Mẹ&Con - Ăn đa dạng được xem là 'chuẩn' đầu tiên cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Làm sao để bé ăn phong phú, nhiều món khác nhau trong ngày? Làm sao để thay vì đòi ăn trứng suốt cả tuần, bé cưng của bạn sẽ chịu linh động thay đổi nhiều loại thịt, cá, trứng, sữa khác nhau? Giúp bé ăn đa dạng bằng một số “mẹo” dưới đây nào! 5 cách tốt cho dinh dưỡng của trẻ Món ăn cho bé theo độ tuổi Đậu xanh, khoai lang và dinh dưỡng của trẻ

Vì sao chuyện ăn đa dạng lại quan trọng với bé?

Hàng ngày, cơ thể bé cần một lượng lương thực – thực phẩm “nạp vào” nhằm thực hiện các chức năng cơ bản là duy trì sự sống và kiến tạo, xây dựng, bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể hoạt động bình thường. 

Cơ thể bé cần protein – còn gọi là chất đạm, các chất đường bột, các chất béo từ dầu mỡ, các chất sợi xơ từ rau quả, các loại vitamin, chất khoáng và nước. Tất cả các chất dinh dưỡng đó đều cần thiết cho sự sống và phát triển của cơ thể.

bi-quyet-an-da-dang-giup-be-khong-ken-an

Nếu ăn vào một lượng hợp lý các chất trên thì sẽ đảm bảo sức khỏe về mặt dinh dưỡng. Ngược lại, khi thiếu hoặc thừa quá mức bất kỳ một chất nào cũng có thể gây bệnh hoặc gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Mà như bạn biết đấy, không có một loại lương thực, thực phẩm nào chứa được đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng nêu trên (trừ sữa mẹ cho trẻ sơ sinh giai đoạn đầu đời). Vì vậy, việc giúp bé ăn nhiều loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau trở nên vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, không may là bên cạnh một số trẻ hình thành được thói quen ăn uống đa dạng ngay từ bé thì một tỷ lệ không nhỏ trẻ khác lại rơi vào cảnh kén cá chọn canh, chỉ chịu ăn vài ba món mà trẻ thích và nhất định không đụng vào bữa cơm nếu thiếu đi những món “ruột” này.

Thực tế, bất cứ ai (người lớn hay trẻ nhỏ) cũng sẽ thích một vài món nhất định. Khi có những món này, ta dễ thấy ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, tình trạng sẽ trở nên “trầm trọng” khi bé có khuynh hướng chỉ nhất định đòi ăn một số món. Lúc đó, sẽ dễ xảy ra tình trạng ăn uống mất cân bằng ở trẻ, khiến trẻ thiếu chất, không thể phát triển toàn diện. Chưa kể bé sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi sau này phải thích nghi với cuộc sống “xa mẹ”: đi học bán trú hoặc đi chơi, du lịch, đến những nơi bữa ăn không giống như những gì bé quen thuộc nữa.

4 bước giúp con xây dựng thực đơn phong phú

1. Cho trẻ tham gia vào bữa ăn gia đình

Việc trẻ ngồi ăn cùng bố mẹ sẽ mang lại những lợi ích nhất định như: Bé sẽ ăn nhiều hơn, nguy cơ rối loạn tiêu hóa ít xảy ra, bé thấy bố mẹ ăn ngon lành món mới thì có tâm lý muốn thử, thấy món đó an toàn và tò mò. Thế nhưng, thông thường với nhịp sống tại thành phố, do công việc quá bận rộn, bố mẹ thường không có thời gian để dùng bữa với con. Thậm chí trẻ chỉ luôn ăn riêng một mình với tô cơm được xúc sẵn, mắt thì vẫn dán vào màn hình tivi.

>> Giải pháp:

Từ khi con bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm, bạn đã nên để bé tham gia vào bữa ăn chung của gia đình. Có thể thức ăn của bé khác bạn hoàn toàn, nhưng tâm lý bé từ lúc này đã bắt đầu thấy vui mỗi khi đến giờ cơm.

