng thành. Hiệu ứng này có thể là một cơ chế tiến hóa để ngăn chặn hôn nhân cận huyết và bảo vệ sự đa dạng di truyền. Việc không có tình cảm, sự hấp dẫn tình dục có thể dẫn đến sự ngoại tình, ly hôn, hoặc bạo lực gia đình.
Việc chung sống lâu dài có thể gây nhiều bất mãn, làm gia tăng nạn bạo lực gia đình
Quy định pháp luật Việt Nam
Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân cận huyết thống là một trong những trường hợp hôn nhân vô hiệu. Hôn nhân vô hiệu là hôn nhân không có giá trị pháp lý và không tạo ra quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Hôn nhân vô hiệu có thể được tuyên bố bởi toà án theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
Khi hôn nhân vô hiệu đã được tuyên bố, các bên phải chấm dứt quan hệ vợ chồng và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, con cái, và trách nhiệm dân sự. Hành vi kết hôn cận huyết này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, bộ luật Hình sự có quy định về tội loạn luân tại Điều 184. Theo đó, người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Không chỉ sai trái về mặt đạo đức, hôn nhân cận huyết gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và con, suy giảm chất lượng dân số và ảnh hưởng trực tiếp lên sự phát triển của xã hội. Việc kết hôn cận huyết thống đã được quy định là hành vi phạm luật, thậm chí có thể bị phạt tù. Do đó, cần phải tìm hiểu thật kỹ trước khi tiến tới hôn nhân để tránh nhiều hậu quả đáng tiếc.