Nói nghe đơn giản lắm nhưng có là người trong cuộc thì mới biết. Chỉ cần con bệnh một chút là ở công ty tâm trí bạn cũng cuống cuồng. Ngược lại, có những lúc về đến nhà, ôm con vào lòng rồi mà vừa cho con bú, mẹ lại vừa băn khoăn nghĩ đến không ít việc còn dang dở. Một số mẹo sau đây sẽ giúp ích phần nào cho bạn trong việc “điều chỉnh” cân bằng giữa hai bên nhé.
1. Giữ ngăn nắp
Điều này thoạt nghe rất… không liên quan nhưng kỳ thực nó vô cùng quan trọng. Có con nhỏ trong lúc vẫn đi làm là một việc cực kỳ khó khăn chứ không hề đơn giản. Vì vậy, điều trước tiên bạn cần thay đổi chính là cố gắng dành ra vài ngày để dọn dẹp tất cả, cả ở nhà lẫn ở văn phòng công ty, sao cho mọi thứ đều trở nên ngăn nắp, trật tự, đúng chỗ.
Nên cố gắng duy trì điều này lâu dài. Vì sao ư? Vì thời gian của bạn rất quý giá. Đừng để mình phải mất cả nửa tiếng đồng hồ để lục tung máy tính tìm một file văn bản, hay cuống cuồng mãi mới tìm ra được những giấy tờ cần cho buổi họp. Ngăn nắp cả ở nhà lẫn ở công ty, để tất cả luôn ở tư thế sẵn sàng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.
2. Học cách lên kế hoạch
Bạn có thể sử dụng cách đơn sơ và thủ công nhất là ghi chép vào một cuốn sổ tay hoặc sử dụng máy tính, điện thoại di động để ghi nhớ, lên kế hoạch công việc. Cách nào cũng được. Miễn sao bạn học được cách mỗi cuối ngày lại lên được kế hoạch chi tiết cho ngày hôm sau, để sắp xếp các “nhiệm vụ” theo một thứ tự ưu tiên hợp lý nhất.
Bạn có thể ghi ra một danh sách các việc ở công ty cần làm ngày hôm sau, một danh sách các việc cần làm cho gia đình. Sau đó, thử xem mình có thể sắp xếp thế nào để tiết kiệm thời gian nhất, linh hoạt nhất. Ví dụ: Bạn cần đi mua một hộp sữa cho con ngày hôm sau, hãy thử tính xem có thể mua nó ngay trên đường bạn đi làm về nhà hay không.
Khi thấy hai danh sách quá “khít khao”, quá nhiều việc phải làm, hãy mạnh dạn chia chúng ra thành các nhóm ưu tiên, bao gồm: Việc gấp và quan trọng, việc quan trọng nhưng không gấp, việc gấp nhưng không quan trọng, việc không quan trọng và không gấp. Bằng cách chia ra, bạn sẽ biết mình có thể tạm “gạch bỏ” bớt những việc nào để giảm áp lực cho chính mình.
3. Mẹ con cùng “làm việc”
Có con nhỏ thì chuyện vừa ôm con vừa… làm việc trở nên rất thường xảy ra. Muốn thế, bạn cần lưu ý thiết lập một không gian thoải mái cho cả hai mẹ con ở nhà, để bạn có thể tranh thủ chút thời gian đồng thời vẫn được bên con, chơi đùa hoặc chăm sóc con ngay khi có thể.
Một số việc cần làm sẽ là: Có ngăn tủ cao quá tầm với của bé để đựng các giấy tờ quan trọng, khóa chúng cần thận nếu cần (để tránh cảnh những hợp đồng hoặc giấy tờ quan trọng của bạn bị… bôi đầy bút chì sáp màu); thiết kế không gian sạch sẽ, êm ái, an toàn, để bé vẫn có thể chơi đùa cạnh bạn, giúp bạn kiểm soát được bé trong tầm mắt; có đồ chơi riêng cho con chơi, tránh cảnh con cứ tò mò vớ lấy điện thoại của mẹ, iPad của mẹ và… bấm loạn xạ.