2. Không “kiêng cữ” quá nhiều

Trẻ ảnh hưởng sâu sắc từ thói quen chế biến món ăn của mẹ. Nếu mẹ có suy nghĩ quá “kiêng khem” ngay từ khi con còn bé, cái gì cũng sợ bé ăn không được, chỉ dám cho con ăn một vài món nhất định thì đừng trách tại sao lớn lên bé có thói quen chỉ chịu ăn đơn điệu vài ba món.

>> Giải pháp:

Mẹ nên tập cho bé nếm thử nhiều mùi vị khác nhau ngay từ khi con còn bé. Có thể mẹ sợ một số món ăn và không ăn được (như không ăn khổ qua vì sợ đắng) nhưng mẹ đừng nghĩ mình ăn không được thì con cũng ăn không được. Cho bé nếm càng nhiều vị khác nhau càng tốt, nhưng nhớ là mỗi thứ chỉ riêng lẻ và ở lượng rất ít. Bằng cách đó, bé sẽ có thói quen ít sợ món mới, dễ ăn, món nào ăn cũng được.

Khi bé đã ở tuổi ăn cơm tốt, bạn nên chuẩn bị mỗi bữa ăn nhiều món khác nhau, trong đó có món bé thích. Cách này giúp bé cảm thấy mình có nhiều lựa chọn và sau khi đã “măm” một chút các món mình thích rồi, bé vẫn có thể thử thêm vài món mới.

bi-quyet-an-da-dang-giup-be-khong-ken-an

3. Tạo không khí bữa ăn tươi vui

Nếu bố mẹ ngồi vào bàn với vẻ thờ ơ, trẻ cũng sẽ bắt chước mà coi nhẹ bữa ăn. Trẻ tranh thủ ăn qua loa, sau đó chạy đi chơi tiếp chứ không muốn tập trung ăn, thưởng thức và cảm nhận vị ngon của từng món khác nhau.

>> Giải pháp:

Bạn nên tạo sự ngạc nhiên cho bé trong bữa ăn vì đối với trẻ con, chính những chi tiết nhỏ nhặt lại khiến chúng cảm thấy thích thú. Chẳng hạn, một món ăn bên những ngọn nến lấp lánh, nhiều sắc màu đủ tạo nên sự tò mò trong mắt trẻ. Một món ăn được trang trí sinh động sẽ khiến trẻ thèm.

4. Khuyến khích và khen ngợi con

Hầu hết trẻ đều rất nhạy cảm và thích thú với sự động viên, khen ngợi của mọi người. Chỉ cần bé làm được một chút thay đổi, dù nhỏ nhất, chẳng hạn như bé vẫn đòi ăn món cũ nhưng chịu “nếm” thêm 1-2 muỗng món mới, bạn cũng đã nên nhân cơ hội đó để khuyến khích, khen ngợi bé rồi.

>> Giải pháp:

Đề nghị con cùng bạn “thử một chút thôi” những món ăn mới. Không ép buộc và la mắng trẻ, thay vào đó nên chọn cách ăn trước mặt bé, khuyến khích con thử một muỗng thật nhỏ và không ngừng khen ngợi sự “can đảm” của con. Nhiều lần “nếm thử” như thế sẽ giúp bé nhận ra hương vị của món mới cũng không đến nỗi nào, từ đó giảm thiểu thói quen ăn đơn điệu.

5. Thử nấu nhiều kiểu khác nhau cho mỗi nguyên liệu

Khi thấy con có dấu hiệu “ghét” một loại thực phẩm nào đấy, bạn đừng vội bỏ cuộc ngay. Bởi lẽ, chỉ cần bạn linh động thay đổi kiểu chế biến khác nhau, con có thể lại thích thú món ấy.

