Botulism là một căn bệnh nghiêm trọng do vi khuẩn có tên là Clostridium botulinum gây ra. Loại vi khuẩn này tạo ra độc tố có thể tấn công hệ thần kinh của cơ thể người. Nếu không được điều trị, ngộ độc botulinum có thể gây tử vong. Mời bạn cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu và vấn đề này để có thể bảo vệ bản thân và gia đình, bạn nhé!
Ngộ độc botulinum là gì?
Trước tiên, bạn cần phải biết rằng ngộ độc botulinum là rất hiếm. Nhưng vì nó có thể gây tử vong, do đóbạn nên gọi cấp cứu 115 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất nếu bản thân hoặc người nhà có các triệu chứng ngộ độc. Các triệu chứng có thể bao gồm sụp mí mắt và các dấu hiệu khác ảnh hưởng đến cơ mặt, mắt và cổ họng. Cuối cùng nó có thể ảnh hưởng đến các cơ liên quan đến hô hấp.
Điều gì xảy ra khi nhiễm Clostridium botulinum?
Độc tố của Clostridium botulinum tấn công dây thần kinh của bạn. Điều này có thể gây yếu và tê liệt các cơ, cụ thể là các nhóm cơ giúp bạn di chuyển, nói chuyện và nuốt. Nếu chất độc tấn công các dây thần kinh kiểm soát hơi thở, người bệnh có thể bị tử vong.
Botulinum có thể tấn công cơ thể qua nhiều đường khác nhau. Các loại phổ biến nhất bao gồm ngộ độc thực phẩm, ngộ độc trẻ sơ sinh và ngộ độc vết thương. Ngộ độc do điều trị và ngộ độc đường ruột ở người trưởng thành là những dạng ngộ độc hiếm gặp khác.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc botulinum qua thực phẩm có thể xảy ra khi người bệnh ăn thực phẩm bị nhiễm bào tử Clostridium botulinum. Nguyên nhân là do thực phẩm được lưu trữ không đúng cách dẫn đến vi khuẩn phát triển. Khi vi khuẩn phát triển, chúng giải phóng độc tố vào thức ăn.
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra với thực phẩm tự chế biến và được bảo quản hoặc cất giữ không đúng cách. Mặc dù hiếm nhưng thực phẩm đóng hộp mua ở cửa hàng không đúng cách cũng có thể nhiễm botalinum. Các nguồn thức ăn phổ biến gây ngộ độc bao gồm: Dầu ngâm với các loại thảo mộc, khoai tây nướng giấy bạc, nước sốt phô mai đóng hộp, tỏi đóng chai, cà chua đóng hộp, nước ép cà rốt.
Ngộ độc botulinum ở trẻ sơ sinh
Tình trạng này vẫn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh khi ăn phải bào tử Clostridium botulinum. Khi các bào tử đến ruột của em bé, chúng sẽ phát triển và giải phóng độc tố. Nguồn gốc của các bào tử không phải lúc nào cũng được biết đến. Nhưng chúng thường được tìm thấy trong đất và bụi. Khi đất và bụi bay vào không khí, em bé của bạn có thể hít phải chúng.
Các bào tử cũng có thể có trong mật ong. Ăn phải bào tử botulinum không gây ngộ độc ở trẻ lớn và người lớn khỏe mạnh. Nhưng chất độc này lại được giải phóng ở trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Đây là lý do tại sao các chuyên gia khuyên rằng không nên cho bé ăn mật ong cho đến khi bé được ít nhất 1 tuổi.
Ngộ độc qua vết thương
Tình trạng này xuất hiện khi bào tử Clostridium botulinum xâm nhập vào vết thương. Lúc này, chúng có thể phát triển và giải phóng chất độc vào máu. Tình trạng này thường xảy ra ở những người sử dụng kim tiêm để tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Trong một số ít trường hợp, chúng cũng có thể phát triển sau phẫu thuật hoặc chấn thương nghiêm trọng.