4. Cắt giảm và… cắt giảm!
Bạn chỉ có đúng 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chính vì vậy, đừng tham công tiếc việc! Ở giai đoạn con còn bé xíu này, vừa chăm con vừa đi làm đã là quá xuất sắc rồi. Vậy nên đừng đòi hỏi thêm nữa ở bản thân mình. Bất cứ việc nào thấy không quá quan trọng ở thời điểm hiện tại, hãy chịu khó thẳng tay… cắt bớt.
Chẳng hạn, ai cũng biết việc học lên cao học sẽ rất có ích cho tương lai (công việc) của bạn. Nhưng có nên ráng thêm 3 buổi tối/tuần cho chương trình cao học khi mà bạn đã muốn kiệt quệ vì công việc ban ngày và vì chăm sóc con thơ? Câu trả lời là không nên!
Tương tự, bạn muốn tự tay chăm sóc từng chiếc áo sơ mi ủi thẳng thớm cho anh xã như trước giờ vẫn thế. Nhưng nghĩ lại xem, nếu có thể thuê một người giúp việc theo giờ để làm việc đó, tại sao lại không làm? Bạn chỉ cần dành thời gian cho những gì quan trọng nhất (theo thứ tự ưu tiên của chính bạn). Những thứ còn lại, cắt giảm được càng nhiều càng tốt. Chỉ có như thế bạn mới thấy thoải mái, nhẹ nhõm dần và dư thời gian cho bản thân mình.
5. Tập trung “giờ nào việc ấy”
Hãy tránh cảnh ngồi trong phòng họp và nhấp nhổm nghĩ xem con ở nhà giờ này ăn chưa, ăn có ngoan không. Sắp xếp công việc hợp lý từ ban đầu, sau đó tập cho mình thói quen đã ở công ty thì tránh phân tâm chuyện ở nhà và đã về nhà thì cố gắng đừng để mình ngập đầu với những lo lắng chuyện ở… công ty.
Tất nhiên rất khó để một người phụ nữ “rạch ròi” được hai chuyện này. Nhưng bạn cần tập để hạn chế ở mức thấp nhất có thể sự phân tâm không cần thiết. Bởi lẽ, trong phòng họp mà lo con ở nhà bà cho ăn có ăn được nhiều không thì chẳng giải quyết được gì cả. Nó chỉ khiến bạn mất tập trung, làm việc giảm hiệu quả và mất thời gian thêm mà thôi.
6. Chia sẻ việc nhà
Hãy thẳng thắn đề nghị anh xã chia sẻ việc nhà và phân chia rõ ràng đâu vào đó. Đừng cằn nhằn một cách chung chung: “Sao anh không phụ vợ con gì hết!”. Thay vào đó nêu thật cụ thể: “Anh quét và lau nhà trong lúc em nấu ăn nhé!”, “Anh tắm con trong lúc em dọn rửa nhé!”… Hãy dành thêm một nụ cười và một cái hôn cảm ơn chồng khi anh hoàn thành những công việc trên. Việc nhà, việc chăm con không phải chỉ là của người phụ nữ. Qua rồi cái thời chồng chỉ lo kiếm tiền, vợ chỉ lo làm “nội tướng”. Khi người phụ nữ phải vừa chăm con vừa đi làm, thì chia sẻ việc nhà trở thành điều tất yếu. Hầu hết những chàng trai hiện đại đều hiểu điều đó. Chỉ cần bạn biết cách lên tiếng, họ sẽ sẵn lòng sẻ chia.
7. Chăm sóc bản thân
Đúng thế, đây là “chiêu” xếp cuối cùng nhưng lại quan trọng hàng đầu! Nếu bạn muốn cân bằng giữa gia đình và công việc thì sức khỏe của bản thân là điều cần được lưu tâm tới đầu tiên. Đừng quá tham công tiếc việc và quá cầu toàn. Hãy nhớ rằng, giấy tờ, hợp đồng cần xem xét vẫn đến đều đều dù bạn có chết vì kiệt sức. Công việc thì vô tận nhưng sức khỏe thì có hạn, nên hãy luôn nhớ một lời khuyên luôn hữu ích: Bạn phải chăm sóc chính mình trước thì mới đủ sức khỏe chăm sóc con cái, gia đình, nhà cửa và công việc.