>> Giải pháp:

Ví dụ như bạn muốn bé ăn khoai tây, hãy thử với nhiều cách: Khoai tây chiên, khoai tây nghiền, khoai tây cắt thành từng miếng nấu thành súp rau củ với cà rốt, su su… Bằng cách thay đổi như thế này, bé của bạn sẽ cảm thấy bữa ăn trở nên phong phú, đầy thú vị.

Dấu hiệu nào cho thấy con ăn thiếu chất?

Khi bé ăn uống đơn điệu, thiếu chất, dinh dưỡng mất cân bằng, cơ thể bé sẽ “báo động” bằng những cách khác nhau sau đây.

Đừng chiều không đúng chỗ!

Khi thấy con ăn ngon miệng với một món nào đó, mẹ hay có xu hướng tâm lý rất mừng và ghi nhớ món này, nấu đi nấu lại nhiều lần trong tuần cho con ăn (với hi vọng con tiếp tục ngon miệng và sẽ ăn được nhiều hơn).

Tuy nhiên, cách làm đó không hoàn toàn đúng. Tập cho trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau là rất quan trọng. Vì vậy, cho dù thấy bé hứng thú đặc biệt với một món thì bạn cũng đừng khăng khăng tập trung nấu món ấy. Cần giúp trẻ quen thêm nhiều món mới. Mẹ cũng có thể kết hợp món ăn bé thích với các loại thức ăn khác cho bé làm quen.

1. Mỏi mệt

Con không linh hoạt như những đứa trẻ khác mà uể oải, chóng mệt. Để thay đổi, chỉ cần giúp bé thường xuyên cân bằng chế độ ăn uống, nhất là ăn bữa sáng thật đầy đủ chất.

2. Khó ngủ

Trẻ nhỏ rất dễ ngủ. Khi thấy con trằn trọc, khó ngủ, hay thức dậy lúc nửa đêm, bạn cần xem lại ngay chế độ ăn uống của con có ổn định, đa dạng, phong phú không.

3. Còi cọc, móng tay dễ gãy, rụng tóc…

Các protein rất cần thiết để thay mới các mô (tóc, da, móng tay…). Việc thiếu protein làm cạn kiệt nguồn dự trữ và ảnh hưởng xấu đến tình trạng của tóc, da và móng tay và màng nhầy. Ngoài ra, cơ thể thiếu vitamin A (cà rốt, rau xanh đậm màu, quả mơ), vitamin B (ngũ cốc, cá, sữa chua, trứng), vitamin E (trái cây sấy khô, dầu, mầm lúa), Kẽm (hàu, gia cầm, ngũ cốc và trái cây có dầu)… cũng dễ làm rụng tóc, gãy móng tay, còi cọc. 

4. Táo bón

Táo bón là cách cơ thể “báo động” bé ăn uống mất cân bằng và quá ít chất xơ. Cách điều trị thật đơn giản: Cho con ăn nhiều rau, ăn nhiều trái cây, củ quả. Tuy nhiên, lượng chất xơ cũng cần cung cấp vừa đủ chứ không quá dư. Vì nếu ăn rau củ quá nhiều, bé dễ no ngang, không còn muốn ăn những chất khác và lại rơi vào vòng luẩn quẩn của thiếu chất.

Mẹ cần biết: Trái cây: Không phải càng nhiều càng… tốt!

Trái cây chứa những vitamin giúp bé tăng cường sức đề kháng, phát triển hoàn thiện mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng cho rằng con mình ăn càng nhiều trái cây càng tốt.

Trẻ không nên ăn trái cây trước bữa ăn vì sẽ bị đầy bụng, no ngang, không còn “hứng thú” để ăn các món khác dẫn đến dễ thiếu chất. Bạn cũng nên chú ý rằng nhiều loại trái cây có hàm lượng đường cao (quả quá ngọt), hoặc hàm lượng axit cao (quả quá chua). Cho trẻ ăn nhiều những loại quả này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chứ không phải càng ăn nhiều càng tốt như bạn tưởng.

 

Tags:

Bài viết liên quan