Ngộ độc do điều trị
Ngộ độc do điều trị có thể xảy ra khi bạn tiêm quá nhiều độc tố botulinum, cụ thể là botox. Botox sử dụng một dạng Clostridium botulinum tinh khiết và pha loãng. Bạn có thể được điều trị bằng sản phẩm này vì lý do thẩm mỹ, chẳng hạn như làm phẳng nếp nhăn, kiểm soát chứng đau nửa đầu…
Ngộ độc botulinum qua botox là rất hiếm. Nhưng bạn chỉ nên tiêm botox ở những nơi được cấp phép và từ một chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm.
Ngộ độc đường ruột ở người lớn
Nhiễm độc botulinum ở ruột người trưởng thành còn được gọi là nhiễm độc đường ruột ở người lớn. Đây là một dạng ngộ độc rất hiếm gặp có thể xảy ra khi bào tử Clostridium botulinum xâm nhập vào ruột. Các bào tử phát triển và tạo ra độc tố giống như ở trẻ sơ sinh. Nếu người bệnh có một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng ở hệ tiêu hóa sẽ có nhiều khả năng phát triển dạng ngộ độc này.
Ngộ độc botulinum phổ biến như thế nào?
Như Tạp chí Mẹ và Con đã đề cập ở trên, tình trạng này là rất hiếm. Năm 2018, 242 trường hợp ngộ độc botulinum đã được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Hầu hết các trường hợp liên quan đến ngộ độc ở trẻ sơ sinh.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng ngộ độc ở trẻ sơ sinh có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng có thể phát triển từ 3 đến 30 ngày sau khi tiếp xúc với bào tử Clostridium botulinum. Các triệu chứng ngộ độc ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm: Sụp mí mắt, chảy nước dãi, tiếng khóc yếu ớt, ăn chậm hoặc ăn kém, táo bón, khó thở…
Các triệu chứng ngộ độc botulinum ở trẻ lớn hơn và người lớn thường bắt đầu ở các cơ trên mặt, mắt và cổ họng. Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Các dấu hiệu có thể xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày sau khi ăn phải bào tử Clostridium botulinum. Các triệu chứng bao gồm: sụp mí mắt, nhìn đôi hoặc mờ, khô miệng, nói lắp, khó nuốt, khó thở, yếu hoặc tê liệt cánh tay hoặc chân, buồn nôn và nôn…
Điều gì gây ra ngộ độc botulinum?
Vi khuẩn có tên là Clostridium botulinum là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc, nhưng đôi khi có thể là vi khuẩn Clostridium butyricum hoặc Clostridium baratii. Người bệnh có thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc bào tử của nó mà không bị bệnh, nhưng trong những điều kiện nhất định, các bào tử có thể sinh sôi và phát triển.
Những vi khuẩn trưởng thành này sau đó giải phóng độc tố. Khi các chất độc được giải phóng, chúng sẽ nhanh chóng lan vào máu và gắn vào các dây thần kinh của người bệnh. Khi đó, các dây thần kinh không còn hoạt động. Các điều kiện cho phép bào tử botulinum phát triển bao gồm: Oxy thấp hoặc thiếu oxy, độ axit thấp, đường hoặc muối thấp, nhiệt độ nấu quá thấp, nhiệt độ lưu trữ quá ấm.
Clostridium botulinum có ở đâu?
Các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum thường được tìm thấy trong đất, nhưng hiếm khi gây bệnh cho bạn. Nó đôi khi được tìm thấy trong rau, cá hoặc thịt được bảo quản.
Thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp đóng hộp tại nhà có nhiều khả năng bị ô nhiễm hơn so với thực phẩm được chế biến công nghiệp.
Cách chẩn đoán ngộ độc botulinum
Để chẩn đoán ngộ độc botulinum, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất. Họ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và kiểm tra các cơ yếu hoặc liệt.
Bởi lẽ, biểu hiện ngộ độc botulinum có thể giống với các triệu chứng của các tình trạng khác bao gồm:đột quỵ, viêm màng não và hội chứng Guillain-Barré… Vì vậy, bác sĩ cần phải làm thêm xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán về tình trạng nhiễm độc.
Cụ thể, người bệnh có thể tiến hành xét nghiệm tìm chất độc có trong máu, phân hoặc chất nôn. Các mẫu thực phẩm bị nghi ngờ cũng có thể được kiểm tra độc tố. Các xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể sử dụng bao gồm: Chụp não, kiểm tra tủy sống, kiểm tra chức năng thần kinh và cơ (đo điện cơ)…
Điều trị ngộ độc botulinum
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chứng ngộ độc, bác sĩ có thể sử dụng nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Trong các phương pháp điều trị phổ biến nhất, người bệnh sẽ được cung cấp thuốc chống độc.
Thuốc kháng độc tố ngăn chặn hoạt động của độc tố trong máu của bạn. Điều này ngăn chặn các chất độc gây ra bất kỳ thiệt hại nào nữa cho cơ thể. Tuy nhiên, thuốc kháng độc không thể chữa lành những gì đã bị tổn thương. Người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện hàng tuần hoặc hàng tháng để điều trị.
Nếu người bệnh có vấn đề về hô hấp, bác sĩ có thể cho dùng máy trợ thở. Máy thở sẽ được sử dụng cho đến khi tình trạng tê liệt ảnh hưởng đến hơi thở không còn tồn tại.
Nếu người bệnh bị ngộ độc botulinum qua vết thương, bác sĩ có thể cân nhắc đến phương án phẫu thuật để loại bỏ phần bị nhiễm độc. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh để ngăn nhiễm trùng quay trở lại.
Ngộ độc botulinum có được chữa khỏi?
Theo nhiều nghiên cứu hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào có thể chữa khỏi hoàn toàn ngộ độc botulinum, mặc dù tổn thương thần kinh nhẹ có thể chữa lành. Thuốc kháng độc tố chỉ có thể ngăn chặn thiệt hại thêm từ chất độc.
Các biến chứng nguy hiểm
Botulism có thể làm tê liệt các cơ giúp người bệnh nuốt và thở. Mặc dù thuốc kháng độc có thể hữu ích trong nhiều trường hợp, nhưng một số người chết vì các vấn đề về hô hấp và nhiễm trùng. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe có thể do ngộ độc bao gồm: Kiệt sức, suy nhược lâu dài, khó thở, viêm phổi, các vấn đề về hệ thần kinh…
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, việc hồi phục sau khi bị ngộ độc botulinum có thể mất hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Hầu hết những người được điều trị kịp thời sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng chưa đầy 2 tuần.
Ngăn ngừa ngộ độc botulinum
Bạn có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa ngộ độc botulinum theo từng trường hợp cụ thể.
Để ngăn ngừa ngộ độc thông qua thực phẩm, bạn nên: làm lạnh thực phẩm trong vòng hai giờ sau khi nấu chín, nấu chín kỹ thức ăn, tránh các hộp đựng thức ăn có biểu hiện hư hỏng hoặc phồng lên vì đây có thể là dấu hiệu của khí do vi khuẩn tạo ra, tiệt trùng thực phẩm đóng hộp tại nhà trong nồi ở 121°C trong 30 phút, vứt bỏ thực phẩm đã được bảo quản nhưng có mùi hôi.
Với ngộ độc ở trẻ sơ sinh, bạn không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong, tăng cường cho trẻ sơ sinh bú mẹ để làm chậm sự phát bệnh, nếu bệnh ngộ độc phát triển.
Để tránh ngộ độc botulinum qua vết thương, bạn đừng lạm dụng thuốc tiêm, tìm kiếm sự điều trị y tế cho vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm đỏ, đau, sưng hoặc mủ; làm sạch vết thương bị bám bụi bẩn và đất một cách triệt để. Cuối cùng là để tránh ngộ độc do điều trị botox, bạn chỉ tiêm botox khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Tạp chí Mẹ và Con đã cùng bạn tìm hiểu về tình trạng ngộ độc botulinum rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Chúc bạn áp dụng thành công và gia đình luôn an toàn, khỏe mạnh!